clock

Tài Chính

09:40 09-11-2015

Chân dung các đại gia sắp "bung hàng"

Trong tháng 11 này, sẽ có 9 công ty thực hiện đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong đó có 8 công ty chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), hứa hẹn đem lại nhiều kịch tính trong tháng áp chót của năm. Trong đó, 2 gương mặt đáng chú ý là Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (IPO ngày 13/11) và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Công ty TNHH một thành viên (Lilama, IPO ngày 26/11).

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội

Đây là 2 gương mặt lớn, bởi Đạm Hà Bắc có vốn điều lệ lên tới hơn 2.700 tỷ đồng, trong khi Lilama có vốn 1.500 tỷ đồng. Nếu Đạm Hà Bắc được biết đến là doanh nghiệp lâu đời nhất ngành phân đạm tại Việt Nam, thì Lilama cũng là doanh nghiệp lâu đời nhất ngành lắp máy.

Riêng về Đạm Hà Bắc, giới đầu tư có thể tạm yên tâm về sức hút của lĩnh vực này, bởi các cổ phiếu đã niêm yết như DMP (Đạm Phú Mỹ), DCM (Đạm Cà Mau)… đều là những cái tên rất được quan tâm trên thị trường chứng khoán. Hiện Đạm Hà Bắc có sản lượng khoảng 180.000 - 200.000 tấn/năm.

Đại gia ngành phân bón này cũng đã đầu tư xây dựng Dự án Cải tạo - mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, thuộc Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam. Dự án sẽ nâng công suất Nhà máy Phân đạm Hà Bắc lên 500.000 tấn urê/năm, trong đó đầu tư một dây chuyền sản xuất mới có công suất 320.000 tấn urê/năm và cải tạo dây chuyền sản xuất hiện có sang sử dụng nguyên liệu than cám có công suất 180.000 tấn urê/năm.

Trong 3 năm 2012 - 2014, Đạm Hà Bắc đạt doanh thu khoảng 1.973 - 2.199 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 105,3 đến 373,9 tỷ đồng. Với dự án mở rộng quy mô sản xuất, tham vọng của Công ty là không nhỏ, với doanh thu giai đoạn 2016 - 2018 từ 3.685 đến 4.509 tỷ đồng.

Trong khi đó, Lilama có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, trong đó Nhà nước vẫn nắm giữ 51% cổ phần, 23,7% cổ phần chào bán công khai, 23,7% cổ phần chào bán cho cổ đông chiến lược và 1,6% cổ phần được chào bán cho cán bộ, công nhân viên. Dự kiến, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Lilama đến năm 2017 sẽ giảm xuống còn 40%.

Lilama cũng là một doanh nghiệp giàu truyền thống, được thành lập từ năm 1960, với nhiệm vụ ban đầu là khôi phục nền công nghiệp sau chiến tranh. Hiện Lilama là tổng công ty chuyên tổng thầu các công trình xây lắp và thầu phụ…

Ngay sau phiên IPO diễn ra ngày 26/11 tới, Lilama sẽ tiến hành chào bán cổ phần cho tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược. Giá bán cổ phần không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá.

Theo tiêu chí lựa chọn, các nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có năng lực tài chính, có kết quả sản xuất - kinh doanh lãi 2 năm liền trước khi tham gia là nhà đầu tư chiến lược, ưu tiên các nhà đầu tư có cùng ngành nghề hoạt động với Lilama. Mỗi nhà đầu tư chiến lược đặt mua tối thiểu 7,5 triệu cổ phần, chiếm 5% vốn điều lệ và có cam kết nắm giữ cổ phiếu tối thiểu 5 năm.

 
 
Chí Tín/ Baodautu.vn