clock

Văn Hóa

06:59 11-08-2016

Chuyên gia PR cảnh báo về PR đen

PR - Quan hệ công chúng là một nghề còn khá trẻ ở Việt Nam nhưng không vì thế mà có thể phủ nhận những giá trị mà PR mang lại trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và duy trì hình ảnh của các các nhân, doanh nghiệp và thương hiệu

Du nhập hơn 20 năm vào nước ta với tốc độ phát triển cực mạnh tạo nên một hiện tượng thật sự trong xã hội, chính vì thế PR dần trở thành một nghề mà nhiều bạn trẻ muốn thử sức và chinh phục. Nhưng cũng vì thế có một vấn đề đã xuất hiện: Ai có thể làm PR? Và bản chất thật sự của nó là gì? Đề đi tìm hiểu về vấn đề này, thì nguồn thông tin trên các công cụ tìm kiếm như google, cốc cốc hiện nay trả về kết quả cực nhanh chỉ trong vòng 0.56 giây với 1.050.000 kết quả

Sau khi tham khảo nhiều nguồn thông tin thì chúng ta dễ dàng nhận ra cấu trúc và lượng kiến thức chia sẻ bên trong gần như tương tự nhau, không đi sâu vào bản chất của PR. Để giải đáp vấn đề này, người viết đã tìm đến một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực PR – Lê Trần Bảo Phương người đã biết đến với quyền sách Quyền Năng Bí Ẩn (QNBA) – quyển sách về PR uy tín của Việt Nam lần đầu tiên được dịch ra nhiều thứ tiếng và có mặt trong các hệ thống phân phối sách toàn cầu như Amazon, Google Book.

* Chào anh Phương, sau khi cho phát hành trong nước và ra toàn cầu quyển sách chuyên ngành PR “Quyền năng bí ẩn”, thì anh cảm thấy thế nào về những giá trị mà sách mang lại cho cộng đồng?

-Tôi cảm thấy quyển sách QNBA đang tạo ra một sự chuyển biến hết sức tích cực cho cộng đồng nói chung và cho ngành PR nói riêng. Đối với cộng đồng, chúng ta có thể thấy “PR đen” - thuật ngữ mà tôi đã lần đầu tiên đã cảnh báo chính thức trong quyển sách – đã được cộng đồng thấu hiểu và sử dụng rộng rãi hơn trên các tờ báo, trên các trang mạng xã hội để ám chỉ các hoạt động PR bẩn, PR sai sự thật, ví dụ trong các vụ ám chỉ đến chai nước có ruồi, nước giải khát bị nhiễm chì, vụ hối lộ báo chí, vụ xúc xích gây ung thư…

Còn đối với ngành PR, các bạn sinh viên và cả các bạn đang theo đuổi nghề PR đang sử dụng hệ thống triết lý và cách gọi tên của 114 công cụ liệt kê trong quyển sách để hành nghề. Các bạn đã có thể thống kê ra 6 nhóm công cụ PR và tự lựa chọn công cụ thực sự thiết thực với tình hình thực tế để giúp cho sản phẩm, dịch vụ được nhận biết rộng rãi trên thị trường, được khách hàng yêu thích, ủng hộ và tin tưởng…

Tuy nhiên, cũng có những phản ứng ngược, khi bản thân tôi bị một số cá nhân, doanh nghiệp nặc danh chỉ trích rằng tôi tấn công họ, khi phơi bày tất cả những chiêu trò PR đen của họ. Tôi đã hết sức ngạc nhiên, bởi vì tôi đã không biết họ là ai, đang kinh doanh sản phẩm gì, và bởi vì họ không phải là các nhãn hàng danh tiếng mà tôi đã và đang tư vấn. Những khách hàng mà tôi làm việc cùng đều là những tổ chức uy tín, coi trọng đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.

*PV: Quyển sách QNBA đã tiết lộ cả những góc khuất và bí mật bên trong của ngành PR, điều đó đi ngược lại với 1 số quan điểm về việc phải giữ kín những bí mật nghề nghiệp. Vậy, vì sao anh lại chia sẻ rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế của mình trong cuốn sách này?

-Về bí mật PR, tôi cho rằng không có bí mật nào cả, các kĩ thuật kể chuyện, xây dựng uy tín, phát tán thông tin, gây sự tò mò, thu hút, lan truyền trên mạng xã hội… trong Quyền năng bí ẩn đã chia sẻ hết sức đầy đủ về các kĩ thuật như thế, chia làm 6 nhóm và hơn 100 công cụ.

Còn về những góc khuất trong ngành PR, tôi cho rằng có rất nhiều. Nhưng nguồn gốc của nó chỉ là 1, đó là người thực hành PR đã chọn làm PR trắng hay làm PR đen mà thôi. Làm PR trắng là cung cấp thông tin đúng sự thật cho cộng đồng, còn PR đen là cung cấp những thông tin sai sự thật, hoặc chỉ đúng một nửa, hoặc nói giảm, nói tránh sao cho vấn đề bị hiểu sai lệch, hoặc cung cấp thông tin mập mờ, không đúng cũng không sai nhằm làm nhiễu loạn sự việc hoặc đánh lừa xã hội. Điển hình là vụ việc được cho là PR đen có liên quan đến hãng URC, nhãn hàng trà xanh C2 & Rồng Đỏ, người làm PR, các tờ báo lớn và Bộ Y tế.

Tôi đã và đang tiếp tục chia sẻ, vì tâm nguyện đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong việc dựng nên một ngành PR chính thống tại Việt Nam. Tôi biết rằng cũng có rất nhiều chuyên gia PR tâm huyết khác cũng mong muốn như vậy.

*PV: Từ những giá trị thu lại, anh có thông điệp gì muốn gửi đến những người đang sở hữu tác phẩm của mình?

-Tôi rất ngại khi tự nhận xét về quyển sách của chính tôi, nhưng sự thật là nhiều đọc giả cho rằng Quyền năng bí ẩn mang lại cho họ nhiều lợi thế, dù đó là một doanh nhân, một chuyên gia, một giảng viên, hay một sinh viên quan tâm đến nghề PR này.

Bởi vì nhu cầu của doanh nghiệp về xây dựng, vun vén, bảo vệ niềm tin yêu của cộng đồng dành cho họ là không thể mất đi, và bởi vì nhu cầu chất vấn doanh nghiệp của cộng đồng về sản phẩm, dịch vụ là không thể mất đi, nên các kĩ thuật Quan hệ công chúng vẫn luôn cần thiết, không thể không có. Bởi vì quyển sách Quyền năng bí ẩn này cung cấp hệ thống triết lý và cách vận dụng các kĩ thuật hữu ích như thế, do đó nó mang lại nhiều lợi thế cho người sở hữu.

*PV: Với góc nhìn của một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực PR, anh có suy nghĩ gì về tình hình PR hiện nay?

-Hiện tại, Facebook là công cụ quan trọng nhất giúp bất kỳ ai trong chúng ta trở thành một nhà báo. Các quan điểm, hình ảnh, video, các bằng chứng lúc nào cũng có thể được chia sẻ công khai dễ dàng và đều có khả năng tiếp cận đến các cơ quan công quyền, cơ quan thông tấn báo chí.

Điều này vừa mang lại điều tốt lẫn điều xấu cho hoạt động PR. Điều tốt là nó hỗ trợ tối đa cho việc tương tác thông tin hai chiều giữa các bên liên quan để trở nên thấu hiểu, cảm thông, ủng hộ và tin cậy nhau. Còn điều xấu là nó có thể bị lạm dụng trở thành công cụ nặc danh bôi xấu, đe doạ, vu khống nhau.

Tuy thời PR đã đến, nhưng ngành PR Việt Nam còn lâu lắm mới trưởng thành, khi mà ở nước ta vẫn chưa thể có một Hiệp hội Quan hệ công chúng để định hình cách hiểu, cách hành nghề một cách chuẩn mực. Ở các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippine đã có các hiệp hội PR của riêng họ cách đây 40 – 50 năm. Lý do vì sao thì xin mời các bạn tham khảo cuốn “Ngành PR Việt Nam: Có cần một hiệp hội PR?”

*PV: Được biết, sau khi quyển sách QNBA ra đời anh đã nhận được rất nhiều phản ứng tích cực và cũng vì thế mà nhận thêm rất nhiều thông tin thắc mắc của những bạn trẻ và người làm PR. Anh có dự định hoặc làm cách nào để giải đáp?

-Tôi đã nhận và trả lời nghiêm túc hàng trăm câu hỏi thắc mắc về nghề PR từ những bạn muốn theo nghề cho đến những bạn muốn bỏ nghề. Và để có thể chia sẻ rộng rãi các thắc mắc chung đó, tôi dự kiến sẽ cho phát hành quyển sách “Giải mã bí mật PR: 101 câu hỏi thường gặp”.

*PV: Anh có thể cho biết thêm về dự án hay tác phẩm này được không? Và liệu có có đủ sức để giải đáp những khuất mắt của những người quan tâm và làm PR?

-Quyển sách “Giải mã bí mật PR” dành cho 2 đối tượng chính là những học sinh, sinh viên đang tìm hiểu để lựa chọn nghề PR là hướng đi của đời mình, và đối tượng là những người đã có kinh nghiệm về PR cần bổ sung hành trang nghề nghiệp. “Giải mã bí mật PR” được phát hành thành 03 tập, mỗi tập tôi trả lời tổng cộng khoảng 60-70 câu. Dự kiến phát hành vào tháng 8.2016 tới đây.

*PV: Như vậy, tuy chưa chính thức phát hành như độ nóng của cuốn sách là điều không thể tránh khỏi. Nhưng theo anh Phương “Giải mã bí mật PR” có mối liên hệ nào với quyển “Quyền năng bí ẩn” và quyển sách “Nghệ thuật bóng tối” mà anh đang viết không?

-Đó là một bộ 3 bí kíp quyền lực của người làm truyền thông hiện đại! Bởi, quyển “Quyền năng bí ẩn” chia sẻ về các kĩ thuật PR trắng, quyển “Nghệ thuật bóng tối” chia sẻ về các kĩ thuật PR đen, và quyển “Giải mã bí mật PR” chia sẻ những ưu tư, trăn trở, khuất mắt của cộng đồng PR hiện tại và tương lai.

*PV: Cảm ơn anh đã chia sẻ !

 

Tấn Tùng