clock

Doanh Nghiệp

10:33 30-09-2016

DOANH NGHIỆP GIA ĐÌNH VÀ SÓNG GIÓ NỘI TẠI

Nửa thế kỷ trước, nhiều chuyên gia dự đoán các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức “cha truyền, con nối” sẽ sớm sụp đổ trước những sóng gió của thương trường mang lại. Thực tế, hiện có rất nhiều doanh nghiệp gia đình vẫn đang tồn tại và trở thành những “đế chế” hùng mạnh. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là khi ở trên đỉnh cao của sự thành công thì nhiều doanh nghiệp gia đình lại “ngã ngựa” và có nguy cơ sụp đổ trước những sóng gió do chính các vấn đề nội tại mang đến.

Gần đây, thông tin tập đoàn gia đình lớn thứ 5 của Hàn Quốc là Lotte rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng vì cuộc đấu đá quyền lực trong nội bộ gia đình đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Cuộc đấu đá và tranh giành quyền lực này có thể sẽ hoãn vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá khoảng 4,5 tỷ USD cho mảng khách sạn. Kế hoạch IPO của Lotte Hotel gặp trở ngại khi những cuộc điều tra trên diện rộng đẩy tập đoàn chìm sâu hơn vào khủng hoảng. Một trường hợp khác ở nước ta, đó là câu chuyện tranh chấp tại cà phê hòa tan Trung Nguyên xảy ra sau khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo ly hôn. Sau rất nhiều thông tin trái chiều, đến nay việc chuyển giao quyền đại diện pháp luật từ ông Vũ sang bà Thảo vẫn chưa được thực thi và vẫn còn rất nhiều uẩn khúc. Đây là hai trong nhiều trường hợp doanh nghiệp gia đình bị “chao đảo” không phải do các yếu tố thị trường mang lại mà do chính những xung đột nội tại doanh nghiệp. Điều đáng nói là những xung đột đó đến từ chính các thành viên trong một gia đình, những người đã từng chung lưng đấu cật để gây dựng doanh nghiệp. Nguyên nhân có thể đến là do các vấn đề mâu thuẫn lợi ích, mâu thuẫn quyền lực. Thậm chí, nguyên nhân đến từ các cuộc tái cấu trúc hệ thống nhằm cứu vãn tình hình của doanh nghiệp nhưng không nhận được sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Secoin ông Đinh Hồng Kỳ, một gương mặt khá tiêu biểu cho lớp trẻ làm chủ công ty gia đình chia sẻ: “Trải qua nhiều năm hoạt động với mô hình DNGĐ, chúng tôi nhận thấy rõ sự khó khăn trong việc tách bạch giữa công việc và gia đình trong ban lãnh đạo. Ai cũng biết, trong gia đình, vợ chồng, cha mẹ hoặc anh chị em có những quan hệ hành xử mang tính gia đình nhưng tại công ty thì mối quan hệ công việc phải được xây dựng trên dưới một cách chuyên nghiệp và tách bạch. Mỗi thành viên gia đình trong ban lãnh đạo dù biết là phải tuân thủ những nguyên tắc như vậy, nhưng để thực hiện nó một cách rõ ràng và xuyên suốt trong quá trình vận hành doanh nghiệp không phải là vấn đề đơn giản”. Đây chính là những nguyên nhân tiềm ẩn khiến các doanh nghiệp gia đình sẽ rơi vào khủng hoảng trong tương lai. Chính vì vậy, chương trình CEO – Chìa khóa thành công của VTV1 đã đưa lên sóng chủ đề: “Chiến lược tái cấu trúc – Chuyên nghiệp hay gia đình” vào ngày 02/10 tới đây. Trong chương trình các chuyên gia sẽ bàn bạc, mổ xẻ vấn đề và đưa ra giải pháp cho DNGĐ có thể trường tồn qua các thế hệ và phân định được giữa việc quản lý doanh nghiệp và quản lý những vấn đề gia đình.

CEO Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kosy đang được tư vấn của hai chuyên gia ông Robert Trần  và Tiến sĩ Trần Quốc Việt trong chương trình CEO – Chìa khóa thành công của VTV1

Chương trình đề cập đến vấn đề của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm.  Hệ thống phân phối của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu dựa vào những người thân trong gia đình của CEO và các cổ đông. Tuy nhiên, hiện nay DN đang rơi vào tình cảnh khó khăn do họ quá bảo thủ, không chịu thay đổi và có xu thế an phận, các hoạt động cạnh tranh không được quyết liệt và mạnh mẽ nên đang bị đối thủ lần lượt qua mặt.Trước tình hình này, CEO và các cổ đông đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp. CEO cho rằng:“ Cần chuyển đổi từ mô hình các nhà phân phối gia đình, xoá bỏ các đặc quyền đặc lợi, sang mô hình các nhà phân phối chuyên nghiệp. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể vận hành theo cơ chế của thị trường để mở rộng, phát triển và cạnh tranh thành công”. Bàn về vấn đề này, ông Robert Trần – Chủ tịch Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny khu vực Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương  cho rằng :“DNGĐ là một nền tảng tốt, nên có thể dựa vào nền tảng này để phát triển cao hơn nữa, lâu dài hơn nữa. Một DNGĐ phải biết nhìn từ mọi góc độ, luôn phải nắm rõ mọi thông tin, dữ liệu của DN mình. Hơn nữa, DNGĐ cần có sự thay đổi, sáng tạo không ngừng để có thể phát triển hơn nữa”. Đồng tình quan điểm trên, Ông Trần Quốc Việt – Phó giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô Miền Bắc nêu quan điểm: “Để tiến hành thay đổi mô hình từ gia đình sang chuyên nghiệp, DN cần thống nhất với nhau về quan điểm, thành lập văn hóa doanh nghiệp, lên kế hoạch cụ thể chi tiết về tiến trình về sự thay đổi và sau đó thực thi, hành động và rút kinh nghiệm”. Những ý kiến tư vấn của các chuyên gia đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều khán giả.

Trong chương trình tuần sau, phát sóng ngày 09/10/2016 vào lúc 10h sáng Chủ nhật, chương trình CEO-Chìa khóa thành công SME được tài trợ bởi nhãn hàng OTIV sẽ lên sóng với chủ đề “Định hướng chiến lược – Lựa chọn mô hình”. Để tham gia góp ý kiến về chủ đề này, hãy truy cập trang facebook fanpage của chương trình www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Để đăng ký tham gia làm người chơi trong chương trình liên hệ theo địa chỉ chiakhoathanhcong@hoanggia.com.vn hoặc số điện thoại : 04.22670444.

 

Việt Chinh