clock

Bất Động Sản

10:09 02-06-2017

Bất động sản Việt Nam và trở ngại minh bạch thông tin

Tại buổi gặp giới truyền thông hồi quý I vừa rồi, đại diện quỹ đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam Creed Group - ông Masakazu Yamagichi bày tỏ, một trong những trở ngại đối với doanh nghiệp nước ngoài khi tiếp cận thị trường bất động sản Việt Nam là vấn đề thông tin. Ông Masakazu Yamagichi dẫn giải, với một vài dự án, họ không biết chủ đất là ai.

Chẳng đợi đến người nước ngoài, ngay trong việc mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư và khách hàng Việt Nam cũng xảy ra lắm chuyện không đáng có. Không ít lần khách hàng căng băng rôn, gửi đơn yêu cầu nhà phát triển bất động sản trả lại số tiền họ đã đóng.

Gần đây, nhiều khách hàng vốn là nạn nhân của những đợt sốt phân lô bán nền đã bày tỏ sự bất bình vì đã đóng tiền nhưng không nắm được bất kỳ giấy tờ nào chứng thực quyền sở hữu tài sản.

Sự nhập nhằng về trách nhiệm giữa chủ đầu tư, đơn vị phân phối đã đẩy khách hàng vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan".

Với thị trường bất động sản còn sơ khai và dễ tổn thương như ở Việt Nam, sự minh bạch về thông tin quy hoạch, pháp lý bất động sản, năng lực chủ đầu tư, uy tín của đơn vị phân phối được phát ra từ cơ quan quản lý nhà nước là bảo chứng để tránh những đổ vỡ dây chuyền cũng như giảm thiểu tối đa thiệt hại cho khách hàng.

Năm 2008, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng xây dựng một cổng thông tin dữ liệu liên quan đến thị trường bất động sản, nhưng gần chục năm qua, vấn đề này vẫn mang tính "gợi mở", khách hàng muốn biết tình trạng pháp lý của bất động sản phải có văn bản gửi đến văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương.

Thêm nữa, những thông tin căn bản của thị trường đại loại như lượng cung cầu nhà ở, lượng hàng tồn kho tăng giảm ra sao, chủ yếu căn cứ trên kết quả khảo sát của các công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường. Còn thông tin từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý địa phương thường đi sau và khá sơ sài.

Song song với vấn đề minh bạch, cụ thể thông tin cho thị trường bất động sản, điều đáng nói nữa trong những cơn sốt giá "ảo" vừa qua là phản ứng quá chậm của các cơ quan quản lý nhà nước trước tin đồn.

Tại cuộc họp về chấn chỉnh thị trường bất động sản trên địa bàn TP.HCM mới đây, Phó bí thư Thành ủy Tất Thành Cang nhấn mạnh đến một trong những việc cần làm ngay là phát ngôn của các cơ quan, đơn vị phải theo đúng quy định của pháp luật, tránh những phát ngôn không đúng sự thật, gây hiểu nhầm. Đặc biệt hơn là phải có phát ngôn kịp thời khi có vấn đề đồn thổi, không đợi đến kỳ họp chính thức để định hướng báo chí thông tin.

Rất đáng biểu dương là mới đây, trước mức độ nguy hại của virút WannaCry, Bộ Thông tin - Truyền thông đã nhanh chóng cảnh báo và hướng dẫn doanh nghiệp các biện pháp phòng tránh ngay trên cổng thông tin chính thức của Bộ.

 

 

NGUYÊN BẢO