clock

Doanh Nghiệp

11:36 20-02-2017

7-Eleven, Vinmart+, Circle K đua mở chuỗi nhưng chớ quên Tạp hóa truyền thống mới là đối thủ đáng gờm nhất!

96% người Việt đi xe máy, và họ có thói quen mua đồ giá rẻ ở tạp hóa truyền thống. Nếu muốn thành công ở Việt Nam, các chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ phải tìm ra cho mình một hướng đi đúng trên thị trường và làm mới dịch vụ.

Tháng 10/2016, báo cáo của hãng Kantar WorldPanel đã được công bố nói về thị trường bán lẻ Việt Nam với tiêu đề: Siêu thị nhỏ/cửa hàng tiện lợi - Tương lai của bán lẻ hiện đại tại Việt Nam?

Bán lẻ hiện đại tại 4 thành phố lớn của Việt Nam đã tăng trưởng chậm hơn so với nhiều dự đoán trước đó, từ năm 2005 đến nay chỉ tăng 6 điểm thị phần và hiện chiếm khoảng 18% thị phần. Nếu chúng ta so sánh sự phát triển này với các nước láng giềng, đáng ngạc nhiên là bán lẻ hiện đại chưa phát triển nhiều ở Việt Nam. Có nhiều lý đo để giải thích cho vấn đề này.

Thứ nhất là chi phí mặt bằng, không gian để xây dựng các đại siêu thị hoặc siêu thị thực sự cao, dẫn đến việc kênh mua sắm này bị đẩy ra ở khu vực ngoại ô thành phố.

Thứ hai, người Việt thường lái xe máy đến những điểm mua sắm này, và không có khả năng mang vác quá nhiều đồ về nhà trong cùng một lần mua.

Và cuối cùng là do thói quen mua sắm của người Việt vẫn còn rất truyền thống, họ thường hay mua những gói hàng nhỏ lẻ, do đó vẫn còn gắn liền với các cửa hàng truyền thống và chợ. Khi đi mua sắm tại các đại siêu thị và siêu thị hành vi mua hàng của họ cũng tương tự như vậy, nghĩa là tần suất đi mua khá thường xuyên nhưng lượng mua lại không được nhiều.

Vậy lối đi nào cho tương lai của bán lẻ hiện đại tại thị trường Việt Nam? Liệu rằng Việt Nam sẽ mãi mãi là một thị trường “bán lẻ truyền thống”, hay mô hình siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi sẽ là giải pháp cho sự phát triển của bán lẻ hiện đại?

Nhìn chung, siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi đã và đang đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Theo Kantar Worldpanel, hơn một phần ba số hộ gia đình Việt hiện nay đã từng mua sắm các mặt hàng tiêu dùng nhanh tại kênh này trong năm ngoái với tần suất mua sắm trung bình là 10 lần/năm. Giá trị thị phần của kênh mua sắm này đối với hàng tiêu dùng nhanh là 2,7% và không có gì lạ nếu nó tiếp tục phát triển trong tương lai.

Vinmart + dự kiến sẽ mở hơn 1.000 cửa hàng vào năm 2017, trong khi B'smart và Family Mart cũng đang có kế hoạch mở rộng đáng kể số lượng cửa hàng. 7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện lợi “khổng lồ” của Nhật Bản cũng đang rục rịch tuyển người để chuẩn bị mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 4 tới. Kế hoạch của họ là mở 100 cửa hàng trong 3 năm tới và 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới.

Kết quả là từ năm 2010, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng và ổn định về số lượng các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi. Điều này cũng lý giải cho sự phát triển của kênh mua sắm này tại Việt Nam. Nhưng liệu rằng những cửa hàng này có phù hợp với thói quen mua sắm thường ngày của người Việt?

Hiện nay, 7/10 hộ gia đình ở thành thị Việt Nam cho rằng giá thành ở các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi thường đắt hơn so với các cửa hàng bán lẻ truyền thống và quan điểm này dường như khó thay đổi trong một sớm một chiều. Thêm vào đó, có 41% người mua cho rằng họ không thể tìm thấy tất cả những thứ họ cần tại kênh mua sắm này hiện nay.

Điều này vẫn còn là một vấn đề liên quan đến quy mô cửa hàng (số lượng hàng hóa, sản phẩm bày bán), so với kênh siêu thị hay một mô hình nào đó khác sẽ cản trở tăng trưởng của các chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Kênh mua sắm này có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tức thời hoặc ngắn hạn hay loại hình mua sắm “Top-up”, tuy nhiên sẽ rất hạn chế trong việc đáp ứng cho những nhu cầu mua sắm với giỏ hàng lớn hơn (số lượng sản phẩm, chủng loại nhiều hơn) - hiện tại trong 10 lần đi mua sắm tại kênh này thì chỉ có một lần mua với giỏ hàng có trên 4 loại sản phẩm khác nhau.

 

 

Tuy nhiên, những ưu điểm về tính tiện lợi của kênh mua sắm này không nổi bật khi so với các cửa hàng bán lẻ truyền thống và đây có lẽ là một trong những lí do tại sao sự phát triển của mô hình này trong tương lai gần có thể chậm lại. Đừng quên rằng chúng ta đang nói về một đất nước mà hơn 96% hộ gia đình sở hữu ít nhất một chiếc xe máy và thường xuyên sử dụng chúng để đi gần như mọi nơi.

Trong khi siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi cũng tương tự như các cửa hàng truyền thống, có mặt ở khắp mọi nẻo đường trong thành phố và đều có thể ghé qua dễ dàng thì mức độ thuận tiện thực sự của kênh mua sắm này đến đâu vẫn còn là một câu hỏi. Vì vẫn mất nhiều thời gian giao dịch nếu bạn phải lái xe đến cửa hàng, tìm một chỗ đậu xe trên đường (nếu có không gian!) và bạn phải đi vào bên trong cửa hàng để tìm kiếm những thứ bạn cần mua.

Hãy thử so sánh với các cửa hàng truyền thống phổ biến, nơi mà bất kì ai cũng có thể dừng lại bên ngoài với chiếc xe đạp, gọi chủ cửa hàng lấy hộ những sản phẩm cần mua và họ sẽ đưa trực tiếp đến tay cho bạn!

Cũng cần nhớ rằng trong nhiều trường hợp người tiêu dùng đã mua sắm tại các cửa hàng truyền thống khá lâu và đã gắn bó, thân quen với chủ cửa hàng, những người này thường đưa ra lời khuyên cho họ, và trong nhiều trường hợp, họ còn có thể dễ dàng mua hàng trả sau - một việc mà không có mô hình bán lẻ hiện đại nào cho phép.

Như vậy, có vẻ như là siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi vẫn phải tìm ra cho mình một hướng đi đúng trên thị trường và làm mới những dịch vụ của mình nếu không muốn mất thị phần trong cuộc chiến hàng tiêu dùng nhanh.

Mô hình này hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh, nhưng đừng kì vọng rằng chúng sẽ đóng vai trò chính trong sự phát triển của bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, trừ khi định vị đúng hướng đi để tập trung vào đó và đồng thời vượt qua được những thách thức, khó khăn hiện đang phải đối mặt.

Bên cạnh việc mức giá trung bình cao hơn cho hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, kênh mua sắm này còn phải cạnh tranh ở mọi góc độ: Sự cạnh tranh mạnh mẽ từ phía các đại siêu thị về trải nghiệm mua hàng, phía các siêu thị về độ đa dạng sự lựa chọn và từ phía các cửa hàng truyền thống về mức độ tiện lợi khi mua sắm.

 
 

Phương Linh

Theo Trí Thức Trẻ/Kantar WorldPanel