clock

CEO Thế Giới

14:05 12-10-2015

Con trai nhà sáng lập Ferrari: Tránh xa đường đua, trở thành tỷ phú

Enzo Ferrari đã từng rất quyết tâm bảo vệ con trai nhỏ của mình khỏi sự nguy hiểm của môn thể thao tốc độ, bằng việc ra lệnh cấm các nhân viên của mình cho phép cậu bé có mặt trong đội xe. Ông cho rằng cách đó có thể khiến con trai mình không bao giờ có mơ ước trở thành một tay đua.

Hơn 50 năm sau, Ferrari đã để lại cho con trai mình một di sản, đó là hãng xe thể thao nổi tiếng trên toàn thế giới. Sắp tới đây khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Ferrari sẽ giúp Piero Ferrari - năm nay đã 70 tuổi trở thành tỷ phú và sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD nhờ số cổ phần 10% của mình tại đây, theo số liệu của Bloomberg Billionaires Index.

Ferrari cùng với logo chú ngựa nổi tiếng của mình đã vượt qua được tình cảnh hỗn loạn của ngành công nghiệp ô tô hiện nay, đặc biệt sau vụ bê bối khí thải của một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn nhất là Volkswagen. Các chủ sở hữu nổi tiếng trong những năm qua của Ferrari bao gồm cả Elvis Presley và Ralph Lauren, hay 9 trong số 10 chiếc xe có giá trị nhất từng được bán đấu giá công khai đều mang tên của hãng xe của Italia.

"Thị trường đang định giá Ferrari như là một thương hiệu hàng xa xỉ", David Haigh, người sáng lập công ty chuyên định giá và tư vấn chiến lược thương hiệu Brand Financecho biết. "Có rất ít các công ty có quy mô như thế này lại thành công và đủ năng lực để trở thành thương hiệu cao cấp thực sự trên toàn cầu."

Ferrari được định giá quá cao?

Ferrari có kế hoạch chào bán 17,2 triệu cổ phiếu với giá trị 48-52 USD/cổ phiếu, theo tính toán của Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ. Giá trị của Ferrari lên tới 9,82 tỷ USD bất chấp ảnh hưởng từ scandal của Volkswagen khiến hàng loạt cổ phiếu của các nhà sản xuất xe hơi khác sụt giảm, bao gồm cả công ty mẹ Fiat Chrysler Automobiles NV.

Cổ phiếu của Piero Ferrari được cho mang lại cho ông khoảng 280 triệu euro (tương đương 320 triệu USD) tiền mặt như một phần tái cơ cấu công ty trước khi phát hành cổ phiếu, theo ước tính của Bloomberg. Piero Ferrari từ chối bình luận về sự kiện này cũng như khối tài sản thực mà ông sở hữu khi các nhà liên lạc phòng truyền thông của Ferrari.

“Thật thú vị khi chờ đón những điều sắp tới, đặc biệt trong việc xác định giá trị về mặt dài hạn”, Sascha Gommel, người đứng đầu phòng nghiên cứu lĩnh vực ô tô tại Commerzbank AG cho biết, “Cho dù đây là một thương hiệu mạnh, nhưng tôi nghĩ rằng Ferrari đang được đánh giá cao hơn một chút so với giá trị thực của nó, có lẽ do thị trường quá sốt sắng và vui mừng.”

Mẫu xe Alfa Romeo và Maseratis

Chủ tịch Fiat Sergio Marchionne đang sử dụng Ferrari như một nước cờ trong chiến lược huy động vốn đầu tư lên tới 48 tỷ euro để tập trung vào việc mở rộng thương hiệu Jeep, Alfa Romeo và Maserati trên toàn cầu.

Piero Ferrari sẽ không phải là tỉ phú duy nhất trong các cổ đông. Gia tộc Agnelli của Ý, những người nắm quyền kiểm soát Fiat Chrysler, sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Ferrari với lượng cổ phiếu là 24% thông qua công ty gia đình Exor Spa. Nhờ cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Exor sẽ kiểm soát hơn 30% của quyền biểu quyết còn Piero là khoảng 15 phần trăm, theo báo cáo của IPO.

Piero thừa hưởng cổ phần từ người cha của mình là Enzo, một tay đua cho Alfa Romeo và sau này sáng lập đội đua riêng Scuderia Ferrari của mình vào năm 1929. Chiếc xe đua đầu tiên của thương hiệu này được sản xuất vào năm 1947, với một chiếc dùng cho đường trường sau một năm sau đó.

Năm 1950, Ferrari bắt đầu thi đấu tại giải Công thức 1, nơi ghi dấu 225 trận thắng Grand Prix cũng như 16 giải vô địch thế giới và biến đây trở thành đội đua thành công nhất trong lịch sử giải đấu. Tay đua vĩ đại nhất trong lịch sử của môn thể thao này, Michael Schumacher người Đức, đã chiến thắng hầu hết các giải thưởng cho Ferrari.

Lịch sử vẻ vang này khiến Ferrari thu hút và giữ chân được lượng lớn những khách hàng trung thành. Trong số 7255 chiếc Ferrari được xuất xưởng từ dây chuyền sản xuấtxe thể thao Maranello trong năm 2014, có đến 60% được mua bởi những chủ sở hữu hãng xe này.

Sức ảnh hưởng của Fiat

Lần đầu tiên Fiat mua cổ phiếu Ferrari là vào năm 1969. Khi đó với việc mua lại một nửa công ty, Fiat quan tâm tới việc sản xuất xe chứ không mấy mặn mà với đội đua, cho dù Enzo đảm bảo rằng ông sẽ chịu trách nhiệm giám sát đội xe trước khi qua đời vào năm 1988.

Con trai thứ hai và là đứa con duy nhất sống sót của ông, Piero Ferrara được thừa hưởng 10% và trở thành phó chủ tịch tập đoàn. Cùng lúc đó, Fiat cũng nâng số cổ phiếu nắm giữ lên 90%.

Piero nói với các phóng vào tháng Hai rằng ông không "có kế hoạch" bán cổ phần. Mặc dù luôn hiện diện thường xuyên trên đường pit như một người ủng hộ nhiệt thành tất cả những gì của Ferrari, ông cảm thấy hạnh phúc vì đã làm theo lời khuyên của cha mình và tránh xa ghế đua.

"Cha tôi đã đúng, tôi luôn nghĩ rằng ông sẽ không bao giờ cấm tôi một điều gì mà lại không có những lý do quan trọng đằng sau", Ferrari viết trong cuốn sách "Cha tôi, Enzo." "Tôi có thể không có một sự nghiệp lừng lẫy như một tay đua, nhưng cũng sẽ không bao giờ cố gắng để tham gia Công thức 1.”

 

Thư Anh/ Trí Thức Trẻ/Bloomberg