clock

Tài Chính

07:48 10-09-2015

Cảng sông lớn nhất TPHCM chuyển thành khu đô thị?

Nhiều khả năng cảng Phú Định sẽ là cảng thứ 2 sau Tân Cảng Sài Gòn chuyển đổi công năng thành khu đô thị.

UBND TPHCM vừa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn UBNDquận 8 và Công ty Cổ phần Cảng Phú Định lập và trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu dân cư phường 16 tại khu vực cảng sông Phú Định.

Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phải đảm bảo kết nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với các khu đất lân cận, phù hợp với định hướng chính của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung quận 8 đã được duyệt và đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại khu vực; đồng thời, nghiên cứu đề xuất quy hoạch chức năng sử dụng hiệu quả đối với quỹ đất còn lại để kêu gọi đầu tư.

Hiện Phú Định là cảng sông lớn nhất tại TPHCM với diện tích cầu cảng khoảng 10 ha, được xây dựng tại khu vực ngã 3 sông Chợ Đệm-Cần Giuộc-Kênh Đôi thuộc địa bàn quận 8 (TPHCM). Tháng 9/2011, cảng sông Phú Định được chính thức đưa vào hoạt động với hệ thống 11 cầu cảng, trong đó có 08 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu 300 TEU, 02 cầu cảng tiếp nhận tàu 600 TEU và 1 cầu cảng tiếp nhận tàu 1700 TEU.

Do nằm ở vị trí thuận lợi, liên thông kết nối với nhiều trục đường bộ chính của TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong giai đoạn mới đưa vào khai thác, Cảng sông Phú Định được kỳ vọng sẽ trở thành đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng, từng bước phát triển là bến cảng trung chuyển lớn không chỉ của TPHCM mà còn của cả khu vực.

Tuy nhiên, thực tế đến nay, hoạt động Cảng sông Phú Định có nhiều hạn chế, sản lượng hàng hóa chưa đạt theo quy hoạch (2,5 triệu tấn/năm). Theo số liệu của đơn vị quản lý cảng sông Phú Định, sản lượng hàng hóa đến cảng trong các năm 2012 chỉ đạt 590.300 tấn, năm 2013 đạt 794.126 tấn và năm 2014 là 1,3 triệu tấn (trong đó chỉ có 485.168 tấn vận chuyển bằng đường thủy thông qua hệ thống cầu cảng).

Về nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động của cảng sông Phú Định, theo Sở GTVT TPHCM, là do hệ thống cảng biển di dời ra khỏi nội đô và bến cảng chợ đầu mối Bình Điền đã làm giảm vai trò cảng đầu mối và cảng trung chuyển của cảng sông Phú Định.

Bên cạnh đó, tuyến luồng sông Chợ Đệm là tuyến đường thủy nội địa quốc gia cấp III hiện đang được nạo vét đến độ sâu 3m, nếu lợi dụng thủy triều cũng chỉ đáp ứng cho các loại phương tiện thủy có tải trọng từ 2000 tấn trở xuống lưu thông. Đây cũng là điểm hạn chế cho sự phát triển của cảng sông Phú Định.

Mặt khác, trong tương lai, khi cảng Nhơn Đức (Nhà Bè) được đầu tư xây mới với vị trí là cửa ngõ hướng ra biển Đông và nằm tiếp giáp với khu cảng biển chính của TPHCM là khu cảng Hiệp Phước. Đây là lợi thế để cảng Nhơn Đức giữ vai trò làm cảng trung chuyển hàng hóa từ các cảng biển đến TPHCM và các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long.

Theo Duy Khánh

Theo cafef.vn