clock

Doanh Nghiệp

11:27 23-01-2018

Đây sẽ là tỷ phú USD thứ 4 của Việt Nam?

Vài ngày sau khi Bloomberg gọi tên vị tỷ phú đôla thứ ba của Việt Nam là ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang, rất có thể danh sách này sẽ tiếp tục nối dài với sự xuất hiện của một đại gia ngành thép.

Kết thúc phiên giao dịch bất thường vào ngày 23/1, giá cổ phiếu HPG dừng lại ở mức 63.600 đồng một đơn vị. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, cổ phiếu của tập đoàn Hòa Phát đã tăng gấp đôi so với mức tăng trưởng 37% của chỉ số sàn TP HCM VN-Index.

Nắm giữ 25,15% cổ phần của Hòa Phát, tương đương 381 triệu cổ phiếu, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của chủ tịch Hòa Phát đạt 24.267 tỷ đồng, tức 1,1 tỷ USD. Với mức tài sản này, ông chủ Hòa Phát rất có thể sẽ là người tiếp theo xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD Việt Nam ngày càng dài của Việt Nam, theo sau 3 nhân vật được các tạp chí quốc tế vinh danh trước đó là tỷ phú bất động sản, du lịch và bán lẻ Phạm Nhật Vương, tỷ phú ngân hàng và hàng không Nguyễn Thị Phương Thảo cùng tỷ phú thực phẩm, khai khoáng và thức ăn chăn nuôi Nguyễn Đăng Quang.

Được mệnh danh là Vua Thép, ông Trần Đình Long sinh năm 1961 ở Hải Dương. Ông học đại học Kinh tế quốc dân khóa 22, ra trường lập nghiệp và sớm có trong tay Công ty Hòa Phát. Ban đầu, công ty của ông Long buôn bán phụ tùng từ năm 1992-1996, sau đó mở rộng sang nhóm ngành luyện kim, chủ lực là thép và tôn mạ kẽm.

Năm 2017, báo cáo tài chính của Hòa Phát cho biết công ty này đã xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với nhóm ngành kinh doanh cốt lõi. 3 triệu tấn thép các loại được sản xuất, trong đó thép xây dựng chiếm tới 2,2 triệu tấn, ống thép đóng góp 600.000 tấn và còn lại là tôn mạ kẽm, đạt tăng trưởng 20% so với năm 2016 và vượt 10% kế hoạch đề ra. Cả hai dòng sản phẩm chủ lực của Hòa Phát là thép xây dựng và ống thép đều dẫn đầu thị trường, lần lượt đạt thị phần 24% và gần 27%.

Ở Việt Nam, ông Trần Đình Long nổi tiếng với việc là một trong hai đại gia đầu tiên sở hữu máy bay riêng, bên cạnh bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai. Ông cũng là người có nhiều duyên nợ với bóng đá Việt Nam, khi có tới 7 năm gắn bó với câu lạc bộ Hòa Phát Hà Nội. Năm 2011, Hòa Phát chuyển giao đội bóng cho ACB, tuyên bố từ bỏ bóng đá.

Trong giới doanh nhân, ông chủ Hòa Phát nổi tiếng là người làm việc nhanh như gió, khỏe như trâu, luôn tạo ra một cảm giác đáng tin cậy khi đã nói là làm, và làm là làm đến cùng.

 
 

theo Nhịp sống kinh tế