clock

Trong Nước

10:32 18-05-2018

Danh mục thuốc bảo hiểm y tế sẽ được bổ sung

Cử tri kiến nghị Bộ Y tế xem xét mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhân dân...

Đó là khẳng định của Bộ Y tế khi trả lời kiến nghị của cử tri một số tỉnh gửi đến Quốc hội.

Tập hợp từ Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, cử tri tỉnh Long An bức xúc việc quy định danh mục thuốc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, gây khó khăn cho người dân khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhất là đối với bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo thì phải mua thuốc điều trị ở ngoài vì không nằm trong danh mục này.

Do đó, đề nghị của cử tri là không quy định danh mục thuốc mà tất cả các loại thuốc nào được nhà nước cấp phép sản xuất hay được nhập khẩu vào Việt Nam và được cấp phép lưu hành trên thị trường thì đều nằm trong danh mục thuốc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để đảm bảo tính công bằng và khuyến khích người dân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Cử tri tỉnh Thái Nguyên cũng tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế xem xét mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhân dân. Hiện nay, người dân đi khám chữa bệnh hầu hết đều được kê thuốc ngoài danh mục thuốc bảo hiểm y tế nên không được hưởng quyền lợi khi tham gia bảo hiểm, gây bức xúc cho nhân dân.

Văn bản trả lời của Bộ Y tế nêu rõ, danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế bao gồm 1064 thuốc (theo tên hoạt chất) với 27 nhóm thuốc thuộc đầy đủ các thuốc chuyên khoa, thuốc đặc trị, thuốc có chi phí lớn.

Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một trong số ít các nước có danh mục thuốc bảo hiểm y tế rộng rãi, đáp ứng nhu cầu điều trị so với mức đóng bảo hiểm y tế. Danh mục này rộng hơn khá nhiều so với danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới (khoảng 400 thuốc) và danh mục thuốc bảo hiểm y tế của một số nước trong khu vực, có điều kiện kinh tế phát triển hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia,…

Bộ Y tế cũng giải thích rằng không nước nào trên thế giới kể cả các nước rất phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật… thanh toán bảo hiểm y tế cho toàn bộ các thuốc lưu hành trên thị trường. Việc đưa một thuốc vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế luôn được đánh giá hết sức chặt chẽ trên cơ sở bằng chứng về chi phí - hiệu quả của thuốc.

Thực tế, các thuốc lưu hành trên thị trường rất phong phú, nhiều thuốc chỉ mang tính chất hỗ trợ, hiệu quả điều trị không rõ ràng. Một số thuốc hiệu quả thấp hơn, nhiều tác dụng phụ hơn nhưng chi phí điều trị cao hơn so với thuốc khác, một số thuốc điều trị có chi phí cho một bệnh nhân lên tới vài tỷ đồng một năm. Trong khi đó, mức đóng bảo hiểm y tế của Việt Nam tương đối thấp, chưa đến 700.000 đồng/năm, mức đóng này cũng không được phép tăng trong một vài năm tới.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chỉ nên đưa các thuốc có hiệu quả điều trị rõ ràng vào trong danh mục, ưu tiên lựa chọn các thuốc có giá thành phù hợp để đáp ứng được nhu cầu điều trị của đa số người dân, văn bản trả lời nêu rõ.

Cơ quan trả lời cử tri cho biết, hiện nay Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng thông tư ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc tân dược thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế thay thế choThông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014. 

Việc xây dựng được thực hiện hết sức chặt chẽ, khoa học, rõ ràng dựa trên các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, các hiệp hội y khoa, dược khoa, cơ quan quản lý dược của các nước trên thế giới về hiệu quả điều trị, độ an toàn của thuốc; đánh giá chi phí - hiệu quả kinh tế dược và tác động ngân sách lên quỹ bảo hiểm y tế...

Bộ Y tế sẽ xem xét để bổ sung thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị, mở rộng hạng bệnh viện được sử dụng của thuốc, đặc biệt là thuốc cho bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh như lao, tâm thần, sản nhi, thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm cho trạm y tế xã.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc giao quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã trình Chính phủ bãi bỏ quy định giao quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Chi phí thanh toán theo thực tế sử dụng, không vượt tổng mức thanh toán để sử dụng quỹ bảo hiểm y tế một cách hiệu quả, Bộ Y tế cho biết.

 

Hà Vũ/ Vneconomy