clock

Trong Nước

10:08 17-10-2017

Đạm Ninh Bình thua lỗ nghìn tỷ: VDB giảm mức trả nợ gốc từ 25 tỷ đồng xuống 50 triệu đồng/tháng

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã điều chỉnh giảm mức trả nợ gốc trong năm 2017 từ 25 tỷ/tháng xuống 50 triệu/tháng đối với VNĐ và 200 USD/tháng đối với USD, giữ nguyên thời hạn trả nợ, không kéo dài thời gian trả nợ đối với dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Báo cáo mới đây của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho thấy, đến thời điểm ngày 31/8/2017, Đạm Ninh Bình có tổng số tiền nợ tại các ngân hàng là 4.502 tỷ đồng.

Trong đó, vay dài hạn 3.263 tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), vay vốn lưu động 1.184 tỷ đồng từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cùng với nợ lãi tại BIDV và Vietinbank 55 tỷ đồng.

Theo Vinachem, Vinachem đã chủ động tổ chức nhiều buổi làm việc và có nhiều văn bản đề nghị các ngân hàng, các bộ, ngành liên quan và văn bản báo cáo Thủ tướng về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Cụ thể, đối với các khoản vay đầu tư của VDB, Vinachem đã có nhiều văn bản đề nghị về các giải pháp tháo gỡ như cơ cấu nợ, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi suất tiền vay với 6 văn bản gửi Bộ Công Thương và VDB cũng như Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, VDB đã điều chỉnh giảm mức trả nợ gốc trong năm 2017 từ 25 tỷ/tháng xuống 50 triệu/tháng đối với VNĐ và 200 USD/tháng đối với USD, giữ nguyên thời hạn trả nợ, không kéo dài thời gian trả nợ.

Tương tự, đối với Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại, Vinachem cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, Vietinbank, BIDV, Vietcombank.

Theo đó, giải pháp được Vietcombank hỗ trợ, hạn mức đang cấp cho Đạm Ninh Bình là 800 tỷ đồng. Hiện đang cho công ty vay tối đa bằng 80% số tiền trả nợ gốc, trên nguyên tắc thu nợ trước, cho vay sau.

Lãi suất vay vốn lưu động áp dụng theo từng thời điểm: giảm từ 7,5%/năm thời điểm 12/1/2017 xuống 87,3%/năm vào thời điểm 9/3/2017 và giảm xuống 7% từ 28/6/2017.

Giải pháp được BIDV thực hiện cơ cấu nợ quá hạn của năm 2016 cho Công ty. BIDV đang cho công ty vay vốn lưu động với hạn mức tín dụng đang cấp 911 tỷ đồng, cho vay tối đa bằng 90% số tiền trả nợ gốc, trên nguyên tắc thu nợ trước, cho vay sau.

Lãi suất vay vốn lưu động áp dụng theo từng thời điểm, cụ thể giảm từ 7,8%/năm thời điểm 1/1/2017 xuống 7,5%/năm thời điểm 1/3/2017 và đến nay giữ nguyên 7,5%/năm.

Trước đó, Vinachem từng đề nghị khoanh nợ gốc, chỉ trả lãi nợ phát sinh, phí vay lại trong thời gian 5 năm đối với khoản vay của Bộ Tài chính từ nguồn Eximbank Trung Quốc nhưng không được Bộ Tài chính chấp thuận.

Đến nay, Vinachem đã thực hiện trả nợ đúng hạn khoản vay này. Tuy nhiên, theo Vinachem, Tập đoàn sẽ rất khó khăn và không cân đối được nguồn để trả nợ từ kỳ hạn tháng 1/2018 trở đi.

 

Đánh giá của Vinachem từng cho biết, trong 5 năm tới dòng tiền của Công ty Đạm Ninh Bình vẫn âm và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Vinachem để trả nợ. Khả năng trả nợ của Đạm Ninh Bình, theo đánh giá là hạn chế, lỗ luỹ kế lớn. Kết quả kinh doanh năm 2016 lỗ 1.132 tỷ đồng.

Thực tế, trong 4 năm liền từ 2012-2016, Vinachem đã trả nợ thay Đạm Ninh Bình một phần tiền cho Eximbank Trung Quốc, Ngân hàng phát triển VDB, Ngân hàng Vietinbank… và nhiều lần hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho công ty với tổng số tiền lên đến hơn 2.211 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2012, Vinachem đã hỗ trợ trả nợ dài hạn VDB Ninh Bình và Eximbank Trung Quốc số tiền 249,05 tỷ đồng; năm 2013 hỗ trợ cho vay ngắn hạn 200 tỷ đồng; 2014 hỗ trợ cho vay ngắn hạn và trả nợ dài hạn cho Eximbank Trung Quốc 228,6 tỷ đồng; năm 2015 cho vay dài hạn trả gốc và lãi Eximbank Trung Quốc 366,07 tỷ đồng; năm 2016 cho vay dài hạn trả gốc và lãi Eximbank Trung Quốc và cho vay ngắn hạn trả nợ gốc và lãi VDB Ninh Bình, Vietinbank Hà Nội số tiền hơn 1.167 tỷ đồng.

 

theo Bizlive