clock

Công Nghệ

06:02 13-06-2017

Cơn sốt tiền ảo xáo trộn làng gear: thế giới cháy hàng card đồ họa vì "dân cày"

Cơn sốt tiền ảo xáo trộn làng gear: thế giới cháy hàng card đồ họa vì "dân cày"

“Cơn sốt” tiền ảo đã tạo nên sự khan hiếm card đồ họa chưa từng thấy trên toàn thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam. Từ góc nhìn của một người bắt đầu tìm hiểu về việc mua card đồ họa để “đào coin”, anh Daniel Oberhaus từ chuyên trang Motherboard sẽ cho chúng ta cái nhìn cơ bản về ngành này và hiện trạng khan hiếm card đồ họa tại Mỹ - nơi luôn được coi là thiên đường của gaming gear - qua bài viết dưới đây.

Xin chú ý, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “tiền ảo” thông dụng ở Việt Nam nhằm giúp độc giả dễ đọc hơn, tuy rằng chưa thể hiện đúng ngữ nghĩa của định danh gốc “cryptocurrency” - vốn là ghép của tiền tố “crypto” - mang tính mật mã và từ “currency” - tiền tệ. Mong bạn đọc thông cảm và tiếp tục theo dõi bài viết.

Cơn sốt tiền ảo xáo trộn làng gear: thế giới cháy hàng card đồ họa vì dân cày - Ảnh 1.

Tôi đã loanh quanh với ý tưởng dựng một dàn máy đào Ethereum hàng tháng nay. Mạng lưới Ethereum, cũng tương tự như Bitcoin trong chừng mực nào đấy, vì nó cũng là một đơn vị tiền tệ ảo, nhưng còn tiến xa hơn BTC khi nó còn có thể sử dụng để xây dựng các ứng dụng phân tán dựa trên công nghệ blockchain.

Đơn vị tiền ảo của mạng lưới này, với tên gọi Ether, được sử dụng để chi trả cho công việc hoàn thành trên mạng. Những token Ether được tạo ra bằng cách “đào” - tên gọi của công việc chạy các thuật toán băm (thường được gọi là hash).

Nhưng trước khi xảy ra bùng nổ giá Ether vào tháng trước, việc đào trên mạng lưới Ethereum tiêu tốn nhiều điện hơn lợi nhuận mà nó đem lại. Theo đà tăng vọt của đồng tiền ảo được ưa chuộng thứ 2 trên thế giới, tôi quyết định rằng cuối cùng cũng đã đến lúc trở thành thợ đào mỏ. Thế là, tôi lên mạng Internet tìm kiếm những chiếc card đồ họa (GPU) phổ biến nhất trong các dàn khai thác Ethereum.

Những gì tôi nhìn thấy được trên hết trang này tới trang khác là dòng chữ “HẾT HÀNG”, kèm theo đó là thông báo không có hàng thêm trong vài tuần tới. Như trang PCGamer gần đây có đề cập, có vẻ như bùng nổ khai thác tiền ảo đã tạo nên tình trạng khan hiếm GPU trên toàn thế giới! Câu hỏi được đặt ra là, liệu tình trạng khan hàng này chỉ mới bắt đầu, hay là giới game thủ hay cả những ai muốn trở thành “thợ đào” sẽ kém may mắn trong suốt tương lai trước mắt.

Ảnh chụp màn hình trang newegg.com

Như ý nghĩa của chính cái tên, GPU - Graphics Processing Unit là những con chip logic được thiết kế đặc biệt phục vụ việc render hình ảnh trên màn hình máy tính. Trong lĩnh vực game, chúng chủ yếu phục vụ việc render đồ họa 3D theo thời gian thực.

Không giống như CPU chịu trách nhiệm thực thi đồng bộ nhiều lệnh từ phần cứng cũng như phần mềm máy tính, GPU được thiết kế để thực hiện lặp đi lặp lại một quy trình (operation) thật hiệu quả và nhanh chóng.

Do đó GPU không chỉ làm tốt khi render các trò chơi 3D mà còn hoạt động tuyệt vời trong việc đào Ethereum. Nếu không quá sa vào chi tiết kỹ thuật, thì nhìn chung việc đào Ether cần có một máy tính chạy một hàm băm mã liên tục, vốn là một cách để giảm kích cỡ một lượng lớn dữ liệu (trong trường hợp này là một block trên blockchain Ethereum) thành số liệu theo kích cỡ cố định (một dãy gồm nhiều chữ và số). GPU làm rất tốt ở việc chạy đi chạy lại các hàm băm này.

Khi Bitcoin lần đầu xuất hiện vào năm 2009, nó mở ra tầm nhìn về một tương lai nơi tất cả mọi người có thể đào Bitcoin từ máy tính cá nhân của mình. Nhưng tầm nhìn này nhanh chóng sụp đổ khi Bitcoin rơi vào quy luật kinh tế đơn giản: quy mô.

Hiện nay, những “trang trại” Bitcoin khổng lồ tại Trung Quốc với phần cứng chuyên dụng cho thấy rõ rằng cơ bản là không thể để kiếm lời từ việc đào Bitcoin nếu không đầu tư ít nhất 10.000 USD dành cho phần cứng từ đầu.

Những nhà phát triển Ethereum muốn tránh vấn đề tương tự, thế nên họ đã khiến mạng lưới “cứng về bộ nhớ” (memory hard). Cơ bản điều này có nghĩa là tăng dung lượng bộ nhớ cho dàn máy đào của bạn sẽ không thực sự làm tăng hiệu suất đào.

Quan trọng hơn, điều này cũng có nghĩa là việc đào Ethereum sẽ luôn bị giới hạn bởi các GPU và sẽ tránh khỏi việc sử dụng phần cứng đặc biệt và mạch tích hợp chuyên dụng (ASIC) đang được dùng để tăng quy mô đào Bitcoin.

Và điều này nghĩa là gì? GPU trở thành thứ hàng hiếm có!

Theo Stefan Schindler, Tổng Giám đốc Công nghệ (CTO) của Genesis Mining, công ty này mua GPU theo số lượng lớn. Schindler không cho biết cụ thể có bao nhiêu card đồ họa có trong tổ hợp Enigma của Genesis - tổ hợp đào Ethereum lớn nhất thế giới - nhưng nói rằng hoạt động đào đã tăng trưởng vượt bậc kể từ khi khởi phát vào năm 2015.

Ban đầu, Enigma được cài đặt khoảng 700 GPU còn hiện nay nó bao gồm vài tòa nhà lớn hơn.” - Schindler cho biết trong một email - “Chắc chắn là ở quy mô này, nó đã thu hút sự chú ý trực tiếp từ các nhà sản xuất phần cứng và rồi chúng tôi đã có nhiều thỏa thuận với họ.”.

Cũng theo Schindler, trang trại Enigma chủ yếu sử dụng loại GPU AMD RX470 đến từ Sapphire. Ông cho biết chính Genesis cũng lo ngại khan hiếm nguồn cung GPU, nhưng cũng lưu ý rằng đây không phải điều gì mới mẻ trong thế giới đào tiền ảo.

6 GPU RX470 trên một dàn máy đào

Những lần nhảy vọt về lợi nhuận kiếm được từ việc đào rồi tạo nên nhu cầu lớn về GPU lần đầu xảy ra vào tháng Mười năm 2013 khi giá đồng Litecoin tăng mạnh,” - Schindler chia sẻ - “Sau thời kì đó, rất nhiều người đào tại nhà đã đăng bán GPU của mình trên Ebay, làm đau đầu những nhà sản xuất phần cứng đang cố gắng đảm bảo doanh số cho sản phẩm đang lưu hành của họ.”

Điều tương tự hiện đang xảy ra với sự bùng nổ Ethereum. Nhưng mọi người thay vì cố thanh lý GPU của mình sau một lần bùng nổ, do nhu cầu quá cao, những dàn máy đào đã qua sử dụng lại được đăng bán trên Ebay hay Craigslist với giá gấp vài lần giá niêm yết. Tuy vậy, mua card đồ họa đã qua sử dụng cũng là việc tương đối mạo hiểm: những chiếc GPU sử dụng cho việc đào Ethereum thường chạy ở tốc độ clock một cách liên tục, khiến chúng “hao mòn” nhanh hơn nhiều so với khi sử dụng phục vụ gaming thông thường.

Mặt khác, mạng lưới Ethereum có khả năng sẽ chuyển từ hình thức Proof-of-Work (thực hiện việc để có “tiền” như bên trên đề cập) sang hình thức Proof-of-Stake (đầu tư tiền hơn là đầu tư thiết bị) vào một thời điểm nào đó theo ý tưởng của Vitalik Buterin, người sáng lập.

Khi đó, không ít thì nhiều (phụ thuộc vào mức độ chuyển hóa - ở thời điểm hiện tại Proof-of-Stake đang được thử nghiệm ở mức độ 1%) những dàn máy đào sẽ trở nên vô dụng. Khi đó, những người đào Ether sẽ đứng trước 2 lựa chọn: sử dụng dàn máy để đào loại tiền ảo khác, ví dụ như ZCash, hoặc tìm cách bán lại dàn máy.

Vòng tròn bùng phát và suy sụp của tiền ảo tạo ra khó khăn cho cả những nhà sản xuất chip như AMD, cũng như những game thủ bình thường - những người chỉ cần 1 tới 2 GPU cho dàn máy của mình.

Để làm dịu bớt sự khan hiếm GPU, Schindler cho biết Genesis đang làm việc với những nhà thiết kế phần cứng để tạo ra loại card đồ họa thích hợp tối ưu cho việc đào và không cạnh tranh với loại sử dụng phục vụ gaming. “Tôi thực sự không muốn chiếm GPU của giới game thủ đâu!” - Schindler bổ sung.

Trong một bài phỏng vấn gần đây cho đài CNBC, AMD cho biết sản phẩm GPU cho game thủ vẫn là ưu tiên của hãng, dù vậy, nhiều báo cáo chỉ ra rằng nhà sản xuất vi xử lí đang lên kế hoạch sản xuất GPU dành riêng cho việc đào tiền ảo. AMD cũng không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này từ chúng tôi.

Sau khi bỏ nhiều công nghiên cứu cũng như xác định năng lực tính toán, tôi đã đủ may mắn để kiếm được 6 chiếc GPU mới cho dàn máy đào của mình. Đó là ở thời điểm Ethereum tăng giá chóng mặt tháng trước, và một điều tra nhanh cho thấy hiện tại GPU còn hiếm có hơn nữa. Dù sao, chính mẫu GPU tôi mua ở thời điểm đầu tháng Năm cũng đã bị bán sạch chỉ vài giờ sau khi tôi đặt mua chúng.

Với việc không có dấu hiệu nào cho thấy bùng nổ tiền ảo sẽ chấm dứt, việc khan hiếm GPU là tin xấu cho giới game thủ, những người sẽ phải đợi một thời gian cho tới khi họ có thể dễ dàng có được card đồ họa mà mình mong muốn.

 

theo Trí thức trẻ