clock

Doanh Nghiệp

20:48 13-01-2017

Chủ tịch HĐQT Nam Hải Group: 25 năm kiên định với mô hình “gia đình trị”

Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, mô hình “gia đình trị” rất phổ biến và nhiều doanh nghiệp đã trở thành trụ cốt của nền kinh tế của nước đó. Tại Mỹ, không thể không nhắc đến Wal-Mart, Ford Motor Co, Carlson Companies. Tại Hàn Quốc, ai cũng biết có Samsung, Huyndai, LG. Còn Nhật Bản, có hãng sản xuất ô tô Toyota, Suzuki, tập đoàn Canon. Tại Việt Nam, có thể kể đến như: Công ty gốm sứ Minh Long, Tập đoàn Thép Việt, Kinh Đô, IPP của Ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Với khát vọng đứng trong hàng ngũ nhưng doanh nghiệp gia đình lớn mạnh, trong suốt 25 năm qua, bà Nguyễn Thị Dung – Chủ tịch HĐQT Nam Hải Group luôn kiên định với mô hình “gia đình trị” cho doanh nghiệp của mình.

Doanh nhân Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Công nghiệp Xây dựng Nam Hải

Theo bà Dung, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp gia đình đó là sự đoàn kết, đồng lòng của các thành viên. Chìa khóa để tồn tại và thành công là sự tận tụy tuyệt đối với những giá trị truyền qua các thế hệ và những vị lãnh đạo hay xem thế hệ kế cận như là một cộng sự của mình. Trải qua hơn 25 năm thăng trầm cùng thị trường, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào bà Dung luôn kiên định với mô hình mình đã chọn cho doanh nghiệp của mình. Thành quả cho sự kiên định đó, là từ một doanh nghiệp tư nhân với số vốn ít ỏi bà và chồng đã lập ra doanh nghiệp Nam Hải chuyên kinh doanh và thương mại các sản phẩm nhôm thanh, phụ kiện, phục vụ ngành xây lắp cửa nhôm. Đến nay, Nam Hải đã trở thành tổ hợp công nghiệp xây dựng với tổng vốn hơn 30 triệu USD, thuộc top 5 các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh nhôm trong nước lọt vào một trong những doanh nghiệp gia đình có chỗ đứng tại Việt Nam. Nhân dịp đầu xuân năm mới Đinh Dậu, nữ doanh nhân đã có buổi chia sẻ với DNTH về chặng đường 25 năm đầy rẫy những khó khăn và thách thức trong việc điều hành doanh nghiệp gia đình.

Chào bà, được biết tên doanh nghiệp của bà được đặt theo tên chồng và con trai bà. Điều đó cho thấy, ngay từ khi khởi sự kinh doanh, bà xác định lựa chọn mô hình doanh nghiệp gia đình?

Đúng thế! Ngay từ ngày đầu thành lập công ty tôi luôn lấy nền móng gia đình là thứ cốt lõi nhất, thế nên khi đặt tên cho doanh nghiệp mình tôi và ông xã không tốn nhiều thời gian để đắn đo. Nam là tên con trai tôi và Hải là tên chồng tôi. Và chúng tôi là một doanh nghiệp gia đình. (Cười)

Với mô hình doanh nghiệp gia đình, Nam Hải có những thuận lợi gì trong kinh doanh ?

Theo tôi, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp gia đình đó là sự đoàn kết, đồng lòng của các thành viên. Chìa khóa để tồn tại và thành công là sự tận tụy tuyệt đối với những giá trị truyền qua các thế hệ và những vị lãnh đạo hay xem thế hệ kế cận như là một cộng sự của mình.

Nam Hải được như ngày hôm nay là nhờ công sức của chính những người thân trong gia đình từ chồng, anh em họ hàng và đến bây giờ là có các con, các cháu tôi trưởng thành đang từng ngày đóng góp công sức cho công ty.

Vậy còn thách thức do mô hình “gia đình trị” mang lại là gì ?

Ở thời kì của tôi thường khi khởi nghiệp các công ty đều bắt đầu tư quy mô nhỏ và theo mô hình quản lý gia đình, dựa vào huyết thống bởi ưu điểm là có sự tin tưởng lẫn nhau, đồng tâm đồng lòng, nhiệt huyết không câu nệ bất kì công việc nào. Thực sự, Nam Hải cũng có những khó khăn trong việc điều hành, quản trị và đào tạo con người mà trong đó còn là người trong nhà, có thời gian người thân trong gia đình làm việc không hiệu quả, thiếu trách nhiệm và thất thoát tiền của công ty.

Và bản thân người lãnh đạo là tôi cũng có trách nhiệm trong việc khéo léo giải quyết vấn đề, công tư phân minh. Mình đại diện cho cả doanh nghiệp, tư cách của mình là linh hồn của công ty, phải đưa ra những quy tắc riêng và trao quyền trao trách nhiệm cho những người thân trong gia đình cùng làm việc để phát huy hiệu quả tối đa.

Bà Dung và con gái Trương Cẩm Tú - Giám đốc Nam Hải MTC – Phó CTHĐQT Công ty Cổ  phần EuroHa trong buổi lễ nhận giải thưởng Chất lượng Quốc gia và giải thưởng chất lượng Châu Á –  Thái Bình Dương cho Công ty Cổ phần Euroha vào ngày 8/5/2016

Nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam thất bại ở đời thứ 2. Bà có suy nghĩ gì về điều này ?

Đây thực sự là điều mà chính bản thân tôi cũng lo lắng. Bởi trên thực tế trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam chỉ có 5% các doanh nghiệp gia đình quy mô lớn tiếp tục phát triển tốt sau thế hệ thứ hai. Bởi theo từng giai đoạn thì văn hóa doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi, người xây dựng nền móng ban đầu chưa chắc đã phù hợp với lý tưởng quản trị của con cháu sau này.

Thế nên tôi hay nói với các con rằng: Người chủ doanh nghiệp chính là người mang linh hồn, cốt cách chuẩn mực tạo nên chính văn hóa doanh nghiệp của mình. Ở Nam Hải “người đứng mũi chịu sào” phải giúp đỡ, định hướng cho những thế hệ sau, những người đó lại truyền lửa cho cấp dưới của mình để tạo ra một tầng lớp văn hóa đấy mới là trường tồn.

Bà đang chuẩn bị cho quá trình chuyển giao “quyền lực”  cho thế hệ F2 như thế nào?

Con gái lớn của tôi đã trưởng thành đang trực tiếp làm việc trong công ty với vai trò là Giám đốc Nam Hải MTC – Phó CTHĐQT Công ty Cổ phần EuroHa và con trai của tôi cũng đang đi du học để sau này về điều hành Nam Hải. Các chức vụ quan trọng đều được trao cho người thân trong gia đình. Mọi người đều bình đẳng như nhau, đánh giá năng lực bằng chính hiệu quả công việc, nhận lương đúng với giá trị công việc của mình.

Tôi trao quyền cho con nhưng con ngã con tự đứng dậy, tự chịu trách nhiệm với những gì mình gây ra, đúng thì thưởng, sai thì phạt. Rất khó để đẩy con ra xa mình, nhìn con ngã mà không nâng. Nhưng, trong kinh doanh, có thua thì mới thấm thía, mới hiểu nỗ lực để cố gắng thành công khó đến chừng nào... Đấy là cách mà bản thân mỗi người phải tự nhận thức, tự ngấm, tự ngẫm nếu không thương trường sẽ đào thải, đến lúc đó có hối cũng chẳng kịp.

Kế hoạch phát triển sắp tới của Nam Hải thế nào ?

Đó là một con đường gian nan mà tôi cùng các cộng sự đang cố gắng đạt được. Lộ trình trong 20 năm tới, Nam Hải sẽ là một tập đoàn gia đình lớn mạnh ở Việt Nam và giữ vững chỗ đứng trong ngành công nghiệp nhôm. Về sản xuất trong năm 2017, Nam Hải Group dự kiến  nâng công suất nhà máy lên 10.000 tấn/năm và trong 5 năm tiếp theo sẽ tăng lên 20.000 – 30.000 tấn/năm.

Trong những năm qua tôi vẫn luôn trăn trở làm sao để xuất khẩu nhôm Việt sang thị trường nước ngoài, cạnh tranh với hàng ngoại giá rẻ. Đẩy mạnh chất lượng sản phẩm cho ra đời các sản phẩm “nhôm châu Âu xây nhà Việt” để chính người Việt được sử dụng những sản phẩm tốt nhất.

Được biết bà vừa lên sóng với vai trò là CEO trong chương trình CEO – Chìa khóa thành công của VTV1 với chủ đề về doanh nghiệp gia đình. Sau khi tham dự chương trình bà rút ra được điều gì cho chính bản thân mình?

Đúng vậy, tôi tham gia chương trình với chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình – Giải pháp tái cấu trúc”. Qua đó, với việc đặt mình vào cương vị là một CEO đi làm thuê cho một doanh nghiệp gia đình và tiến hành công cuộc tái cấu trúc để phát triển công ty. Việc đưa ra quan điểm cải tổ xảy ra bất đồng quan điểm với các cổ đông là người trong gia đình của doanh nghiệp trong tình huống mà chương trình đưa ra, giúp tôi thấm thía được nhiều bài học về quản trị, về kỹ năng lãnh đạo và việc đưa ra quyết định trong chính việc điều hành Nam Hải. Ngoài ra, tôi nhận diện rất rõ con đường sắp tới mà mình phải đi sẽ như thế nào. Sau chương trình, tôi đã có thêm được rất nhiều ý tưởng, giải pháp để hoạch định chiến lược phát triển tiếp theo cho Nam Hải Group. Và tôi nghĩ rằng đây là chương trình mà không chỉ những doanh nghiệp lâu năm như Nam Hải mà những doanh nghiệp trẻ cần học hỏi và tham gia.

Bà Dung cùng các chuyên gia trong chương trình CEO – Chìa khóa thành công của VTV1

Xin trân trọng cám ơn bà!

Tổ hợp Công nghiệp Xây dựng Nam Hải được lập từ năm 1992, từ một doanh nghiệp gia đình nhỏ, cùng người thân bà Nguyễn Thị Dung đã gây dựng Nam Hải thành tổ hợp công nghiệp xây dựng với tổng vốn hơn 30 triệu USD, đứng top 5 các doanh nghiệp có vốn đầu tư và đang trên đường gia nhập vào hàng ngũ các tập đoàn doanh nghiệp gia đình lớn ở nước ta. Các sản phẩm nhôm cao cấp Euroha, nhôm EUA và nhôm Nam Hải đều là các thương hiệu có uy tín và có chỗ đứng trên thị trường, khẳng định mình qua các công trình, dự án và được khách hàng tin cậy. Năm 2010, tiến hành mua lại Công ty TNHH Cáp Thăng Long và cho ra đời công ty con EUROHA. Năm 2012, tái đầu tư và cho ra đời nhà máy sản xuất nhôm thanh định hình tiêu chuẩn Châu Âu. Với tổng diện tích 30.000m2, nhà máy sản xuất nhôm EUROHA có hệ thống máy móc, thiết bị, dây chuyền hiện đại và tự động hóa với công suất 9000 tấn/năm đã tạo công ăn việc làm cho gần 500 cán bộ, công nhân viên. Tháng 5/2016 dòng sản phẩm nhôm cao cấp EuroHa của doanh nghiệp đã vinh dự nhận danh hiệu Giải bạc chất lượng quốc gia.

 

 

VICHI