clock

CEO Thế Giới

05:26 30-09-2016

7 bài học cuộc sống từ cha đẻ của “Quốc gia khởi nghiệp”

Shimon Peres vừa là người khai sinh nền công nghiệp quốc phòng Israel, vừa được giải Nobel Hòa bình, lại vừa là cha đẻ mô hình

Ngày 28/9 vừa qua, cố Tổng thống Israel Shimon Peres đã qua đời ở tuổi 93. Được xem là một trong những học trò xuất sắc nhất của David Ben-Gurion, người đã sáng lập ra nước Israel hiện đại, ông Peres có bề dày thành tích đáng nể ít có nguyên thủ nào bì kịp. Ông từng làm bộ trưởng trong 12 nội các, 2 lần làm thủ tướng, và gần đây nhất là làm Tổng thống Israel trong giai đoạn 2007-2014.

Mới 26 tuổi, Peres đã được chọn làm người đứng đầu phái đoàn quân sự của Israel tới Mỹ. Ở tuổi 29, ông đã là lãnh đạo cơ quan mua sắm khí tài quân sự cho Bộ Quốc phòng của đất nước Israel non trẻ. Nền công nghiệp quốc phòng của Israel trở nên hùng mạnh và hiện đại bậc nhất thế giới ngày hôm nay chính là nhờ công lao của Peres để lại. Các ngành công nghiệp điện tử, hàng không, kỹ thuật hạt nhân của quốc gia này đều là do ông đặt nền móng xây dựng.

Dù là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Israel, nhưng Peres cũng là một nhà đàm phán xuất sắc và là người kiến tạo hòa bình. Với những đóng góp vào hiệp định hòa bình Oslo giữa Israel và Palestine, ông đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1994. Ông cũng là người khởi động cho hòa ước giữa Israel và Jordan được ký năm 1994, chấm dứt 46 năm chiến tranh giữa 2 quốc gia láng giềng này.

Tổng thống Mỹ Obama trao tặng Huân chương Tự do cho Shimon Peres. Ảnh: Quartz
Với cộng đồng doanh nghiệp Israel, di sản quan trọng nhất mà Peres để lại cho họ chính là việc ông đã biến đất nước nhỏ bé chưa tới 9 triệu dân này thành “quốc gia khởi nghiệp” khiến cả thế giới phải học tập theo. Khi Peres lên làm Thủ tướng Israel vào năm 1984, quốc gia này đang trong tình trạng rối loạn nghiêm trọng: khủng hoảng ngân hàng, lạm phát phi mã lên tới 400%, thâm hụt ngân sách lên tới 15% GDP, nợ công đạt 220% GDP, dự trữ ngoại tệ cạn kiệt… Trước tình hình đó, Peres đã đưa ra hàng loạt quyết định quan trọng để vực dậy nền kinh tế. Ngày 30-6-1985, ông tổ chức một cuộc họp nội các để bàn thảo về kế hoạch mới. Sau 19 tiếng đồng hồ ngồi họp không ngừng nghỉ, đến sáng ngày 1-7 họ công bố một chương trình đầy táo bạo, với nhiều cải cách “đau đớn” nhưng cần thiết như cắt giảm ngân sách, tăng lãi suất và đổi tiền.

Với nhiều người, đó cũng là ngày ra đời của nền kinh tế Israel hiện đại. Tới cuối năm ấy, lạm phát của Israel giảm xuống còn 20%, còn tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng hơn 1% trước khi lại giảm xuống. Đồng tiền shekel của Israel cũng được ổn định tỷ giá trở lại, và ngân sách chính phủ nhanh chóng được cân bằng. Các chính sách của Peres cũng mở đường cho Israel từ chỗ là một nền kinh tế kế hoạch tập trung cao độ trở thành một nền kinh tế thị trường tự do, và từ đó biến thành “quốc gia khởi nghiệp”.

Tuy bản thân ông không sử dụng smartphone và cũng không xem tin tức online, nhưng Peres lại là người không bao giờ ngừng nghỉ trong việc tạo dựng cơ hội kinh doanh cho các công ty khởi nghiệp của Israel. Cuối những năm 1980, trong vai trò bộ trưởng tài chính, ông là nhân vật chủ chốt trong việc ký hợp đồng với tập đoàn Intel và cho họ một khoản trợ cấp trị giá 1 tỷ USD, để gã khổng lồ điện tử này đầu tư vào dự án lớn ở Israel. Ngày hôm nay, Israel là nơi Intel lựa chọn để thiết kế và sản xuất các dòng chip thế hệ mới nhất, và có tới 10.000 cựu nhân viên Intel đã khởi nghiệp tại Israel, tạo dựng nền móng đầy vững chắc cho “quốc gia khởi nghiệp”.

Trong cuốn Start-up Nation, các tác giả Saul Singer và Dan Senor đã kể lại chuyện Peres đã giúp đỡ doanh nhân Shai Agassi huy động vốn cho công ty công ty Better Place của Agassi như thế nào. Khi đó đã 83 tuổi và sắp được bầu làm tổng thống Israel, Peres vẫn tích cực tận tay giúp đỡ anh chàng 38 tuổi Agassi gặp gỡ hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ của Israel, cũng như lãnh đạo của 5 tập đoàn xe hơi lớn nhất thế giới. Từ đó, Peres và Agassi đã thuyết phục CEO Carlos Ghosn của liên doanh Renault-Nissan đầu tư vào Better Place.

Theo Singer, Peres “là người cả đời làm cho chính phủ, nhưng lại suy nghĩ và hành động như một doanh nhân khởi nghiệp. Peres luôn hướng về tương lai và điều đó mang lại sức trẻ cho ông ấy”. Maxine Fassberg, CEO của chi nhánh Intel tại Israel, nhận xét: “Peres là nhà tiên tri cho nền kinh tế công nghệ cao của Israel, và là người hiểu được thế giới công nghệ hơn cả những người trong ngành”.

Shimon Peres (trái) ngồi trong khoang lái của chiến đấu cơ Lavi
1. Đừng ngần ngại mơ những giấc mơ lớn

Vào những năm 1950, lúc Peres còn đang làm công việc mua sắm vũ khí cho quân đội Israel, ông cùng với người bạn là kỹ sư Al Schwimmer đã bắt đầu mơ tới việc xây dựng ngành công nghiệp hàng không “made in Israel”. Lúc đó, nhiều nhà lãnh đạo khác của Israel đã dè bỉu chuyện này, và cho rằng Israel còn chưa sản xuất nổi chiếc xe đạp thì làm sao tính đến những chuyện lớn hơn. Với sự giúp sức của Peres và Ben Gurion, Schwimmer đã sáng lập nên tập đoàn tư nhân mang tên Công nghiệp Hàng không Israel (IAI) vào năm 1953 với 70 nhân viên, để bảo dưỡng các máy bay của không quân Israel. Tới năm 1959, Israel đã tự sản xuất được chiếc máy bay đầu tiên của mình với cái tên Tzukit, dựa theo một thiết kế của Pháp.

Ngày nay, IAI là một trong những công ty kỹ thuật hàng không hàng đầu thế giới, với doanh thu gần 4 tỷ USD và 16.000 nhân viên. Không chỉ sản xuất các chiến đấu cơ cho quân đội Israel như Kfir và Nammer, IAI còn là một trong những công ty tiên phong về công nghệ không gian. Nhờ có IAI, Israel là quốc gia thứ 8 trên thế giới có khả năng tự phóng tên lửa vào vũ trụ từ năm 1988, bên cạnh các cường quốc có dân số đông hơn hàng chục lần như Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ. Gần đây, khi Facebook muốn phóng vệ tinh để cung cấp Internet cho toàn thế giới, họ đã lựa chọn vệ tinh Amos-6 của IAI. Peres từng nói: “Là một trong những người sáng lập nên IAI, tôi chưa bao giờ thấy hết ngạc nhiên vì sự sáng tạo và táo bạo của những trí tuệ Israel”.

Tương tự, khi Peres nuôi giấc mơ xây dựng nền công nghiệp hạt nhân cho Israel, ông cũng đã nhận được nhiều lời chế giễu. Vị bộ trưởng tài chính Israel khi đó, vốn tin rằng Israel nên tập trung phát triển xuất khẩu hàng dệt may, đã nói với Peres: “Thật tốt là ông đã đến gặp tôi. Tôi sẽ bảo đảm là ông không nhận được một đồng nào”. Thế mà Shimon và Ben Gurion vẫn bí mật xây dựng được một nhà máy điện hạt nhân tại thành phố Dimona với vỏ bọc “nhà máy dệt”. Ngày hôm nay, tiềm lực vũ khí hạt nhân bí mật của Israel (vẫn chưa được chính thức thừa nhận) được xem là công cụ tối thượng để bảo đảm độc lập cho nước này, và Israel nằm trong top 10 thế giới về số bằng sáng chế liên quan tới kỹ thuật hạt nhân.

Trong bài diễn văn khai mạc một trung tâm sáng tạo tại thành phố Jaffa hồi tháng 7 năm nay, Peres đã nói: “Người ta hay gọi tôi là một kẻ mơ mộng. Nhưng ngày nay, khi nhìn lại Israel, tất cả chúng ta đều có thể thấy rằng càng dám mơ lớn thì càng gặt hái thành quả lớn… Tôi chỉ có một thỉnh cầu nho nhỏ thôi. Israel là một giấc mơ đã trở thành hiện thực. Hãy cho tôi quyền được tiếp tục mơ”.

Shimon Peres (giữa) nhận giải Nobel hòa bình năm 1994 cùng Yasser Arafat và Yitzhak Rabin. Ảnh: Wikimedia
2. Giữ giá trị và nhân phẩm của bản thân

Peres nói: “Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là dám làm. Điều phức tạp nhất trong cuộc sống là sợ hãi. Điều khôn ngoan nhất trong cuộc sống là làm người có đạo đức”. Ông cũng khuyên: “Thà gây tranh cãi vì những chuyện đúng, còn hơn là được yêu quý vì những chuyện sai”.

Nói về tầm quan trọng của việc nhìn nhận và đánh giá chính bản thân mình để từ đó đối xử tốt với người khác, ông ví von: “Nền văn minh nhân loại bắt nguồn từ việc phát minh ra chiếc gương soi”.

Peres chụp hình cùng các binh sĩ Israel. Ảnh: idfblog.com
3. Luôn dự tính trước cho tương lai

Peres từng nói: “Tôi giống như một người thợ săn vậy. Khi người thợ săn muốn bắn hạ một con chim, ông ta sẽ bắn vào vị trí vài mét trước mặt con chim để đón đường bay của nó. Công việc của tôi là bắn vào trước mục tiêu của mình, vì nếu chỉ canh thẳng vào mục tiêu thì sẽ bắn hụt. Tất cả lối tư duy của tôi là nhìn về những gì sẽ diễn ra phía trước”.

Là người chủ trì việc mua sắm vũ khí cho quân đội Israel, Peres đã quyết định dốc lực đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển năng lực công nghiệp quốc phòng trong nước, trong lúc các tướng lĩnh thường xuyên than phiền về tình trạng thiếu hụt tiền mua khí tài nước ngoài. Ngày hôm nay, Israel là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ GDP dành cho khoa học kỹ thuật, đảm bảo một nền quốc phòng hùng mạnh cũng như một nền kinh tế dân sự cực kỳ phát triển.

Ngành dệt may từng một thời là nguồn thu ngoại tệ số 1 của Israel cho đến những năm 1990, khi lực lượng nhân công giá rẻ dồi dào của châu Á khiến cho ngành này không còn cơ hội phát triển tiếp ở Israel. Nếu Peres đã không chủ động phát triển các ngành điện tử và hàng không từ hàng chục năm trước, lúc đó chắc chắn nền kinh tế Israel đã gặp phải một cú sốc lớn sau khi mới vừa gượng dậy từ khủng hoảng.

Peres dẫn lại lời của Ben Gurion: “Tất cả các chuyên gia đều là chuyên gia về những chuyện đã xảy ra. Chẳng có ai là chuyên gia về những chuyện sẽ xảy ra cả”.

Shimon Peres (góc trái dưới) tại nhà máy của Intel ở Israel. Ảnh: timesofisrael.com

4. Đừng để bị quá khứ giữ chân

Từng được hỏi về thành tựu lớn nhất mà ông đã từng đạt được, Peres trả lời: “Có một họa sĩ vĩ đại tên là Mordecai Ardon, và một ngày kia ông được hỏi rằng đâu là bức tranh đẹp nhất mà ông từng vẽ. Ardon đã trả lời: ‘Đó là bức tranh mà tôi sẽ vẽ vào ngày mai’. Đó cũng là câu trả lời của tôi”.

Gửi lời khuyên tới thế hệ trẻ, Peres nói: “Khi phải chọn giữa quá khứ và tương lai, hãy bỏ lại quá khứ ở phía sau, đừng để bị nó níu kéo. Bản thân quá khứ cũng hiếm khi được kể lại một cách chính xác, và hãy nhớ rằng khi chúng ta nói về tương lai thì thực ra lúc đó nó đã thành hiện tại rồi.” Một lời khuyên khác: “Con người thường được đào tạo để sống theo quá khứ. Nhưng chúng ta cần một xã hội sống theo trí tưởng tượng, chứ không phải những ký ức đã qua”.

Bàn về việc sáng tạo, Peres nói thêm: “Khi bạn đối mặt với 2 lựa chọn, việc đầu tiên cần làm ngay là đi tìm lựa chọn thứ 3, điều mà bạn chưa nghĩ tới hoặc có thể là chưa từng tồn tại”. Ông cũng nói: “Nếu phải chọn giữa việc làm người có nhiều kinh nghiệm và nghi ngại, hay làm người ngây thơ và tò mò, tôi sẽ chọn giải pháp thứ hai”.

Nói về tuổi già, Peres không ngần ngại: “Bạn có phải là người trẻ hay không là do những giấc mơ của bạn, chứ không phải do những cuốn lịch”.

Peres (ngồi giữa) cùng các lãnh đạo Israel thử nghiệm công nghệ thực tế ảo vào tháng 7-2016. Ảnh: Newsweek
5. Không ngừng phát triển bản thân

Nói về việc học hỏi, Peres khuyên: “Ai cũng cần phải biết rằng họ có nhiều tiềm lực ẩn giấu bên trong mà họ chưa hiểu hết, và cần phải biết cách phát triển những tiềm lực đó. Tôi luôn khuyến khích sự tò mò. Tôi chưa từng biết có ai phát huy được hết 100% tiềm lực của mình dù người đó có đạt tới đỉnh cao nào đi nữa”.

Là một người không bao giờ ngừng học hỏi, đến tận gần những ngày cuối đời Peres không bao giờ thôi tò mò và tìm hiểu về những tiến bộ công nghệ mới nhất. Chỉ mới vào ngày 13-9 gần đây, hơn 2 tuần trước khi ông qua đời, Peres vẫn còn tới phát biểu tại diễn đàn Ambrosetti ở Ý về tương lai của cách mạng thông tin và dữ liệu lớn (Big Data). Ở tuổi 89, Peres vẫn còn cùng Mark Zuckerberg “khai trương” trang Facebook của ông.

Peres cũng từng nói: “Chúng ta giờ đây biết rằng máy vi tính mạnh hơn súng đạn, và những cơ hội mới là đến từ các ký túc xá của những nhà khoa học, thay vì những doanh trại của các binh lính”, và “Tiền không đẻ ra tiền. Các ý tưởng mới là thứ đẻ ra tiền”.

Nhà báo Bret Stephens của Wall Street Journal, từng là biên tập của tờ Jerusalem Post, nhớ lại: “Năm 2002, tôi ngồi cùng Peres trên một chuyến bay từ Johannesburg tới Tel Aviv. Ông ấy đang đọc một cuốn sách về lịch sử thực phẩm. Tôi lắng nghe ông ấy nói chuyện không ngừng nghỉ về nông nghiệp, về công nghệ nano, về kế hoạch hồi sinh Biển Chết bằng nước từ Biển Đỏ. Ông ấy chỉ muốn nói chuyện về tương lai chứ không phải về quá khứ. Lúc đấy ông ấy đã gần 80 tuổi, không ngừng mơ những giấc mơ lớn. Di sản quan trọng nhất của ông ấy là khiến cho đất nước Israel cũng không ngừng làm như thế”.

Năm 2013, Israel, Jordan và Palestine, những cựu thù được xích lại gần nhau nhờ các hòa ước do Peres xây dựng, đã đồng ý cùng nhau tạo ra một kênh đào nối liền Biển Đỏ và Biển Chết.

Peres gặp gỡ các nhà sáng lập Sergey Brin của Google (trái), Mark Zuckerberg của Facebook (giữa) và Jimmy Wales của Wikipedia (phải). Ảnh: tổng hợp
6. Không cần phải “gào thét” để chứng tỏ sức mạnh

Peres từng nói: “Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, tôi tin rằng nên làm sư tử đội lốt cừu thay vì làm cừu đội lốt sư tử. Tôi tin rằng nói năng nhẹ nhàng bao giờ cũng hiệu quả hơn”.

Doanh nhân David Sackman, người từng được nghe Peres nói chuyện trong 1 tiếng đồng hồ, nhận xét: “Ông ấy là một người nhỏ con và nói năng rất nhẹ nhàng. Nhưng những ý tưởng mà Peres trình bày làm cho chúng tôi dính chặt vào ghế ngồi của mình và cố nghe hết từng lời một. Bài học từ ông ấy là nếu bạn nói ra những điều thực sự quan trọng, thì mọi người sẽ tự khắc lắng nghe. Nếu người ta không lắng nghe, thì hoặc là những gì bạn nói không quan trọng, hoặc không làm cho người ta hiểu được”.

Shimon Peres và người vợ Sonia. Ảnh: ynetnews.com
7. Trân trọng người bạn đời của mình

Lúc kết hôn với Sonia Peres, Shimon chỉ có 3 món tài sản duy nhất: 2 chiếc quần dài và 1 đôi giày. Có lẽ khi ấy họ không thể ngờ rằng cả hai sẽ gắn bó cùng nhau suốt 67 năm sau đó, cho tới khi Sonia qua đời vào năm 2011. Dù vào lúc cuối đời, Sonia có mâu thuẫn về quan điểm với Shimon và dẫn tới ly thân, nhưng họ chưa bao giờ tính đến việc ly dị. Trái với hầu hết những bà vợ của các chính trị gia, Sonia là người chưa bao giờ thích xuất hiện trước công chúng và dư luận. Làm trưởng một hội từ thiện cho trẻ em, bà thường xuyên là người xung phong tình nguyện đi cọ rửa sàn nhà và trực tiếp trao thực phẩm đến tay những trẻ em cơ nhỡ.

Nói về vợ mình, Shimon cho biết: “Tôi chưa bao giờ yêu ai khác ngoài một người duy nhất là cô ấy. Tôi là một người đang yêu suốt cả cuộc đời. Người phụ nữ tôi yêu cũng là đồng minh thân cận suốt đời của tôi”.

Thứ tình yêu duy nhất có thể vượt lên tình yêu mà Shimon dành cho Sonia là tình yêu đất nước. Khi Sonia phản đối việc Shimon lên làm tổng thống năm 2007, ông đã trả lời: “Anh đã phục vụ nhân dân và tổ quốc cả đời. Đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc đời anh. Anh không biết nghỉ ngơi là gì, với anh nghỉ ngơi giống như là hấp hối vậy. Anh sẽ chết mất nếu như không nhận nhiệm vụ này”. Chính vụ mâu thuẫn này đã khiến 2 người ly thân với nhau.

Dù vậy, khi nhậm chức Tổng thống, Shimon vẫn tuyên bố trước mọi người rằng Sonia là tình yêu trọn đời của ông. Khi Sonia qua đời vào năm 2011, Shimon đã nói: “Tôi yêu cô ấy từ cái nhìn đầu tiên. Tình yêu ấy sẽ ở mãi bên tôi cho tới khi đến lượt tôi cũng nhắm mắt lại vĩnh viễn”.

 

Tuấn Minh

Nguồn Tổng hợp