clock

Doanh Nghiệp

09:39 15-02-2016

Bài học về tái cơ cấu của VNPT

Mất đi nguồn thu lớn từ MobiFone, phải chịu sức ép cạnh tranh từ mạng khác, sau khi thực hiện tái cơ cấu, VNPT có lấy lại được vị thế

Trong những ngày đầu năm, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Phạm Đức Long đã có buổi trao đổi với Zing.vn về chiến lược cũng như mục tiêu tái cơ cấu của doanh nghiệp này trong thời gian qua.

Thay đổi tự thân để cạnh tranh

Ông Long chia sẻ, tính đến năm 2015 là tròn 20 năm thành lập Tổng công ty Bưu chính Viễn thông. Nhìn lại chặng đường 20 năm, doanh nghiệp này đã xây dựng được cơ sở hạ tầng viễn thông vững mạnh, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế song cũng bộc lộ những yếu kém trầm trọng.

VNPT từng là một nhà mạng có thị phần số một Việt Nam, chiếm chủ đạo trong tất cả các dịch vụ then chốt nhưng theo thời gian, thị phần ngày càng giảm. Trước đây, VNPTgần như độc quyền. Thế nhưng, khi hội nhập, khuyến khích các thành phần DN tham gia và phát triển, VNPT lại yếu hẳn đi.

Thu nhập của người lao động sau 2010 chỉ ở mức trung bình và mức sống có dấu hiệu đi xuống.

"VNPT là doanh nghiệp Nhà nước, quả đấm thép của đất nước trong vấn đề phát triển hạ tầng. Do đó, chúng tôi triển khai tái cấu trúc. Đây là nhu cầu tự thân VNPT cần phải thay đổi", ông nói.

- Việc tái cơ cấu cấu có phải là gánh nặng khi VNPT mất đi nguồn thu lớn từ MobiFone, đặc biệt phải chịu sức ép cạnh tranh từ các hãng?

- Bản chất, dịch vụ viễn thông có sức cạnh tranh và sử dụng chủ yếu nguồn lực chất xám rất cao. Nếu VNPT không thay đổi, nâng cao đời sống người lao động thì không thể nào phát triển được.

VNPT tái cấu trúc mạnh, không phải là để đối phó mà hướng tới làm thật. Mục tiêu của chúng tôi là hướng tới khách hàng chứ không phải về hình thức. Tự thân chúng tôi cần thấy phải làm máu lửa, làm cho ra việc. Dù có sự hỗ trợ của Nhà nước, song chúng tôi vẫn tự lực, tự vay và chi trả để bước vào quá trình kinh doanh mới.

20 năm trước, có những lần tốc độ tăng trưởng của VNPT đạt 30-40%. Và trong 2 năm vừa rồi, sau tái cấu trúc, chúng tôi đưa mức độ tăng trưởng lợi nhuận tới trên 20%. Điều này nói lên việc khi tái cơ cấu, chúng tôi đã hướng tới mô hình hoàn chỉnh hơn, tạo đà phát triển. Trong năm tiếp theo, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có những đột phá mới.

Đến thời điểm này, chúng tôi sẽ hướng đến mục tiêu đột phá và đạt được tốc độ đối với lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin. Trong đó, viễn thông là lĩnh vực truyền thống còn công nghệ thông tin nhằm phục vụ mục tiêu top 3 ASEAN của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Việc chuyển dịch cơ cấu này phù hợp khi chúng ta có nguồn lực, năng lực chuyển dịch chứ không phải khẩu hiệu. Đồng thời, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng để phụ vụ cho xã hội, người dân.

- Để thực hiện vai trò quả đấm thép của nền kinh tế và giành lại vị trí "anh cả đỏ" trong ngành viễn thông, VNPT sẽ phát triển trong giai đoạn mới dựa trên những trụ cột chính nào? Trụ cột mới sẽ là gì?

- Thứ nhất, hạ tầng viễn thông sẽ duy trì và phát triển theo hướng hiện đại. Đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh là lợi thế VNPT trong thời gian qua. Chúng tôi sẽ sử dụng hiệu quả tốt nhất, tránh tình trạng lãng phí. Suy cho cùng, dù doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, tài sản đó vẫn là của người dân.

Thứ hai, dịch vụ về di động và băng rộng cố định. VNPT mong muốn năm 2016 sẽ trở thành nhà mạng được khách hàng đánh giá có chất lượng mạng dịch vụ cũng như chất lượng phục vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất. Chúng tôi không đưa ra mục tiêu năm 2016 sẽ nắm bao nhiêu % thị phần, tăng trưởng số 1 mà sẽ là phục vụ khách hàng như thế nào.

Thứ ba, các dịch vụ viễn thông sẽ được chuyển dịch từ truyền thống sang công nghệ thông tin. Đơn cử, VNPT tập trung xây dựng chip điện tử, phục vụ cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân, với độ lan tỏa cao tới từng huyện, xã.

Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng mang tính hàm lượng giáo dục, y tế, xã hội cao trên tinh thần hợp tác với các đối tác.

Thứ tư, công nghệ công nghiệp bởi vấn đề an toàn an ninh mạng đang rất bức thiết. Với thiết bị đầu cuối như cho mạng băng rộng thì VNPT hiện nay sản xuất 100%. Qua thực tiễn, chúng tôi thấy rằng người Việt Nam đủ sức làm tất cả mọi việc khi có đầu tư nghiêm túc.

Chúng ta phải mạnh dạn đầu tư cho nghiên cứu để sản xuất. Với thiết bị đầu cuối, linh kiện điện tử chúng ta cũng chưa sản xuất được, nhưng toàn bộ thiết kế chúng ta đều làm được. Vớicáp quang, thay vì nhập từ Trung Quốc, thì bây giờ chúng ta sẽ sản xuất và cung ứng toàn bộ. Đến thời điểm này, VNPT đủ sức cạnh tranh về giá với hàng chất lượng thấp, trôi nổi trên thị trường.

Theo đó, chúng ta sẽ không chỉ khai thác dịch vụ mà còn kèm cả chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Ông Phạm Đức Long cho rằng, mục tiêu tái cơ cấu trước hết là phục vụ nhu cầu khách hàng. Ảnh: M.Q.

Cổ phần hóa phải ngay từ người đứng đầu

- Thực tế công nghiệp hỗ trợ của nước ta rất kém. Trong khi đó nhiều hãng trên thế giới đang ồ ạt đổ về Việt Nam. Vậy định hướng của VNPT có là thách thức?

- Chúng ta hãy nhìn từ câu chuyện của Trung Quốc. Trước đây họ vắng bóng trên bản đồ công nghệ nhưng hiện nay, ngay cả các nước G7 cũng phải nhìn công nghệ dân dụng của nước này. Vậy tại sao Việt Nam không làm được?

Người Việt đủ năng lực để phát triển sản phẩm công nghiệp công nghệ. Có điều mình có đầu tư nghiêm túc và thực sự mong muốn triển khai nó hay không.

Ngày trước, sản xuất 1 chiếc TV, smartphone, máy tính bảng rất khó nhưng bây giờ rất dễ. Vấn đề chỉ ở chỗ ai cho phép các nhà đầu tư sự trải nghiệm, khi sản xuất ra rồi, ai sẽ cho phép hoàn thành sản phẩm và sẽ tiêu thụ nó như thế nào? Bởi để ra một sản phẩm hoàn thiện như iPhone, Samsung ngay từ lần đầu tiên là rất khó.

Song muốn làm được chúng ta phải có lực về hàm lượng công nghệ. Nếu chúng ta không có lực thì khó có thể hợp tác được.

- Mục tiêu tái cơ cấu của doanh nghiệp hiện tại là gì?

- Cổ phần hóa rất tốt nhưng phải triệt để, nếu không sẽ xảy ra tình trạng cổ phần hóa đơn vị doanh nghiệp chứ không cổ phần hóa người đứng đầu. Người đứng đầu vẫn duy trì lối quản trị như cũ thì không có sự đột phá.

Tái cấu trúc doanh nghiệp có 2 phần là thoái vốn cổ phần hóa và tái cấu trúc mô hình quản trị. Yếu tố thứ hai rất quan trọng.

Hiện nay, chúng tôi quản trị để không còn cơ chế xin cho nữa. VNPT cấp cho họ đủ vốn khởi dụng, chủ động trên nguyên tắc hiệu quả. Và họ chỉ xin khi nào vượt khung, còn lại phải chủ động.

Bên cạnh đó, từng người lao động cần phải có KPI để đánh giá năng suất lao động.

-VNPT năm 2020 sẽ mang vóc dáng như thế nào?

- Đến năm 2020, VNPT chắc chắn sẽ là một doanh nghiệp được cổ phần hóa theo định hướng của Chính phủ. Còn cổ phần hóa bao nhiêu % phải theo quy định riêng.

Bên cạnh đó, quy mô doanh nghiệp cũng sẽ tăng trưởng hơn rất nhiều lần. Lột xác từ 1 đơn vị mang tính già cỗi, thụ động, công chức, VNPT sẽ trở thành một doanh nghiệp mang phong cách trẻ trung, sáng tạo mà vẫn giữ được nét truyền thống nhân văn. Khi đó, chúng tôi sẽ cung cấp cho xã hội một nền tảng hòa quyện giữa mạng viễn thông và công nghệ thông tin. Năm 2020, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ là đơn vị dẫn đầu cung cấp nền tảng đa phương tiện trong các lĩnh vực.

VNPT vẫn đang vướng vào đa ngành, đa nghề. Do đó, mục tiêu của chúng tôi là đưa doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp được khách hàng đánh giá tốt nhất.

- Cảm ơn ông!

“Vì mất đi nguồn thu lớn từ MobiFone nên việc VNPT gặp khó khăn trong một, hai năm đầu sau tái cơ cấu là không tránh khỏi.

Nhưng đây cũng là cơ hội để VNPT tự đổi mới chính mình. Nhất là khi phải chịu sức ép cạnh tranh từ Viettel và MobiFone, sẽ là động lực và thời cơ để VNPT tổ chức thật tốt lại bộ máy hoạt động và mạng lưới kinh doanh. Đồng thời thực hiện việc thoái vốn khỏi các đơn vị hoạt động kém hiệu quả hoặc kinh doanh không đúng ngành nghề quy định, nhằm bảo đảm sự ổn định về tài chính của Tập đoàn trong tương lai”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Bắc Son.

Theo Minh Quang - Thiên Minh/ Zing.vn