clock

Tài Chính

14:41 05-11-2015

Cả nhà ASM cùng lên sàn

Dù không quá nổi bật, nhưng số lượng CP nhà Sao Mai trên sàn khá đông đảo, bao gồm ASM (CTCP Tập đoàn Sao Mai), IDI (CTCP Đầu tư-Phát triển Đa quốc gia I.D.I) và DAT (CTCP Đầu tư Du lịch - Phát triển thủy sản).

  • Thậm chí xét về số lượng thành viên, nhà Sao Mai có mặt trên sàn còn nhiều hơn cả FPT, HAG, BVH... những tập đoàn lớn và có nhiều thành viên bậc nhất hiện nay. Đây là một hiện tượng thú vị trên TTCK.

Ồ ạt tăng VĐL

Đầu năm 2010, vào thời điểm mới lên sàn, VĐL của ASM mới xấp xỉ 100 tỷ đồng, nhưng hiện nay con số đã tăng lên gần 2.200 tỷ đồng, tức gấp hơn 22 lần. Vào năm 2011, năm đầu tiên có mặt trên sàn, VĐL của IDI đạt 380 tỷ đồng, hiện nay lên đến 983 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần. Xét về tiêu chí huy động vốn, rõ ràng ASM hay IDI đã thành công khi niêm yết. Đáng nói hơn, tốc độ tăng vốn của ASM còn nhanh hơn cả tốc độ gia tăng về lợi nhuận.

Việc đưa thành viên lên sàn sẽ giúp DN minh bạch hóa hệ thống công ty, hoạt động cũng như cơ cấu tài sản của mình, từ đây việc định giá DN hay CP cũng chuẩn hơn.

Năm đầu tiên có mặt trên sàn của ASM (năm 2010), công ty lãi ròng 157 tỷ đồng, nhưng đến năm 2012 chỉ đạt hơn 13 tỷ đồng, năm 2014 đạt gần 90 tỷ đồng. Trong khi đó, lúc chào sàn VĐL của IDI đã gấp gần 4 lần so với ASM, lợi nhuận ròng đạt được từ năm đầu tiên có mặt trên sàn (2011) gần 37 tỷ đồng và đến hết năm 2014 đạt hơn 90 tỷ đồng, tức theo chiều hướng tăng tiến.

Hồi đầu năm nay, DAT (VĐL 381 tỷ đồng) cũng dự kiến tăng vốn lên gấp đôi thông qua việc chào bán cho cổ đông hiện hữu và chào bán ra công chúng tổng cộng 38,1 triệu CP, với mục tiêu nhận chuyển giao nhà máy dầu cá, đầu tư vào công ty con, công ty liên kết và bổ sung vốn lưu động. Cho đến thời điểm niêm yết, DAT vẫn chưa tăng vốn và theo như dự kiến, việc này sẽ thực hiện trong quý IV-2015, nên nhiều khả năng sau khi lên sàn DAT sẽ tiến hành kế hoạch này. Công ty mẹ tăng vốn, thành viên tăng vốn, nên quy mô cả tập đoàn cũng sẽ tăng.

Tuy nhiên, việc các đơn vị thành viên trong cùng một nhà lên sàn không chỉ đem lại lợi ích về huy động vốn, còn tạo ra nhiều cơ hội khác nữa, vấn đề là doanh nghiệp (DN) có tận dụng được hay không. Hiện tại, sở hữu lớn nhất tại DATIDI với tỷ lệ 79,2%, trong khi ASM trong vai cổ đông sáng lập (có cả IDI) tại DAT sở hữu khoảng 3,9%.

Ngoài ra còn có ông Lê Thanh Tuấn, Chủ tịch HĐQT ASM, sở hữu 3,9% cổ phần tại DAT. Hiện tại, IDI là công ty liên kết của ASM, nên trong chừng mực nào đó có thể gọi DAT là công ty cháu của ASM. Việc đưa từ công ty con, đến công ty liên kết rồi cả cháu lên sàn có thể tạo hình ảnh rõ ràng hơn về số liệu tài chính cũng như sở hữu của công ty.

Tuy nhiên, xét về công tác minh bạch thông tin, ASM hay IDI tính đến thời điểm này mới chỉ làm tròn vai, nghĩa là công bố thông tin theo quy định của các cơ quan quản lý, chứ không có quá nhiều những hoạt động nổi bật. Hồi cuối tháng 6-2015, ASM và IDI là những công ty niêm yết mở màn cho chương trình “Đối thoại gặp gỡ NĐT” do HOSE và các DN niêm yết phối hợp tổ chức. Nhưng nhìn suốt cả quá trình niêm yết của 2 công ty này, những buổi gặp gỡ như vậy là chưa nhiều.

Giá CP chỉ ở nhóm penny

Càng nhiều thành viên của một tập đoàn lên sàn nghĩa là các cổ đông sẽ được hưởng lợi, nhưng ở đây cần xét đến cả lợi ích về hàng hóa cho TTCK. Xét về quy mô, VĐL 381 tỷ đồng của DAT lên sàn có thể xem như ở mức trung bình, và kế hoạch tăng VĐL gấp đôi lên 762 tỷ đồng có thể đưa DN này tiến gần hơn với nhóm vốn lớn ở mức 1.000 tỷ đồng trên sàn.

Hiện tại, để có thể hấp dẫn số đông NĐT trong nước, nước ngoài, DN phải hội tụ một số yếu tố, bao gồm VĐL lớn, có lợi thế, tên tuổi, lợi thế trong kinh doanh... Về mặt vốn, có lẽ với năng lực huy động của ASM hay IDI, việc giúp cho DAT có VĐL lớn cũng không quá khó.

Nhưng về các yếu tố cơ bản trong hoạt động kinh doanh sẽ khó hơn nhiều, vì nó cần có thời gian để chứng tỏ cũng như sự xem xét của thị trường. ASM hay IDI đều có nhiều năm hiện diện trên sàn chứng khoán, nhưng có lẽ ấn tượng lớn nhất của NĐT dành cho CP này chính là những đợt tăng giá mạnh của CP, còn về hoạt động kinh doanh tính đến lúc này cũng không thật sự rõ ràng.

Nguyên nhân có thể vì ASM và các thành viên hoạt động đa ngành nghề, hoặc cũng có thể là khẩu vị của thị trường thích nhìn sóng của CP này hơn là về hoạt động kinh doanh. Điều tương tự cũng có thể xuất hiện với trường hợp của DAT, khi trong hoạt động của công ty có cả ngành du lịch, dù nổi bật ở các ngành chế biến bột cá, dầu ăn.

Tất nhiên, không phải NĐT nào cũng sẽ quan sát tường tận hay tìm hiểu đến từng chi tiết của hoạt động DN. Vấn đề có thể đơn giản hơn như lợi nhuận như thế nào, giá CP có tăng hay không. Dù vậy, chắc chắn là nếu nhà Sao Mai có thể làm đậm nét hơn nữa hoạt động của mình, mức độ thu hút công chúng sẽ lớn hơn nữa.

Trong một chừng mực nào đó, việc lần lượt đưa con cháu của mình lên sàn của ASM đã đạt được mục tiêu về số lượng, còn chất lượng có lẽ cần phải có thêm thời gian tích lũy. Phải chăng, đó cũng là lý do dù làm ăn có lãi trong những năm gần đây, nhưng giá CP của nhà Sao Mai vẫn chỉ ở nhóm penny. Chẳng hạn như ASM chỉ có giá gần 13.000 đồng/CP, hay IDI làm ăn có lãi liên tục từ khi lên sàn nhưng cũng chỉ có giá gần 8.000 đồng/CP, hoặc giá chào sàn của DAT cũng chỉ 13.000 đồng/CP?

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính