clock

Tài Chính

05:17 16-10-2017

Cổ phiếu ngân hàng lại hút khách

Nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục lên sàn rất được các nhà đầu tư quan tâm. Đây được xem là một trong những động lực dẫn dắt thị trường chứng khoán tăng trở lại. Tuy nhiên, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng vẫn cần thận trọng.

Ngày 5/10, gần 650 triệu cổ phiếu LienVietPostBank được giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 14.800đ/CP. Với mức giá này, vốn hóa của LienVietPostBank đạt hơn 9.500 tỷ đồng, xếp thứ 10 trong nhóm ngân hàng niêm yết. Trước đó, VIB, Kienlongbank, VPBank cũng đã lên sàn và được giới đầu tư gom mạnh cổ phiếu. Sau một tháng chào sàn, giá trị vốn hóa của VPBank dao động trong biên độ 2,2 - 2,3 tỷ USD, với 80% giá trị giao dịch thuộc về các nhà đầu tư ngoại, trong đó có Dragon Capital, IFC - quỹ đầu tư thuộc WorldBank.

Giữa tháng 6/2017, 300 triệu cổ phiếu của KienLongBank cũng đã giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.000đ/CP. Bà Trần Thị Khánh Hiền - Trưởng Phòng Phân tích rủi ro Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết: "LienVietPostBank đang nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ sinh lời tốt và sẵn sàng cho một chu kỳ tăng trưởng mới.

Cuối năm 2016, LienVietPostBank đứng thứ 13/35 ngân hàng thương mại về quy mô tổng tài sản, đứng thứ ba khối ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn chi phối của Nhà nước về các chỉ số sinh lời. LiênVietPostBank đang có nhiều ưu thế trên thị trường bán lẻ, huy động vốn, tăng trưởng tín dụng bình quân 30 - 35%/năm, chất lượng tài sản ổn định".

Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, sở dĩ cổ phiếu các ngân hàng đang tạo được sức nóng là do kinh doanh phát triển, hứa hẹn khả năng sinh lời cao. Cụ thể, nửa đầu năm 2017, nhiều ngân hàng đã có lợi nhuận trước thuế khá cao, như ACB là 1.260 tỷ đồng, Vieinbank là 4.800 tỷ đồng, Vietcombank là 5.054 tỷ đồng, VPBank là 3.264 tỉ đồng, Sacombank là 428 tỷ đồng, LienVietPostBank là 1.289 tỷ đồng, đều tăng cao so với cùng kỳ 2016.

Các chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng, còn có nhiều yếu tố quyết định đến giá cổ phiếu, như chênh lệch cung cầu, bối cảnh thị trường và đặc biệt là các yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, năm 2017 cũng là năm thuận lợi cho ngành ngân hàng do tín dụng có thể tăng 16 - 18% trong hai năm tới, khả năng xử lý nợ xấu được đẩy mạnh với khung pháp lý mới.

Với chủ trương đưa tín dụng năm 2017 tăng từ 20 - 22% của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng tin tưởng từ đó tạo động lực để đẩy mạnh kinh doanh với những lợi thế riêng.

Trong đó LienVietPostBank có mạng lưới giao dịch với hơn 130 chi nhánh, phòng giao dịch khắp 63 tỉnh - thành và hơn 1.000 phòng giao dịch bưu điện và quyền khai thác trên 10.000 điểm giao dịch thông qua các bưu cục và điểm văn hóa xã , trong 3 - 5 năm tới, sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 30%, chủ yếu đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, đến cuối năm 2019 sẽ nâng cấp khoảng 700 điểm giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng. Trái lại, VPBank nhắm đến khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương và tài chính tiêu dùng cá nhân, cho vay qua thẻ tín dụng.

Mặc dù nhiều lợi thế, song các ngân hàng cũng có không ít thách thức, nhất là khi thị trường đang có sự gia nhập ngày càng nhiều của các tổ chức phi tài chính, các công ty Fintech (Financial Technology - công nghệ trong ngành tài chính) tạo thêm cạnh tranh, đặc biệt là các ngân hàng phải đầu tư ngân sách khá lớn vào công nghệ, nhất là công nghệ bảo mật.

Ông Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, đã dành 25% vốn điều lệ để hiện đại hóa công nghệ nhằm thu hút được nhiều nhất khách hàng chạm tay vào logo LienVietPostBank trên smartphone, máy vi tính. LienVietPostBank cũng đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ để cạnh tranh, như ví điện tử, triển khai nhiều sản phẩm có lợi thế như trả lương hưu, trả lương công nhân viên chức qua thẻ.

Cũng không ít nhà đầu tư thận trọng về vấn đề nợ xấu của các ngân hàng, đó là lý do trong chiến lược kinh doanh, các ngân hàng đang phải ráo riết xử lý nguồn nợ này. Tính đến 30/6/2017, tỷ lệ nợ xấu tại LienVietPostBank là 1,28% và đang được kiểm soát ở mức khoảng 1,3%. Tuy nhiên, nếu tính thêm phần nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tỷ lệ nợ xấu là gần 2,6%.

Đại diện LienVietPostBank cho biết , trong năm 2018, sẽ phối hợp với VAMC để xử lý xong phần dư nợ xấu. Sacombank cũng đẩy mạnh xử lý nợ xấu khi đã cùng VAMC siết khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng từ Công ty Hoàn Cầu. VAMC đã thu hồi tòa nhà cao thứ 3 Sài Gòn để xử lý nợ cho hàng loạt ngân hàng.

VPBank cũng sở hữu số trái phiếu VAMC sau khi bán nợ cho công ty này với hơn 4.100 tỷ đồng và các khoản nợ đó sẽ phải trích lập dự phòng hằng năm. Trong hệ thống, số nợ mà VPBank đang gửi ở VAMC cao thứ 4, chỉ sau BIDV, VietinBank và Eximbank.

Ngoài số nợ xấu đang sở hữu và số nợ bán cho VAMC thì VPBank và một số ngân hàng khác còn đối mặt với số nợ xấu tăng mỗi năm, bởi lẽ nợ xấu tất yếu sẽ phát sinh song hành với tăng trưởng tín dụng. Và đó là bài toán VPBank đang nỗ lực giải quyết. Đến hết quý II/2017, tỷ lệ nợ xấu của VPBank chỉ chiếm 2,81% tổng dư nợ, nằm trong ngưỡng an toàn do tích cực trích lập dự phòng rủi ro và không mở rộng tín dụng bằng mọi giá.

Ngành chứng khoán hấp dẫn đầu tư

Cùng với ngành ngân hàng, kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ngoài yếu tố thị trường đã phục hồi đi lên trong những năm gần đây, đặc biệt tăng mạnh trong hơn 9 tháng qua đã làm tăng sự quan tâm đến thị trường chứng khoán, số lượng khách hàng mở tài khoản giao dịch tăng mạnh đã giúp nguồn thu phí môi giới của các công ty liên tục tăng trưởng.

Kết quả tự doanh của các công ty chứng khoán cũng đạt kết quả tốt theo xu hướng đi lên của thị trường trong thời gian qua. Việc triển khai thêm các sản phẩm chứng khoán phái sinh cũng có thể giúp phí giao dịch của các công ty được thí điểm triển khai tăng đáng kể. Ngoài ra, với việc hàng loạt ngân hàng lên sàn và lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy nhanh từ nay đến cuối năm, thì các khoản thu nhập từ phí bảo lãnh, tư vấn niêm yết của các công ty chứng khoán cũng kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh hơn.

Hiện tại Công ty CP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HCM) và Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là những công ty đầu ngành với thị phần tăng trưởng cao luôn được các nhà đầu tư ưa thích, trong khi giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán như SHS hay VNDirect cũng đã tăng rất mạnh trong 9 tháng qua. Với triển vọng GDP có thể đạt kế hoạch đề ra trong năm nay, thị trường chứng khoán được kỳ vọng tiếp tục thể hiện tích cực trong giai đoạn sắp tới.

Khánh Phương

 

LỮ Ý NHI/DNSG