clock

CEO Việt

05:10 24-05-2017

Bà mẹ 4 con đứng sau thành công của chuỗi Bibo Mart: Hãy đối xử với người khác như cách mà bạn muốn người khác đối xử với mình

Sau hơn 10 năm xây dựng, phát triển từ một cửa hàng nhỏ lúc đầu, Bibo Mart đã có 120 cửa hàng trải khắp thị trường trong Nam, ngoài Bắc, trở thành thương hiệu bán lẻ sản phẩm mẹ và bé top đầu thị trường.

Bibo Mart, chuyện chưa kể

Trước khi thành lập Bibo Mart, chị Trịnh Lan Phương, chủ tịch HĐQT - TGĐ Bibo Mart đã từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực quản trị nhân sự của nhiều tổ chức lớn như tập đoàn FPT, Ngân hàng thế giới, Vietnam mobile…

Thời kỳ 2005, 2006 trên thị trường Việt Nam chỉ có hai kênh bán hàng cho mẹ và bé phổ biến: kênh truyền thống là các cửa hàng kiot nhỏ dọc các chợ, các con phố và kênh phân phối trong các siêu thị, chủ yếu tập trung ở TPHCM để nhắm vào các gia đình có thu nhập khá.

Trong khi kênh thứ nhất có quy mô nhỏ, phần lớn kinh doanh theo hình thức cá thể, hộ gia đình thì kênh thứ hai, dù có nhiều mặt hàng hơn, quy mô lớn hơn nhưng khách hàng cũng chỉ đến chọn đồ, mua sắm chứ không có sự tư vấn tận tình.

Tại thời điểm đó, chị Phương đang nghỉ sinh em bé thứ hai. Nhưng cũng như các bà mẹ khác, chị gặp khó khăn khi mỗi lần muốn mua đồ cho con lại phải chạy đi chạy lại nhiều nơi, thậm chí mất nửa ngày để sắm sửa đồ dùng cần thiết.

“Bản thân mình đã từng có một đứa con, cũng có kinh nghiệm nhất định mà còn khó khăn như vậy, thì các bà mẹ khác còn khó khăn hơn nữa. Mình nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình bán lẻ, đáp ứng đầy đủ nhất các nhu cầu của một người mẹ”, chị Phương chia sẻ.

Cuối năm 2005, cửa hàng Bibomart đầu tiên ra đời tại khu đô thị Mỹ Đình 2, với diện tích “khiêm tốn” 64 m2. Vốn khởi nghiệp ban đầu chỉ dừng lại ở 130 triệu đồng, trong đó 100 triệu dành cho phần hàng hóa, 30 triệu cho đầu tư hạ tầng xây dựng cơ bản. Cửa hàng đầu tiên chỉ có chị Phương là người sáng lập duy nhất cùng với một nhân viên nữa.

Do vẫn cùng lúc điều hành cửa hàng và tiếp tục duy trì công việc bên ngoài, Bibo Mart khi đó chưa nhận được toàn bộ sự chú ý, tâm huyết từ người sáng lập.

Phải đến 2009, chị Phương sinh thêm em bé thứ ba, việc đi công tác nhiều khiến chị không có thời gian đủ để chăm sóc các con. Chị mới bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào để vừa hài hòa sự nghiệp vừa có thể chăm sóc gia đình.

“Lúc ấy mình xác định dồn toàn bộ thời gian tâm huyết để xây dựng mô hình Bibo Mart”, chị nói.

 

Thành công ngoài mong đợi

Năm 2009, chị Phương thế chấp sổ đỏ ngân hàng, dồn tiền mở cửa hàng thứ hai tại phố Sơn Tây, Hà Nội. Mô hình được hoàn chỉnh giống 90% so với mô hình hiện tại, không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn chú trọng đến đến sự đa dạng về mặt hàng, giá cả, dịch vụ, trải nghiệm khách hàng, đầu tư về mặt hình ảnh truyền thông…

Không phụ sự kỳ vọng của chị Phương, cửa hàng thứ hai thành công ngoài mong đợi. Trong vòng 6 tháng chị thu hồi toàn bộ vốn đầu tư, trả nợ ngân hàng và có một khoản tích lũy để mở cửa hàng Bibo Mart thứ 3 tại phố Trần Duy Hưng.

“Hồi đó kiến thức quản trị kinh doanh rất sơ khai nên bọn mình vừa làm, vừa học, Thành công khi đó cũng chỉ vì mình thấu hiểu "insight" (mong muốn cốt lõi-PV) của khách hàng. Mình cứ vạch ra những gì khách hàng mong muốn sau đó cố gắng đáp ứng thật tốt, làm bằng tâm huyết và truyền tâm huyết cho đội ngũ bên dưới”, chị Phương chia sẻ.

Từ 2 - 3 cửa hàng ban đầu, Bibo Mart hiện đã có 120 cửa hàng khắp cả nước, khẳng định vị trí thương hiệu dẫn đầu thị trường trong ngành kinh doanh đồ dùng mẹ và bé. Bên cạnh đội ngũ đi cùng trong suốt hơn 10 năm phát triển, “nữ tướng” Bibo Mart đã chiêu mộ thành công nhiều chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệp trong ngành bán lẻ thế giới, điều hành các chuỗi nổi tiếng như 7-Eleven, Walmart, Dairy Farm…

Trong tháng 5 này, Bibo Mart đã nhận thêm khoản đầu tư chiến lược đến từ ACA Investments - Công ty Quản lý Quỹ hàng đầu của Nhật Bản, thuộc Tập đoàn Sumitomo. Dù không tiết lộ con số cụ thể, nhưng số vốn này giúp ACA nắm giữ 20% cổ phần của Bibo Mart.

 

Chị Phương cho biết trong năm 2017, Bibo Mart sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống chuỗi lên 180 cửa hàng. Đến năm 2019, số cửa hàng dự kiến đạt mức 500, đem về doanh thu ít nhất 300 triệu USD.

Cũng theo chị Phương, hiện nay ngành kinh doanh đồ dùng mẹ và bé tại Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.

Một số báo cáo gần đây chỉ ra hơn 60% các bà mẹ được phỏng vấn lựa chọn các cửa hàng bán lẻ để mua đồ cho con. Đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam, xu hướng này ngày càng rõ nét. Bên cạnh đó, mỗi năm Việt Nam có 1,8 triệu em bé ra đời, 12% gia đình Việt Nam có em bé dưới 1 tuổi, 19% gia đình có em bé dưới 2 tuổi.

“Đây là thị trường tiềm năng cho Bibo Mart cũng như các thương hiệu khác tiếp tục khai thác”, chị Phương nói.

Dù thị trường tiềm năng đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, chủ tịch Bibo Mart cho biết không ngại cạnh tranh vì cạnh tranh là động lực để tất cả các chuỗi cùng hoàn thiện hơn.

Chị tự tin khẳng định trong “bão” cạnh tranh, Bibo Mart sẽ vẫn tiếp tục hai nguyên tắc cốt lõi: “Cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ chạm đến trái tim khách hàng” và “Hãy đối xử với người khác như cách mà bạn muốn người khác đối xử với mình”.

Đức Thọ

Theo Trí Thức Trẻ