clock

Tài Chính

10:16 05-09-2017

Cần cẩn trọng với chính sách tài khóa

Bộ Tài chính đang đề xuất điều chỉnh một loạt mức thuế VAT theo hướng tăng cao hơn trong giai đoạn sắp tới. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh áp lực ngân sách ngày càng cao, thu không đủ chi trong khi các nguồn thu khác từ dầu khí sụt giảm do giá dầu giảm, thu thuế xuất nhập khẩu cũng khó tăng khi các hiệp định FTA đang dần có hiệu lực.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu mức thu thuế tăng lên có thể tác động đến đầu tư và tiêu dùng của xã hội. Trong môi trường kinh doanh mà quá nhiều loại thuế, phí ở mức cao thì mong muốn đầu tư hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh có thể giảm xuống do e ngại suất sinh lời không đủ bù đắp khi chi phí tăng lên. Hoặc những kế hoạch đầu tư kinh doanh mới có thể bị hoãn khi nhà đầu tư nhận thấy kinh doanh rủi ro hơn khi có quá nhiều loại thuế, phí tác động.

Thời gian qua Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cố gắng duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng khi mà chính sách tài khóa bị hạn chế do thâm hụt ngân sách. Nhưng nếu chính sách tài khóa tiếp tục tìm kiếm các giải pháp đánh thuế, tăng thuế thì có thể triệt tiêu hiệu quả của chính sách nới lỏng tiền tệ.

Lúc này, mặc dù các doanh nghiệp có thể vay vốn với chi phí rẻ hơn, nhưng bù lại các chi phí thuế, phí tăng lên sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, do đó lợi ích từ việc chi phí vay thấp đã phần nào bị triệt tiêu. Thậm chí, kế hoạch vay tiền có thể bị hoãn lại khi doanh nghiệp nhận thấy cơ hội kinh doanh không còn hấp dẫn do thuế tăng.

Với mức thuế cao có thể khuyến khích người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn đến doanh số bán sản phẩm có thể bị ảnh hưởng từ đó tiếp tục gây khó khăn thêm cho hoạt động của doanh nghiệp. Điều này càng khiến doanh nghiệp từ bỏ ý định mở rộng đầu tư cũng như sản xuất kinh doanh. Như vậy, tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi đầu tư và sản xuất bị chậm lại.

Khi đó, nguồn thu thuế có thể bị ảnh hưởng là điều tất yếu. Như vậy, chính sách tăng thuế có thể gây ra những kết quả ngược với mong đợi, tức nguồn thu có thể bị sụt giảm do đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế không còn tăng trưởng, tiêu dùng chậm lại do các cá nhân tăng cường tiết kiệm nhiều hơn thay vì chi cho tiêu dùng và đầu tư.

Thâm hụt ngân sách triền miên luôn là bài toán đau đầu của Việt Nam, đặc biệt thâm hụt ngân sách ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP thực hiện trong thập niên trước nếu như chỉ xoay quanh 4 - 5% GDP thì những năm gần đây đã tăng mạnh, cụ thể năm 2013 là 6,6%, 2014 là 6,33% và năm 2015 ước thâm hụt 6,11% GDP, cao hơn nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đề ra. Do đó có thể hiểu được mong muốn tăng nguồn thu của Chính phủ.

Trong bối cảnh nguồn thu ngày càng chịu nhiều áp lực trong khi chi thường xuyên vẫn duy trì tốc độ tăng và chi trả nợ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng chi, thì nguồn chi cho đầu tư bị ảnh hưởng đáng kể và tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế.

Do đó, thay vì tìm mọi cách tăng thu thì Chính phủ nên có những giải pháp thắt chặt chi thường xuyên và tăng cường chi đầu tư để kích thích đầu tư cho cả nền kinh tế. Bởi vì nếu như nguồn thu dù tiếp tục được cải thiện với chính sách tăng thuế, nhưng chi thường xuyên không thể kìm hãm mà vẫn tăng phi mã thì thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục tăng cao là điều không thể tránh khỏi.

 

 

 

HỒ LÊ/DNSG