clock

Trong Nước

14:33 09-09-2015

Chúng tôi chưa thấy doanh nghiệp FDI nào kêu ca gì về mức tăng lương tối thiểu

Ngay sau khi mức lương tối thiểu vùng cho năm 2016 được công bố, có nhiều ý kiến lo ngại tăng lương quá cao sẽ làm sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Ảnh minh họa

Hội đồng tiền lương quốc gia mới đây đã quyết định mức tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2016 là 12,4%. Nếu được Chính phủ thông qua, phương án này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016.
Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng mức tăng trên là hợp lý. 
Theo ông Toàn, tăng lương tối thiểu chứ không phải là bắt buộc tăng tổng thu nhập người lao động. Do vậy, vấn đề này sẽ tạo áp lực lớn đối với doanh nghiệp trả lương dưới mức tối thiểu và sử dụng quá nhiều lao động.
“Đến thời điểm này, hiệp hội chúng tôi chưa thấy doanh nghiệp FDI nào phàn nàn, kêu ca gì về mức tăng này. Tôi cho rằng, doanh nghiệp và người lao động đều có thể chấp nhận được phương án trên của Hội đồng tiền lương quốc gia”, ông Toàn nói.
Ngay sau khi mức lương tối thiểu vùng cho năm 2016 được công bố, có nhiều ý kiến lo ngại tăng lương quá cao sẽ làm sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đặc biệt trong bối cảnh gần đây Trung Quốc đang tiến hành cắt giảm nhiều chi phí, và thực tế việc tăng lương tối thiểu trong các nước trong khu vực đã giảm đi rất nhiều.
Tuy nhiên, ở góc nhìn của Phó chủ tịch VAFIE, ông Toàn lại cho rằng đây cũng là dịp “tốt” để Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc hơn.
Ông Toàn phân tích: Trong tổng thể bức tranh thu hút FDI, lương tối thiểu là một vấn đề quan trọng nhưng không phải quá lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đến Việt Nam.
Lương tối thiểu tăng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, nhưng không phải là quá lớn đối với việc thu hút FDI. Vấn đề là Việt Nam muốn thu hút nhà đầu tư vào phân khúc nào: công nghệ cao hay công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động?
Trước đây chúng ta thu hút theo hướng tận dụng nguồn lao động giá rẻ, nhưng giờ đang chuyển sang hấp dẫn các nguồn vốn “ngoại” có chọn lọc hơn, hướng tới mảng công nghệ cao hơn.
Không nên có nhiều chính sách hay ưu đãi để hút đầu tư vào những mảng sử dụng quá nhiều lao động với lợi thế giá rẻ, bởi chính điều này sẽ gây áp lực cạnh tranh nên chính cho các nhà đầu tư trong nước ở nhiều lĩnh vực.
Trong khi đó, những dự án thu hút nhiều lao động giá rẻ thường đi đôi với công nghệ thấp, lắp ráp thô sơ thôi. Vấn đề hút FDI vào không phải chỉ là chuyện trả lương cho người lao động, mà còn để Việt Nam có tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị gia tăng của thế giới, ông Toàn cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng tình, nếu duy trì lao động giá rẻ sẽ không có áp lực đổi mới công nghệ, không thể tiệm cận được với khoa học công nghệ tiên tiến.
Trên thực tế, nếu so sánh với các nước trong khu vực, có thể thấy tiền lương tối thiểu mà người lao động Việt Nam nhận được khá thấp so với khu vực.
Xét về mức lương trung bình, theo thống kê của tổ chức lao động quốc tế ILO, lương của người lao động Việt Nam chỉ cao hơn Lào và Campuchia nhưng thấp hơn hầu hết những nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore...

MẠNH NGUYỄN

Theo bizlive.vn