clock

CEO Việt

12:18 14-11-2016

Chủ tịch VCS Hồ Xuân Năng sẽ trở thành người giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán với khối tài sản gần 6.000 tỷ?

Trong vòng 3 năm qua, giá cổ phiếu VCS đã tăng gấp 10 lần nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến sau khi "bị thâu tóm".

Nếu làm một bản tổng kết các khoản đầu tư “hời” nhất cho năm nay, sẽ không thể không nhắc đến cổ phiếu VCS của CTCP Đá thạch anh cao cấp VCS (tên cũ là CTCP Vicostone).

Tăng mạnh mẽ suốt 10 tháng đầu năm, sau 2 lần trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ mỗi lần 20%, 1 lần thưởng cổ phiếu với tỷ lệ gần 25% và 1 lần trả cổ tức bằng cổ phiếu, VCS vẫn đang có thị giá trên 100.000 đồng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/11, VCS có giá 131.000 đồng/cp tương ứng mức vốn hóa 7.860 tỷ đồng.

So với cách đây 1 năm, giá cổ phiếu VCS đã tăng hơn gấp 3 trong khi tính trong vòng 3 năm, cổ phiếu này tăng gấp 10 lần.

 

Ông Hồ Xuân Năng có khả năng lọt top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán?

Khi nói đến Vicostone, lại không thể không nói đến ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT, người được coi là linh hồn của doanh nghiệp hàng đầu về kinh doanh đá ốp lát nhân tạo này. Theo số liệu công bố chính thức, ông Năng chỉ nắm giữ 513.417 cổ phiếu VCS, tương đương 0,86% vốn điều lệ.

Phần lớn cổ phiếu VCS đang được sở hữu bởi CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) với gần 43,5 triệu đơn vị tương đương 72,49% vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu này do ông Năng làm đại diện sở hữu.

Phenikaa là công ty riêng do vợ chồng ông Hồ Xuân Năng sở hữu, trong đó, ông Năng nắm giữ 90% vốn và vợ ông Năng, bà Phạm Thị Thu Hằng nắm giữ 9,9%.

Do đó, nếu tính cả lượng cổ phiếu VCS do Phenikaa nắm giữ, ông Hồ Xuân Năng sẽ trực tiếp và gián tiếp sở hữu lượng cổ phiếu VCS trị giá hơn 5.800 tỷ đồng - con số đủ để đưa ông Năng vượt qua 2 Phó chủ tịch của Vingroup là bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thúy Hằng để đứng vị trí thứ 4 trên top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nhân sở hữu gián tiếp qua một công ty riêng thì việc chỉ tính toán tài sản dựa trên số cổ phiếu trực tiếp đứng tên sẽ không phản ánh được đầy đủ khối tài sản của họ. Hiện tại, phần lớn số cổ phần của ông Nguyễn Đức Tài - chủ tịch Thế giới Di động, ông Nguyễn Duy Hưng - chủ tịch SSI, ông Lê Phước Vũ - chủ tịch Hoa Sen Group... đều được chuyển sang công ty riêng nắm giữ.

5 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam theo giá đóng cửa ngày 11/11

5 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam theo giá đóng cửa ngày 11/11

Người giàu giấu mặt

Danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán thường được xếp hạng dựa trên số lượng cổ phiếu mà mỗi cá nhân chính thức sở hữu và theo đó, giá trị cổ phiếu mà các cá nhân sở hữu gián tiếp như trong trường hợp ông Hồ Xuân Năng và VCS đã không được tính đến. Điều này đã khiến cho Chủ tịch của VCS trở thành người giàu giấu mặt bởi tính ra, lượng cổ phiếu mà ông chính thức sở hữu chỉ hơn 67 tỷ đồng.

Về tài trí của Chủ tịch HĐQT VCS, giới đầu tư vẫn chưa bao giờ hết thán phục vụ M&A “kinh điển” mà ông Năng là đạo diễn.

Tháng 8/2014, đại hội cổ đông bất thường của CTCP Vicostone đã thông việc tái cấu trúc công ty với nội dung quan trọng là chấp thuận Vicostone trở thành công ty con của CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) mà nguyên nhân dẫn đến quyết định tái cơ cấu trên là Vicostone đang bị đe dọa về thị phần, hiệu quả hoạt động và tăng trưởng do nguy cơ về cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế khi xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh lớn, mạnh.

Cuối tháng 8/2014, Phenikaa đã hoàn tất việc mua 58% cổ phần và trở thành công ty mẹ nắm quyền kiểm soát của Vicostone. Đến cuối tháng 9/2014, Vicostone đã mua lại 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, qua đó làm tăng tỷ lệ biểu quyết của Phenikaa lên 72,5%.

Theo đề xuất của nhóm cổ đông Phenikaa đồng thời được sự đồng ý của hội đồng quản trị Vicostone, ông Hồ Xuân Năng – chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vicostone – đã mua lại phần vốn góp tại Phenikaa. Tại ngày 31/12/2014, ông Hồ Xuân Năng công bố sở hữu 90% vốn điều lệ của Phenikaa.

Với động thái trên, ông Năng đã trở thành người nắm quyền kiểm soát đối với cả Phenikaa lẫn Vicostone.

Không chỉ trở thành công ty con của Phượng Hoàng Xanh, mới đây, HĐQT của VCS cũng đã lên phương án chuyển nhượng nhãn hiệu Vicostone và chuyển nhượng dự án Nhà ở cho CBCNV Vicostone cho công ty mẹ. Như vậy, khép lại những mâu thuẫn nảy lửa giữa HĐQT VCS với cổ đông khó tính Red River Holding thì giờ đây, Vicostone trên sàn chỉ còn là cái bóng của Phượng Hoàng Xanh mà thôi.

Theo Minh Châu

Trí Thức Trẻ/CafeF