clock

CEO Việt

10:20 13-09-2017

Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Asanzo: Biết mạo hiểm nhưng vẫn làm

Có 2 điều gây ngạc nhiên khi nhắc đến Asanzo, đó là thương hiệu 100% Việt Nam và người sáng lập là một doanh nhân thuộc thế hệ 8X.

Dù còn "trẻ" nhưng Asanzo đã là "trở ngại đối với các thương hiệu tivi nước ngoài vì năm 2016 đã bán ra nửa triệu chiếc, chiếm hơn 15% thị phần, doanh thu đạt hơn 2.500 tỷ đồng. Và mới đây, Asanzo lại gia nhập thị trường smartphone bằng cách tự sản xuất - một lĩnh vực mà nhiều thương hiệu lâu năm đã phải từ bỏ.  

Ông Phạm Văn Tam nói: "Thế hệ doanh nhân trẻ luôn đi theo xu hướng mới và dám làm. Vì vậy, khi lĩnh vực tivi, điện lạnh, điện gia dụng của Asanzo đã có thương hiệu và thị phần ổn định, tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó mới hơn. Lĩnh vực điện thoại không mới nhưng cái mới là nhìn ra xu hướng của người dùng. Càng ngày xu hướng công nghệ càng được các hãng tích hợp trên chiếc điện thoại, ngay cả các chương trình truyền hình cũng đăng tải trên YouTube, vì vậy nó trở nên tiện dụng và có thể thay thế tivi, nhất là với người lao động thu nhập thấp, học sinh, công nhân ở các khu tập thể, ký túc xá. Thay vì phải mua tivi vừa tốn thêm tiền, vừa chiếm diện tích, họ có xu hướng dùng điện thoại thay thế. Đó là lý do dù biết thị trường smartphone rất mạo hiểm nhưng tôi vẫn sản xuất".

* Nhưng điều đó chắc là chưa đủ để ông "đặt cược" vào "canh bạc điện thoại" nếu không có gì khác biệt...

- Muốn kinh doanh lĩnh vực nào thì cũng phải có sự khác biệt, càng "không giống ai" càng dễ thành công. Chúng tôi sản xuất điện thoại không chỉ để bán mà còn làm đa dạng sản phẩm và nâng tầm thương hiệu Asanzo.

Sâu xa hơn, sản xuất điện thoại cũng là ước mơ mà tôi muốn thực hiện. Asanzo đã chứng minh sự thành công của chiến lược "lấn sân smartphone" ngay sau đêm công bố ra mắt điện thoại, đó là doanh thu bán tivi và hàng điện gia dụng tăng đột biến vì trước đây, nhiều khách mua sản phẩm của Asanzo nhưng chưa biết tầm cỡ Công ty, nay biết Công ty có thêm điện thoại, thương hiệu Asanzo được nâng tầm trong nhận thức người tiêu dùng.

Có nhiều đại lý, khách hàng gọi điện chia sẻ: "Tôi dùng sản phẩm Asanzo đã lâu, giờ mới biết Asanzo là của Việt Nam. Chà! Công ty lớn dữ hén!". Với tôi, chỉ cần bấy nhiêu "khác biệt" cũng đã là thành công và hạnh phúc.

* Nhưng nếu tính chi phí đầu tư để sản xuất smartphone thì quá lớn...

- Tôi đã đầu tư một trăm tỷ đồng để sản xuất smartphone và vẫn tiếp tục bù lỗ, có lẽ phải mất một vài năm nữa mới có doanh thu khả quan. Với một công ty mới khởi nghiệp thì "cuộc chơi" này là chết chắc, nhưng Asanzo đã có nội lực từ mảng tivi và điện gia dụng, điện lạnh nên chúng tôi vẫn đủ năng lực để đi đường dài.

Nếu xét về giá trị thương hiệu và danh mục sản phẩm của Asanzo thì chi phí đầu tư ấy không cao. Chưa kể, thay vì mỗi năm Asanzo phải tốn chi phí khá lớn làm quà tặng đại lý, khách hàng thân thiết hoặc làm hàng khuyến mãi thì nay có thể dùng điện thoại để làm tặng phẩm. Đó cũng là một chiến lược kinh doanh và marketing rất thực tế và hiệu quả.

* Nói vậy, nhưng khi bước chân vào thị trường điện thoại, chắc chắn Asanzo cũng nhìn thấy điểm yếu để tránh "vết xe đổ” của các doanh nghiệp đi trước?

- Khó nhất của sản xuất smartphone là phần mềm. Đa số các hãng điện thoại thất bại là do phần mềm không phù hợp với hạ tầng và người dùng Việt Nam. Vì sao Q-Mobile "chết" dù mẫu mã rất đẹp? Đó là do Q-Mobile không làm chủ được phần mềm nên bị lỗi. Một số thương hiệu điện thoại Trung Quốc cũng có tình trạng tương tự do họ không chạy trên nền tảng của Google nên nhiều ứng dụng không cập nhật được. Để tránh vết xe đổ đó, chúng tôi đã bỏ ra chi phí rất lớn để mua phần mềm của các hãng uy tín nước ngoài và điều chỉnh cho phù hợp.

Asanzo đặc biệt coi trọng khâu hậu mãi. Đây là điểm khác biệt vì các hãng khác có thể cũng mua được phần mềm nhưng lại không chăm sóc trọn đời cho sản phẩm. Hiện nay, giao diện của điện thoại Asanzo chưa đẹp nhưng chúng tôi có đội ngũ phát triển phần mềm nên trong trường hợp các nhà mạng thay đổi, chúng tôi vẫn cập nhật được trong một vài phút.

Về cách làm marketing, nếu đi theo các "ông lớn" thì Asanzo không đủ khả năng, đi theo chiến lược marketing gây sốc hay chọn phân khúc bình dân cũng không phải là cách Asanzo chọn lựa. Bởi điện thoại phân khúc bình dân dù bán khá chạy ở nông thôn nhưng lợi nhuận quá thấp. Vì vậy, tôi hướng sản phẩm ở phân khúc trung bình cao. Một bài học không kém phần quyết định, đó là việc đặt tên cho thương hiệu.

Chẳng hạn như Mobiistar và Bphone nếu có thêm sản phẩm điện tử, điện gia dụng sẽ rất khó lấy tên cũ vì "mobi" và "phone" chỉ có thể hợp với tên một điện thoại nào đó. Đây cũng là một bài học khi trước đó tôi đã lấy tên Supoviet đặt tên cho sản phẩm điện gia dụng. Khi thấy thương hiệu này khó đa dạng được sản phẩm, tôi đã làm lại, dù mất nhiều tiền và công sức. Hơn nữa, theo tôi, với ngành điện tử thì tên thương hiệu phải ngắn gọn và hơi... Tây một chút.

* Như vậy có mâu thuẫn không khi ông từng mong muốn làm sản phẩm mang thương hiệu thuần túy Việt?

- Chắc chắn là mâu thuẫn nhưng với ngành hàng điện tử vốn không phải là thế mạnh của Việt Nam mà lại lấy tên một sản phẩm thuần Việt rồi hô hào bảo vệ cho hàng Việt một cách bảo thủ, không gắn với tâm lý người dùng thì rất khó thành công. Tôi không đặt tên nước ngoài để lừa khách hàng mà thương hiệu tôi chọn chỉ để tăng thêm giá trị cho sản phẩm trước khi khách hàng trải nghiệm chất lượng.

Tôi không bao giờ đưa ra tiêu chí "Người Việt phải ủng hộ hàng Việt" vì điều đó không công bằng với người dùng, tôi muốn khách hàng chọn mua sản phẩm Việt Nam vì thấy tốt, thấy thích chứ không phải để ủng hộ. Khi đặt tên thương hiệu là Asanzo, chúng tôi rất dễ tiếp cận người dùng và khi dùng rồi thấy tốt, biết hàng của Việt Nam, nhiều khách hàng tỏ ra ngạc nhiên và thích thú.

* Tại sao Asanzo không đặt gia công điện thoại rồi làm thương hiệu, thay vì đầu tư sản xuất sẽ đỡ rủi ro? 

- Điện thoại di động là mặt hàng có tính thời điểm. Nếu tính về lợi nhuận và để tránh rủi ro thì việc chọn nhập khẩu điện thoại di động hay gia công rồi gắn thương hiệu của mình vào và bán ra thị trường là dễ nhất.

Song, cách làm đó chỉ phù hợp với thời... đi buôn, còn bây giờ Asanzo đã có thương hiệu, tôi không thể làm như vậy. Hơn nữa, lắp ráp điện thoại trong nước sẽ giúp chúng tôi kiểm soát được chất lượng sản phẩm.

* Nghĩa là giữa "đi buôn" và làm doanh nghiệp có sự khác biệt?

- Nếu muốn làm ăn lâu dài thì không có khác biệt nào giữa người đi buôn và làm doanh nghiệp, đó là phải thật thà, chăm chỉ, có trách nhiệm với cộng đồng. Ngày trước tôi cũng đi buôn hàng điện tử vì kiếm được nhiều tiền, dù rất cực. Cùng đi buôn với nhiều người nhưng tôi bán được nhiều hàng hơn vì chăm chỉ, chịu khó đi xa để tìm nguồn hàng tốt hơn và quan trọng nhất là buôn bán thật thà. Hàng của mình có sao thì nói vậy.

Khi chuyển sang liên kết với các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử ở nước ngoài, nhập hàng về cung cấp cho chợ Nhật Tảo và các nơi khác, tôi cũng hơn những anh chị khác vì luôn giữ chữ tín. Rồi khi mở công ty, chữ tín cũng vẫn nguyên giá trị và thành công của tôi không phải vì tài giỏi hơn người mà vì thành thật với khách hàng.

Tuy nhiên, có một điểm khác là khi đi buôn, tôi chỉ có một mục đích đơn thuần là kiếm tiền cho bản thân, còn khi làm doanh nghiệp là biết tổ chức sản xuất, kinh doanh bài bản, biết làm thương hiệu, quản trị nhân sự và quản trị đồng tiền. Dù kinh doanh là để "tiền đẻ ra tiền" nhưng mục đích cuối cùng của đồng tiền là phải chia sẻ với cộng đồng.

Những năm qua, tôi và anh chị em trong Công ty đã đóng góp hàng tỷ đồng vào những hoạt động xã hội, như đồng hành với nạn nhân chất độc màu da cam, người nghèo, trẻ khuyết tật. Đích đến của tôi bây giờ không còn là chuyện làm giàu cho cá nhân mà góp phần làm giàu cho cộng đồng và tạo được công ăn việc làm cho khoảng 1.000 công nhân và sắp tới còn nhiều hơn nữa.

Bản thân tôi cũng phải hoàn thiện hơn nhiều thứ, phải học hỏi nhiều hơn, kể cả cách ứng xử, cách làm lãnh đạo. Duy có một cái không thay đổi, đó là sự mộc mạc, bản chất con người của mình thế nào thì giữ y vậy, không phô trương. Tôi muốn những ai khi nhắc đến tôi là biết tôi đang làm gì cho xã hội chứ không phải là một ông giám đốc chịu chơi hay thích chơi sang.

* Hỏi nhỏ, ông có thấy lo khi những smartphone đầu tiên vẫn chưa như mong muốn?

- Hiện phần mềm vẫn còn chậm và chưa đạt độ hoàn hảo tuyệt đối, trong khi chi phí mỗi ngày bỏ ra mỗi lớn, tôi cũng có hơi "lạnh gáy". Tuy nhiên, muốn đỗ đại học thì phải thi chứ chưa thi mà có bằng thì chỉ là bằng giả. Điều động viên tinh thần lớn nhất đối với tôi là đã làm đuợc điều mình mong muốn.

Khác hẳn với cách nay khoảng mươi năm, khi mới chập chững kinh doanh lúc nào cũng trong tâm trạng lo bị mất vốn, nhiều năm chèo lái Asanzo, tôi đã biết chủ động mọi thứ và dự trù mọi tình huống, không để bị động và không bao giờ đặt hết niềm tin vào một dự án nào đó.

Asanzo sẽ không đầu tư theo kiểu năm ăn năm thua mà xác định đầu tư có lộ trình và điểm dừng, không "sống chết" vì điện thoại di động, vì công ty còn những lĩnh vực kinh doanh khác. Vì vậy, tôi đầu tư vào smartphone là để thương hiệu Asanzo được biết đến nhiều hơn, người tiêu dùng biết Asanzo có thêm smartphone chứ không kỳ vọng nó sẽ nuôi sống Công ty. Vì thế tôi không quá áp lực và sợ cạnh tranh.

* Nhưng Asanzo cũng phải có lợi thế riêng khiến ông mạnh dạn đầu tư sản xuất smartphone?

- Lợi thế của Asanzo là có sẵn kho bãi, mạng lưới phân phối với 6.000 cửa hàng ở các tỉnh - thành, chưa kể các đối tác bán sỉ của Công ty có thể bỏ mối cho các cửa hàng nhỏ.

Nếu một cửa hàng mỗi tháng bán được vài chiếc smartphone Asanzo thì trung bình mỗi tháng có thể đạt 20.000 máy - một con số rất cao nếu so với doanh thu hiện tại của các hãng smartphone trong nước.

* Theo ông, yếu tố nào quyết định cho thành công của một doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử?

- Điện tử là một mặt hàng có tuổi thọ không dài nên phải nhanh đổi mới. Một vị chủ tịch của một tập đoàn nước ngoài nói với tôi, trước đây đã từng đến thăm một công ty điện tử của Việt Nam có nhà máy rất to, hiện đại nhưng họ thua Asanzo vì không hề thay đổi chiến lược kinh doanh, hoặc có thì quá chậm.

Riêng tôi, với kinh nghiệm của Asanzo, tôi cho rằng sự sáng tạo chính là chìa khóa làm nên thành công một sản phẩm. Khi tôi bước chân vào lĩnh vực tivi, thị trường gần như phủ kín các thương hiệu ngoại, và rất hiếm hoi để tìm các thương hiệu tivi Việt Nam.

Nhưng do hiểu được nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, nhất là nhu cầu của các gia đình nông thôn hay tầng lớp lao động ở thành thị không đòi hỏi quá cao về sự hiện đại, các tính năng thông minh cũng như đẳng cấp thương hiệu, mà chỉ cần những sản phẩm có giá tiền phù hợp với thu nhập, chất lượng tốt và tiết kiệm điện năng.

Vì vậy, tôi đã sản xuất tivi theo cách của mình, đó là tập trung vào giá trị thực của sản phẩm, tinh giản một số chức năng không cần thiết nên Asanzo có giá thành rẻ hơn các sản phẩm khác đến 30%, độ bền và tiết kiệm điện cũng cao hơn.

* Ông nghĩ gì về phong trào khởi nghiệp đang nổi lên gần đây? 

- Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay quá tự tin dẫn đến thiếu khiêm tốn. Nhiều bạn kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ, góp vốn nhưng thiếu sức thuyết phục và luôn tỏ ra "thế trên" với danh xưng to tát, như sáng lập viên, giám đốc dự án, thậm chí luôn tỏ ra dự án của mình là "vĩ đại".

Về chính sách cho doanh nghiệp khởi nghiệp, ở một số nước như Nhật Bản, Singapore chẳng hạn, người khởi nghiệp được vay vốn, đuợc thuê đất, đuợc địa phương hỗ trợ. Còn tại Việt Nam, chính sách hỗ trợ vẫn chưa rõ ràng, trong khi đó nhiều doanh nghiệp mới hoạt động đã bị địa phương kiểm tra, làm khó.

* Giả sử có quỹ đầu tư hay tập đoàn nước ngoài muốn góp vốn hoặc mua lại Asanzo thì ông tính sao?

- Một doanh nghiệp đã đề nghị mua Asanzo với giá 50 triệu USD và dành không ít cổ phần cho tôi, nhưng thời điểm này tôi chưa nghĩ đến việc bán hay chuyển nhượng Công ty.

* Cám ơn ông về những chia sẻ!

 

 

LỮ Ý NHI/DNSG