clock

CEO Việt

10:58 17-05-2016

CEO Siemens Việt Nam: “Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển đầy hứa hẹn”

TS. Phạm Thái Lai, Tổng giám đốc Siemens Việt Nam đã trao đổi với chúng tôi về những kiến nghị với chính phủ để nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam và cải thiện môi trường kinh doanh.

Là một công ty đã chứng kiến và đồng hành cùng với những thay đổi của Việt Nam qua gần ba thập kỷ, vậy theo ông, Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức lớn nào trong năm 2016, khi hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và thế giới? Việt Nam cần phải làm gì để tiếp tục đà tăng trưởng bền vững và tăng khả năng cạnh tranh của quốc gia, thưa ông?

Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển đầy hứa hẹn với sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và khi các hiệp định thương mại tự do ( FTA ) quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực.

Hiệp định EVFTA sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh thương mại, thu hút thêm đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy sự phát triển bền vững giữa Việt Nam và EU. Hơn thế nữa, cam kết của Việt Nam về một môi trường kinh doanh thông thoáng và minh bạch hơn sẽ giúp làm tăng luồng vốn đầu tư với các dự án chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam.

Điều này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực Đông Nam Á. Sự gia tăng về chuỗi giá trị và các dịch vụ có giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ đắc lực cho Việt Nam tái thiết mô hình tăng trưởng kinh tế, đồng thời là đòn bẩy chủ chốt cho tham vọng trở thành một quốc gia công nghiệp của Việt Nam trong tương lai gần.

Đặc biệt, Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và cân bằng hơn cơ cấu xuất nhập khẩu. Ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập, mở rộng và tăng thị phần ở thị trường EU. Các đơn vị xuất khẩu hoạt động trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, thực phẩm chế biến (gồm cả thủy hải sản) và nông sản có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này.

Tuy nhiên, áp lực về cạnh tranh chắc chắn sẽ tăng mạnh trong khi thách thức lớn nhất của Việt Nam chính là năng lực và tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước còn yếu và năng suất lao động tương đối thấp. Bên cạnh đó lực lượng lao động của Việt Nam tuy dồi dào nhưng chất lượng không cao.

Để duy trì đà tăng trưởng bền vững và tăng khả năng cạnh tranh của quốc gia, theo tôi, Việt Nam cần tập trung vào ba yếu tố nền tảng, đó là: Thiết lập một khung pháp lý ổn định; Phát triển nguồn lực lao động có kĩ năng và chất lượng; Cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản, đặc biệt trong các lĩnh vực như nguồn điện, truyền tải điện, y tế và giao thông.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải kiểm soát và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao, phải tăng năng suất lao động thông qua đào tạo lực lượng lao động có tay nghề và trình độ, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cấp cơ sở sản xuất cũng như đầu tư vào các công nghệ cao.

Ông có những góp ý, đề xuất gì đối với Chính phủ và các bộ ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho Siemens Việt Nam phát triển hơn trong thời gian tới?

Là một doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam hơn 20 năm qua và sẽ tiếp tục phát triển kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, chúng tôi kiến nghị Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành tiếp tục củng cố và đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính cũng như thiết lập một khung pháp lý ổn định.

Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục tăng cường đầu tư và kêu gọi đầu tư để cải thiện hệ thống hạ tầng cơ bản, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như năng lượng, giao thông, y tế.

Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi đề xuất Chính phủ Việt Nam và Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển nguồn lực lao động có kĩ năng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và xu hướng mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam.

Siemens hiện là nhà cung cấp tua-bin khí cho các nhà máy điện chu trình kết hợp tại Việt Nam.

Cơ duyên nào đã đưa ông trở thành CEO của Siemens Việt Nam? Với trách nhiệm của mình, ông dự định sẽ tiếp tục đóng góp những gì để công ty phát triển cùng Việt Nam?

Tôi vinh dự được tham gia vào chương trình đào tạo người kế nghiệp tại Siemens từ năm 1997 và được lựa chọn và bồi dưỡng để trở thành CEO của Siemens Việt Nam.

Trong 3 năm qua, với kinh nghiệm về hoạch định chiến lược từ tập đoàn mẹ, tôi đã cùng các lãnh đạo chủ chốt tại Việt Nam xây dựng tầm nhìn và chiến lược rõ ràng cho công ty, đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm và tăng cường hiện diện của chúng tôi trên thị trường.

Liên tiếp trong 2 năm vừa qua chúng tôi đều đạt và vượt các chỉ tiêu kinh doanh, nhờ vậy tiếp tục giữ vững vị trí là một trong các công ty đa quốc gia thành công nhất tại Việt Nam.

Cá nhân tôi luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như năng lượng, giao thông, công nghiệp, công nghệ tòa nhà và y tế bởi vì đây cũng chính là những lĩnh vực nền tảng giúp Việt Nam không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn tăng trưởng bền vững.

Siemens chính thức hiện diện tại Việt Nam vào năm 1993. Trong thực tế, Siemens đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1979 với việc cung cấp và lắp đặt 2 tua-bin hơi công nghiệp cho Nhà máy giấy Bãi Bằng. Hiện nay, Siemens có ba văn phòng đặt tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cùng một nhà máy ở tỉnh Bình Dương với tổng số nhân viên khoảng 300 người.

Từ khi thành lập cho đến nay, Siemens đã tham gia thực hiện thành công nhiều dự án về cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Các lĩnh vực hoạt động chính của công ty bao gồm Nguồn điện, Quản lý Điện năng, Dịch vụ Nguồn điện, Hệ thống vận chuyển, Công nghệ tòa nhà, Nhà máy số, Công nghiệp Quy trình và Truyền động, và Y tế.

Theo Minh Tuấn/BizLIVE