clock

CEO Việt

06:21 20-02-2017

Chủ tịch Vovos: Nhà điều hành nặng tình với Việt Nam

Ho Joong đến Việt Nam khi ông còn là một thanh niên. Sau 25 năm, gia đình vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vovos đã có ba con lần lượt được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Ho Joong cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP NosaFood vốn được biết đến với thương hiệu Ông Chà Và, có mặt từ năm 1976.

Những nhân viên đã gắn bó lâu năm tại Vovos đều nói rằng họ trân quý phong cách làm việc nghiêm túc và rõ ràng của ông. Đối với nhân viên, ông luôn có sự tôn trọng khi giao tiếp, tạo cảm giác gần gũi và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm từ sự thành công, thất bại của bản thân. 

Dù là người nước ngoài nhưng Ho Joong lại rất hiểu tâm lý người Việt Nam, bởi nhà quản lý này không ngừng tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương để mỗi ngày thích nghi tốt hơn. Trong văn phòng của Vovos ở TP.HCM, khách hàng và đối tác có thể nhận thấy những món đồ cổ "tái hiện" phần nào nét văn hóa của người Việt mà ông sưu tầm.

Với ông, truyền thống và đặc trưng của một quốc gia luôn là tài sản vô giá, muốn biết cặn kẽ về con người trên đất nước đó, trước hết phải biết ngôn ngữ và hiểu truyền thống văn hóa của họ. Ông Ho đang tiếp tục theo đuổi mục tiêu tạm gọi là cuối cùng trong chặng đường kinh doanh trên đất Việt: mang phở Việt Nam vươn ra thế giới.

* Vì sao ông chọn Việt Nam là nơi để phát triển sự nghiệp và ổn định gia đình?

- Ít người biết được ngày mai mình sẽ ở đâu và có những cuộc gặp gỡ định mệnh nào. Hai mươi lăm năm trước, tôi sống, làm việc ở Singapore và có dịp tiếp xúc với nhiều người Việt Nam khi họ sang đây xúc tiến thương mại, tôi nhận thấy có sự dung hòa trong tính cách của họ. Điều này gợi lên trong tôi rất nhiều ấn tượng về đất nước và con người Việt Nam.

Sau đó không lâu, tôi sang thăm TP.HCM. Thời đó Sài Gòn chưa nhộn nhịp như bây giờ, hạ tầng xã hội chưa thật hoàn chỉnh. Điều thú vị nhất mà tôi thấy ở những người trẻ tuổi là họ luôn tò mò và thích những trải nghiệm mới. Vậy nên tôi chọn Việt Nam làm "điểm dừng chân". Để hiểu về văn hóa địa phương, tôi học tiếng Việt ở Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM).

Trước khi quyết định kinh doanh ở Việt Nam, tôi có vài năm làm ở Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM. Cả ba con của tôi đều được sinh ra ở Việt Nam và đến lúc này tôi chưa nghĩ mình sẽ xê dịch đến nơi khác, vì ngoài bạn bè, tôi còn có nhân viên, những người đã sát cánh với tôi để xây dựng công ty ngày càng lớn mạnh.

* Được biết có thời gian ông gắn bó với Dalatmilk?

- Trước khi thành lập Vovos, tôi có thời gian làm quản lý cho một công ty xây dựng lớn của Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam, rồi lập công ty thương mại chuyên về xuất nhập khẩu thủy sản, làm giám đốc thuê cho các công ty Việt Nam, cả nhà nước lẫn tư nhân. Năm 2009, tôi tham gia Dalatmilk với vai trò là cổ đông chiến lược, nhưng cách đây hai năm, tôi đã bán cổ phần tại Dalatmilk để tập trung cho Vovos.

Riêng giai đoạn 2010 - 2013, chúng tôi là cổ đông chi phối tại Công ty CP NosaFood (tiền thân là Trạm Nghiên cứu - Chế biến nông sản, thực phẩm thuộc Công ty Lương thực TP.HCM - Foodcosa). Song song đó, Vovos vẫn phát triển thương hiệu cà phê Cafio và phân phối thêm các loại thực phẩm nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản và cả máy rang xay, pha cà phê...

* Vovos từng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực thực phẩm, ông có thể chia sẻ triết lý phát triển bền vững trong những lĩnh vực này?

- Chúng tôi nhắm đến việc phát triển thương hiệu gia vị Ông Chà Và cùng cà phê Cafio. Với NosaFood, quá trình tái cơ cấu đã gần như hoàn chỉnh. Khi mới bước chân vào Hội đồng quản trị NosaFood, quan niệm của tôi là tạo ra sản phẩm mà chính mình phải sử dụng được, rồi mới đến người tiêu dùng.

Thực tế đã có tình trạng một số đơn vị sản xuất thực phẩm bán cho khách hàng, song lại không dám dùng sản phẩm do chính doanh nghiệp mình tạo ra vì biết rõ trong quá trình triển khai không tuân thủ đúng quy trình, liều lượng về chất bảo quản, phụ phẩm. Tôi cho rằng điều này đi ngược với những quy tắc về đạo đức kinh doanh và mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp, nếu muốn vươn xa.

Tôi bắt đầu từ việc bổ sung bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển), bộ phận quản lý chất lượng và tăng nhân sự từ hai lên 10 người. Không ít công ty ngại đầu tư vào bộ phận này vì nhận thấy không làm ra tiền tươi thóc thật, nhưng đây mới chính là bàn đạp để doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trước những đối thủ cùng ngành.

* Ông nhận xét gì về việc Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê nằm trong top 3 của thế giới nhưng cà phê "bẩn" vẫn bày bán tràn lan trên thị trường? 

- Việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao phải chịu chi phí cao (nguyên liệu đầu vào, đầu tư trang thiết bị hiện đại) nhưng thời gian sử dụng sản phẩm lại ngắn, do không dùng chất bảo quản, trong khi tâm lý của phần lớn người tiêu dùng nội địa vẫn còn nhìn vào giá để đi đến quyết định mua, thậm chí việc thay đổi khẩu vị cũng là cả một vấn đề.

Với cà phê, xưa nay nhiều người Việt vẫn chuộng vị đắng, đen, đặc quánh, trong khi cà phê nguyên chất lại có màu nhạt, trong, vị chua và loãng, nhưng vị này chỉ hợp với một bộ phận rất nhỏ người tiêu dùng.

Thực tế này đặt doanh nghiệp trước những rủi ro về "an toàn thương mại", nên mấy ai dám mạnh dạn để tiến hành thay đổi toàn diện! Bởi nếu làm bài bản, tỷ suất lợi nhuận của ngành thực phẩm thậm chí còn thấp hơn cả may mặc, sản xuất thiết bị, máy móc, chỉ vài phần trăm và đối thủ lại quá nhiều.

* Quả là chỉ riêng việc sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao đã là không dễ...

- Ở nhiều quốc gia phát triển, có những doanh nghiệp nhỏ vẫn sở hữu lượng khách hàng riêng, sống tốt và không ngại sự xuất hiện của những "gã khổng lồ” cùng ngành. Đó là do họ kiên định mục tiêu kinh doanh, vì khách hàng ở những thị trường đó quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm, đến an toàn sức khỏe thay vì chỉ dựa trên yếu tố giá.

Tại Việt Nam, để một doanh nghiệp làm bước đột phá theo cách thay đổi xu hướng tiêu dùng là điều không thể nhưng chí ít, nếu thực hiện được, doanh nghiệp cũng đã góp một phần vào việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Thời điểm công tác ở Dalatmilk, chúng tôi chỉ sản xuất sữa không đường.

Và bạn biết điều gì xảy ra không? Hằng ngày, chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ khách hàng bày tỏ sự hoài nghi về chất lượng sản phẩm và khẩu vị không hợp. Về mặt chi phí, sản xuất sữa không đường cao hơn sữa có đường nhưng quan trọng là sản phẩm này tốt cho sức khỏe người sử dụng.

Trước "áp lực" đó, chúng tôi buộc phải tái sản xuất thêm sữa có đường nhưng khống chế tỷ lệ dưới 7% và bán giá cao hơn sữa không đường nhằm khuyến khích người dân chuyển sang dùng loại sản phẩm có lợi cho sức khỏe.

Theo tôi, hành động đó cũng là biểu hiện của người ái quốc, bởi vừa tạo ra nhiều việc làm, vừa tạo ra sản phẩm chất lượng cao để hướng người ta đi theo cái tốt. Nếu người quản lý làm đúng, nhân viên sẽ nể trọng, thậm chí sau này có điều kiện "ra riêng", họ cũng học được cách làm ăn tử tế.

* Một doanh nghiệp có trách nhiệm không chỉ thể hiện ở sản phẩm đưa ra thị trường mà còn nằm ở việc tạo ra nhiều giá trị cộng thêm trong chuỗi sản xuất. Như ngành cà phê, việc liên kết, thu mua từ nông dân cũng là cách để hỗ trợ đầu ra cho họ. Quan điểm của ông thì sao?

- Nhiều người nghĩ doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với người nông dân mới tốt. Điều này theo tôi là không hợp lý. Nếu tất cả các công ty lớn đều làm việc trực tiếp với nông dân thì cả họ và người nông dân đều không có lợi vì doanh nghiệp không sát sao được từng trường hợp ở địa phương, ngược lại, nông dân cũng khó trong việc liên hệ, tương tác với doanh nghiệp.

Nên việc thu mua từ một đầu mối sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng, số lượng và đảm bảo quy chuẩn chung. Một số tổ chức tài chính quốc tế thông qua chính quyền địa phương để hỗ trợ cho nông dân vốn liếng chăn nuôi, trồng trọt nhưng họ không nắm được kỹ thuật nuôi trồng, cũng như quy chuẩn sản phẩm mà doanh nghiệp đề ra nên không mang lại hiệu quả.

Do đó, sau này họ tài trợ thông qua bên thứ ba là doanh nghiệp, từ đó, doanh nghiệp sẽ tổ chức những khóa học, hỗ trợ con giống, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân để họ an tâm canh tác. Phương cách này theo tôi khả thi hơn.

* Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, nhưng theo ông, vì sao nông sản vẫn chưa có chỗ đứng nhất định trên thị trường thế giới?

- Thế mạnh của Việt Nam là hàng nông, thủy sản nhưng từ trước đến nay chủ yếu xuất khẩu thô chứ hiếm khi xuất hàng chế biến, có thương hiệu. Vì sao? Vì chúng ta chưa thiết lập vững vàng chữ tín trong giao dịch quốc tế. Các công ty chế biến trong nước phần lớn có quy mô nhỏ, nên chưa chịu trách nhiệm đến lô hàng cuối cùng, thanh toán xong là thôi.

Hơn nữa, hàng bị trả về, doanh nghiệp phải chịu thuế nhập khẩu nên doanh nghiệp thường né trách nhiệm. Về mặt cạnh tranh, với cùng một loại hàng hóa, nếu Thái Lan bán 100 USD, bằng với ta, khách hàng sẽ chọn hàng Thái Lan vì rủi ro thấp hơn, hàng hỏng trả về thì họ trả tiền lại ngay cho khách, chịu tất cả chi phí vì muốn giữ mối làm ăn.

Kinh doanh ai cũng muốn kiếm lời nhưng có người quên rằng tiền từ đâu đến. Tiền còn đến từ khách hàng chứ không phải chỉ từ sản phẩm của mình. Cho nên, việc tạo và giữ được uy tín là điều rất quan trọng. Với những cá nhân hoặc doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận mà có những việc làm ảnh hưởng chung đến uy tín của ngành cần phải bị xử lý nghiêm để răn đe, để ngăn chặn lan rộng trong xã hội.

* Nếu vẫn còn gắn bó với Việt Nam, mục tiêu tiếp theo của ông sẽ là gì? 

- Tôi nghĩ mình sẽ định cư lâu dài tại Việt Nam. Do đó tôi vẫn theo đuổi mục tiêu tạo ra sản phẩm có chất lượng cao để trước hết phục vụ cho nhu cầu nội địa, dù hiện tại NosaFood là nhà xuất khẩu tương ớt lớn nhất vào thị trường Nga. Nhiều người nghĩ, cái gì tốt nhất ưu tiên cho xuất khẩu, nhưng theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam phải lo cho sức khỏe của dân mình trước.

Tôi vẫn còn một kế hoạch đã ấp ủ từ nhiều năm nay, đó là mang phở Việt Nam ra thế giới thông qua hình thức nhượng quyền. Ẩm thực Việt Nam có nhiều món ngon như chả giò, cá kho tộ..., nhưng phở là món phổ biến hơn hết, nó cũng giống như khi nhắc đến Ý, người ta nghĩ ngay đến pasta, còn Hàn Quốc thì gắn liền với món kim chi.

Món phở của Việt Nam đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới nhưng người đang sở hữu hệ thống phở nhượng quyền nhiều nhất lại thuộc về một người Hàn Quốc. Trước đây, Việt Nam cũng có thương hiệu chuyên về phở nhưng rất tiếc là đã bán lại cho người khác và không tăng tốc để tiếp tục mở rộng.

Tại các quốc gia như Ý, Hàn Quốc, Đài Loan, dù xuất khẩu thực phẩm thu về nguồn ngoại tệ không đáng kể nhưng các doanh nghiệp được nhà nước khuyến khích xuất khẩu, đồng thời tài trợ kinh phí để họ đưa sản phẩm ra nước ngoài, tham gia triển lãm hoặc xây nhà văn hóa nhằm quảng bá ẩm thực quốc gia.

Nếu kinh phí có giới hạn, việc xây dựng hệ thống cửa hàng phở và nhượng quyền ra nước ngoài cũng là cách để quảng bá cho văn hóa ẩm thực Việt Nam. Hơn nữa, về sau có thể xuất khẩu bánh phở, cũng phần nào giúp cho việc tiêu thụ gạo. Và đây là mục tiêu cuối cùng mà tôi nhắm đến trên con đường lập nghiệp ở Việt Nam.

* Cám ơn ông về những chia sẻ thú vị!

 

 

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU thực hiện