clock

CEO Thế Giới

05:10 10-10-2015

Chuyện ở Thung lũng Silicon: Đón người cũ về làm CEO mới

Jack Dorsey sẽ là CEO mới của trang mạng xã hội Twitter, trở thành trường hợp mới nhất quay trở lại chính công ty mà mình đã sáng lập trong vai trò lãnh đạo, theo công bố chính thức vào thứ Hai 5/10 từ hãng tin Wall Street Journal.

Jack Dorsey

Jack Dorsey thành lập mạng xã hội Twitter cùng với Biz Stone và Evan Williams vào năm 2006. Sau 2 năm, ông rời công ty và sáng lập một startup chuyên về thanh toán điện tử có tên là Square.

Khi người đứng đầu Dick Costolo “bước xuống” vào ngày 1/7, Dorsey đã nhận lời đảm nhận vai trò CEO tạm thời và giúp Twitter tìm một người mới. Trong giai đoạn này, Dorsey cùng lúc điều hành 2 công ty, bao gồm Twitter và Square.

Sau 3 tháng đảm đương nhiệm vụ "hai chân hai thuyền", Dorsey chính thức được đề bạt làm CEO của Twitter, trở thành trường hợp mới nhất quay lại công ty mình đã gầy dựng trong vai trò CEO.

Chuyện đón người cũ về làm CEO mới đã không còn lạ lẫm trong cộng đồng công nghệ tại Thung lũng Silicon. Đôi khi, các thành viên sáng lập là những người trẻ có năng lực về mặt kỹ thuật công nghệ nhưng lại thiếu kinh nghiệm lãnh đạo nên thường phải "nhường" vị trí cho những CEO dày dạn khác trong giai đoạn "trứng nước" của công ty.

Sau đây là danh sách những nhà sáng lập đã ra đi và quay trở lại trong vai trò lãnh đạo nổi bật nhất tại Thung lũng Silicon:

1. Steve Jobs – Apple

Steve Jobs quay lại Apple là sự kiện nổi bật nhất của lịch sử ngành công nghệ. Jobs đã thành lập Apple ở chính gara nhà mình vào năm 1975, và sau cuộc chiến quyền lực với John Sculley, ông đã bị "lật đổ" vào năm 1985.

Sau đó, ông thành lập công ty máy tính NeXT và mua lại xưởng làm phim hoạt hình đồ họa Pixar. Kể từ khi Jobs ra đi, Microsoft đã đánh bật Apple ra khỏi thị trường phần mềm, vì thế công ty đã lao dốc không phanh, mấp mé bờ vực phá sản.

Năm 1996, Apple mua lại NeXT, nhưng thực chất là muốn đưa nhà sáng lập của nó về vị trí lãnh đạo. Steve Jobs chính thức là CEO của Apple sau đó 1 năm.

Lúc này, nắm trong tay nhiều quyền lực và không ai có thể ngăn cản, Jobs đã chèo lái Apple theo định hướng của mình, chỉ tập trung vào một vài sản phẩm cốt lõi thay vì đa dạng hóa. Chiến lược đó đã dẫn Apple đến một chuỗi thành công ngoài mong đợi và tạo ra một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực công nghệ, bắt đầu là chiếc máy tính iMac đầy màu sắc cuốn hút và đỉnh điểm là sự ra đời của iPhone.

Đến năm 2015 (4 năm sau khi Jobs mất), iPhone là dòng sản phẩm quan trọng của Apple, chiếm hơn một nửa tổng doanh thu, công ty trở thành thương hiệu nổi tiếng và có giá trị thị trường lớn nhất thế giới.

2. Larry Page - Google

Sự trở lại trong vai trò lãnh đạo của Larry Page là trường hợp điển hình cho câu chuyện sự nghiệp của những nhà sáng lập trẻ: Xây dựng và sáng lập ra một công ty, sau đó để một người dày dạn kinh nghiệm hơn nắm vai trò lãnh đạo trong giai đoạn công ty đang phát triển (trong trường hợp này là CEO Eric Schmidt), cuối cùng là trở lại (vào năm 2011) khi đã sẵn sàng và hiểu biết hơn ở vị trí lãnh đạo.

Page đã sáng lập ra Google với sự hỗ trợ đắc lực từ Sergey Brin và Eric Schmidt. Bây giờ, Google không chỉ là một công ty chuyên về tìm kiếm, mà nó đã phát triển và mở rộng sản xuất cả mảng điện thoại, sợi quang học, phần cứng, hệ điều hành, xe tự lái và sẽ còn đa dạng không ngừng trong tương lai.

Google đã phát triển với quy mô quá lớn, và vì thế công ty đã tự cải tiến bằng cách lập ra một doanh nghiệp mẹ có tên Alphabet, bao trùm ngành kinh doanh cổ điển của Google và cả những nỗ lực lấn sân ra những phân khúc sản phẩm mới.

3. Michael Dell - Dell

Michael Dell đã thành lập công ty máy tính mang tên mình trong phòng ký túc xá đại học và xây dựng nó thành một trong những nhà sản xuất phần cứng lớn nhất thế giới, với chiến lược bán trực tiếp cho khách hàng mà không qua trung gian.

Đến năm 2004, ông đảm nhận vai trò chủ tịch công ty và đưa Kevin Rollins lên làm CEO thay mình.

Sau đó 3 năm, thị trường đổi mới liên tục khi thị hiếu khách hàng chuyển dần từ máy tính để bàn sang máy tính xách tay, rồi đến netbook và thiết bị cầm tay, trong khi công ty gặp sự cạnh tranh quyết liệt về giá từ những đối thủ ở châu Á, Dell đã nắm lại "dây cương" điều hành công ty và hướng tầm nhìn tập trung vào giá trị khách hàng.

4. Reid Hoffman - Linkedln

Hoffman đảm nhận vai trò CEO trong 4 năm sau khi thành lập Linkedln - trang mạng xã hội định hướng kinh doanh vào năm 2003, trước khi trao "vương miện" này cho Dan Nye - người đã góp công lớn trong việc giới thiệu Linkedln đến công chúng. Nhưng tới năm 2008, Hoffman trở lại là CEO của Linkedln một lần nữa.

Theo một công bố của truyền thông sau sự ra đi của Nye, Linkedln đã phát triển gấp 5 lần dưới sự dẫn dắt của Nye. Tuy nhiên, Linkedln cần một cuộc cải tổ để đổi mới, vì thế Nye cho rằng Hoffman là người thích hợp để thay thế ông.

Nhưng chỉ sau 6 tháng khi Hoffman kêu gọi nhà đầu tư cho ông thời gian để chèo lái công ty theo tầm nhìn tương lai của mình, ông đã bị thay thế bởi một cái tên khác: Weiner.

5. Mark Pincus - Zynga

Mark Pincus đã không tìm kiếm một bến đỗ mới khi chiếc ghế CEO của Zynga được trao lại cho một nhân vật kỳ cựu hơn là Don Mattrick (nguyên Chủ tịch phụ trách bộ phận giải trí tương tác của Microsoft) vào năm 2013. Thay vào đó, ông giữ chức chủ tịch tại công ty và tập trung phát triển các dự án khác.

Tuy nhiên vào tháng 4/2015, Pinus tuyên bố trở lại vị trí điều hành vì trong thời gian qua, ông đã quan sát và rút được bài học từ quá trình hoạt động của công ty.

Zynga là một công ty phát triển game được Pincus đồng sáng lập vào năm 2007. Và sau khi ra mắt Farmville, trò chơi này đã đưa Zynga lên một tầm cao mới. Nhưng giá trị của công ty đã giảm sút khi khách hàng chuyển sở thích của họ từ các trò chơi trên trang web máy tính để bàn sang các ứng dụng trên smartphone, chủ yếu là thông qua App Stone của Apple.

Trước khó khăn này, Mattrick đã được kỳ vọng sẽ là cứu tinh cho công ty. Tuy nhiên, khi mọi việc không như mong đợi, Pincus đã trở về với vị trí CEO sau khoảng thời gian vắng bóng.

6. Jerry Yang - Yahoo

Năm 2007, nhà đồng sáng lập trang mạng Yahoo Jerry Yang đã được bổ nhiệm vào vị trí CEO của chính công ty mà Yang đã xây dựng. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông chỉ kéo dài được 2 năm, khi ông từ chức và bổ nhiệm Scott Thompson là người thay thế.

Trong giai đoạn này, quyết định từ chối đề nghị mua lại trị giá 45 tỷ đô la từ Microsoft của Yang đã chịu không ít sự chỉ trích đến từ cổ đông Yahoo.
Vào tháng 1/2012, Yang đã chính thức cắt đứt mối quan hệ như keo sơn với đứa con tinh thần Yahoo - công ty mà ông đã đồng sáng lập và xây dựng 17 năm về trước khi còn là một sinh viên đại học Stanford.

Yang đã quyết định từ bỏ tất cả các chức vụ hiện có khi đó, bao gồm rút khỏi ban lãnh đạo Yahoo, tập đoàn Alibaba và Yahoo Japan.

7. Steve Huffman – Reddit

Reddit là một trong những trang mạng xã hội thông tin có lượng truy cập và người dùng nhiều nhất tại Mỹ. Sau khi CEO Ellen Pao từ chức do sức ép từ cộng đồng dư luận sử dụng dịch vụ của công ty, nhà đồng sáng lập và cựu giám đốc Steve Huffman được bổ nhiệm lại chức danh CEO để thay thế Pao vào tháng 7/2015.

Cũng giống như CEO Jack Dorsey của Twitter, Huffman cũng đồng thời điều hành 2 công ty công nghệ cùng một lúc, bao gồm Reddit và Hipmunk (công ty đặt vé máy bay qua mạng).

Huffman - người từng giữ vai trò CEO của Reddit giai đoạn 2005 - 2009 - cho biết, chiến lược chủ yếu của Công ty sau khi ông nắm quyền sẽ xoay quanh phân khúc khách hàng sử dụng điện thoại di động. Ngoài ra, mỗi sáng trước khi thức dậy, Huffman sẽ đối mặt một thử thách đi kèm với chức danh này đó là sự tức giận hay những lời phàn nàn từ người sử dụng Reddit tràn ngập trong email.

 

VĂN LỘC/ DNSG (theo WSJ)