clock

Doanh Nghiệp

08:32 20-10-2016

Bà chủ SeABank, BRG Nguyễn Thị Nga: Tôi luôn tâm niệm "Vay vơi thì phải trả đầy, vay gừng thì phải trả mật"

Bà Nguyễn Thị Nga là người đầu tiên tham gia thành lập ngân hàng tư nhân tại Việt Nam, lần lượt làm Chủ tịch Techcombank và SeABank, hiện sở hữu nhiều sân golf và khách sạn nổi tiếng.

Doanh nhân Nguyễn Thị Nga, thường được gọi với cái tên thân mật Madam Nga, là người từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á.

Bà Nga đã tạo dựng được một cơ nghiệp đồ sộ khi sở hữu tập đoàn đa ngành BRG, nắm giữ nhiều tại sản lớn như SeABank, 2 khách sạn do Hilton quản lý tại Hà Nội, 3 sân golf đi kèm với những khu nghỉ dưỡng, đồng thời là cổ đông chủ chốt tại Intimex Hà Nội, doanh nghiệp Nhà nước có khối bất động sản giá trị cao.

Bà chủ nhà băng

Bà Nga xuất phát điểm là một người kinh doanh xuất nhập khẩu. Bước ngoặt diễn ra vào năm 1993, khi Chính phủ cho phép thành lập ngân hàng tư nhân, khi đó bà Nga đã là một trong những người đầu tiên tham gia góp vốn vào ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương.

Bà cho biết, khoản vốn góp khi đó chỉ vài tỷ đồng, so với bây giờ thì không lớn, nhưng ở thời đó giúp bà đứng vị trí thứ 2 trong danh sách góp vốn của ngân hàng này và là viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp hoạt động trong ngành tài chính của bà Nga.

Khi góp vốn, bà Nga chưa tham gia vào hội đồng quản trị ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương, bởi bà là người làm xuất nhập khẩu, chưa biết nhiều về ngân hàng. Tuy nhiên, do hoạt động xuất nhập khẩu gắn với nhiều thủ tục liên quan đến ngân hàng, như hợp đồng, tín dụng, LC... nên bà nhanh chóng làm quen và nắm bắt được các hoạt động ngân hàng. Đến năm 1998, bà chính thức tham gia điều hành với một vị trí trong hội đồng quản trị.

Sau khi ngân hàng Châu Á Thái Bình Dương giải thể, bà Nga đã chuyển sang Techcombank, lúc này đang trong giai đoạn khó khăn và cần nguồn vốn đầu tư mới. Bà đã góp vốn đầu tư và lần lượt nắm các vị trí quan trọng, như Uỷ viên Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất, sau đó lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Chính trong thời gian bà Nga làm Chủ tịch Techcombank, bà đã kêu gọi được sự tham gia của ngân hàng HSBC vào cuối năm 2005, với 10% cổ phần và sau này tăng lên 20%.

Tuy nhiên, một thời gian sau bà Nga đã rời Techcombank, do không có chung quan điểm với những cổ đông lớn còn lại. Sau khi rời Techcombank, bà Nga vẫn tiếp tục nghiệp ngân hàng khi tham gia đầu tư vào SeABank, khi đó vốn điều lệ chỉ 5 tỷ đồng và là một ngân hàng thương mại rất nhỏ ở Hải Phòng. Đến nay SeABank đã có vốn điều lệ lên tới gần 5.500 tỷ đồng.

Bà Nga được biết đến như một người am hiểu, đam mê truyền thông và cũng đã từng làm trong lĩnh vực truyền thông. Bà từng tiết lộ rằng bà rất thích viết lách nên tất cả các bài viết của SeABank bà đều sửa từng chữ, tất cả hình ảnh đưa ra ngoài, tạp chí, báo cáo thường niên... đều được bà xem xét kỹ và duyệt bố cục, màu sắc.

Bà Nga từng đi học về quản trị điều hành ở Mỹ năm 2001, và học được nhiều điều về xử lý khủng hoảng truyền thông. Tại đây, bà từng được các giáo sư giao tình huống, giả định làm chủ tập đoàn Pepsi và gặp sự cố trong chai có một con ruồi, và yêu cầu xử lý khủng hoảng truyền thông khi các nhà báo, đài truyền hình xuất hiện.

Khi đó, bà nói rằng: "Tôi sẽ tiếp nhận tất cả câu hỏi, nhưng sẽ hẹn một buổi khác để trả lời, sau khi đã kiểm tra toàn bộ hệ thống, quy trình, sản phẩm. Sau đó, nếu lỗi của hãng mình, thì công ty sẽ nhận lỗi, thu hồi sản phẩm, bồi thường cho khách hàng...". Câu trả lời này được các giáo sư đồng tình và chấm điểm cao.

Mua sân golf và khách sạn 5 sao từ các ông chủ nước ngoài

Ngoài ngân hàng, bà Nga cùng gia đình tham gia sâu vào bất động sản, với các sân golf và khách sạn nghỉ dưỡng.

Hồi tháng 1/2000 bà Nga đã nhận bàn giao sân golf King's Island, là sân golf của nhà đầu tư Thái Lan chuyển nhượng lại sau khi hoạt động không hiệu quả, lại đồng thời gặp khủng hoảng kinh tế. Đây cũng là một bước ngoặt khi lĩnh vực golf là hoàn toàn mới mẻ không chỉ với bà Nga mà còn trong toàn bộ cộng đồng kinh doanh.

Bà Nga chia sẻ, khi mua lại King's Island, bà hoàn toàn không biết gì về golf, thậm chí chưa từng cầm vào cây gậy golf. Tuy nhiên, trải qua những lần được mời tới sân golf, quan sát thực tế, bà Nga cho rằng: "Đây là một môi trường thể thao rất mới, nhưng sẽ là tiềm năng của Việt Nam, vì nó đã rất thành công và phát triển trên thế giới. Ngoài ra, nước ta có bờ biển rất dài và sẽ là đất nước du lịch, phù hợp với môn thể thao golf".

Bà Nga có quan điểm không bao giờ sa thải nhân viên, trừ khi vi phạm luật. Sau khi mua King's Island, các cán bộ nhân viên từng lo ngại việc chuyển từ công ty nước ngoài sang công ty Việt Nam sẽ khiến họ bị giảm lương hoặc nghỉ việc, nhưng bà Nga đã nói với 700 nhân viên King's Island rằng, sẽ không ai bị giảm thu nhập. Ngoài King's Island ở Đồng Mô, tập đoàn BRG của bà Nga hiện có 2 sân golf khác là BRG Ruby Tree Golf Resort (Đồ Sơn, Hải Phòng) và Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội).

Sân Golf Kings Island

Năm 2011, bà Nga tiếp tục có một thương vụ gây xôn xao thị trường khi đầu tư mua 70% cổ phần của khách sạn Hilton Hà Nội Opera từ quỹ VinaCapital. Bà chia sẻ: "Tôi không bao giờ mua bất động sản không có doanh thu, bởi các loại bất động sản này rất rủi ro. Nếu mua bất động sản tĩnh, như nhà, đất, rồi chờ giá lên, nhưng giá không lên thì không có gì trang trải cho chính nó".

Bà Nga là người rất thích ngành khách sạn, bởi bà cho rằng, bất động sản động có nhiều nhân viên, luôn có dòng tiền, rủi ro thấp hơn và không sợ mất giá trị. Ông Don Lam, Chủ tịch VinaCapital từng nhận xét về bà Nga: "Chị Nga là người quyết đoán, ra quyêt định nhanh." Sau khi mua lại Hilton, bà Nga tiếp tục chi tiền cải tạo khách sạn Hoàn Kiếm, đổi tên thành Hilton Garden Inn Hà Nội, giao Hilton quản lý.

Cuộc sống và gia đình

Bà Nga cho biết, bà làm việc 14-16 tiếng/ngày. Thời còn trẻ hơn bây giờ, áp lực công việc lớn từng khiến bà về nhà với gương mặt cau có, chưa bình thản trở lại, kém tươi tỉnh.

Khi đó, ông Lê Hữu Báu chồng bà đã nói: "Các công việc em không hài lòng thì em cất ở văn phòng, còn khi đã về nhà thì hãy để tâm thanh thản, để hồi phục sức khoẻ. Còn nếu về mà mặt em đăm chiêu như thế, thì dù anh chỉ là một Tiến sỹ học ở Đức về thôi, em cứ ở nhà, anh sẽ nuôi em suốt đời". Câu nói này đã khiến bà Nga thay đổi, bà tự đặt ra quy tắc không nhận điện thoại trên đường về nhà, để hoàn toàn tĩnh tâm, thư giãn khi rời khỏi phòng làm việc.

Hiện nay, bà Nga cho biết bà đã có nhiều cách xả stress hơn, như chăm sóc các cháu hay 1 tuần đi đánh golf 1-2 lần, vừa giải trí vừa kiểm tra các sân golf.

Bà Nga kể, khi còn nhỏ, bà thích chơi cờ tướng với bố mình và thường được căn dặn: "Con dù làm việc gì nhưng chữ tín và nghĩa không bao giờ được quên và làm trái". Ngoài ra, bà còn được dặn: "Vay vơi thì phải trả đầy, vay gừng thì phải trả mật", có nghĩa là nếu ta vay một bơ gạo vơi thì phải trả bằng một bơ gạo đầy, nếu nhận một điều gì đó cay như gừng, thì không được đem gừng cay trả lại mà phải trả bằng mật. Đến nay, bà Nga vẫn nói với các con trai, con gái mình làm theo lời ông dạy, không được làm trái.

2 người con của bà Nga là Lê Tuấn Anh và Lê Thu Thuỷ đang cùng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị SeABank. Bà Lê Thu Thuỷ còn đồng thời là Phó Tổng giám đốc ngân hàng.

 

Hà My (tổng hợp)

Theo Trí Thức Trẻ