clock

CEO Việt

07:24 04-02-2016

Doanh nhân Lê Linh Duy: Khởi nghiệp từ "chất nông thôn" mãnh liệt

Ông Lê Linh Duy - Tổng giám đốc Công ty CP Tam Nông kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Đông Bắc Á đã có những ngã rẽ nghề nghiệp mà chính ông cũng khó lý giải được. Chỉ biết, những con đường ấy để thực hiện phần nào hàng trăm ý tưởng ngồn ngộn trong đầu.

Phong trần, hoạt bát và đầy nhiệt tâm là những tính từ có thể dùng để nói về ông . Đang làm dịch thuật, chuyển sang tư vấn thương hiệu; đang đầu tư sản xuất phim, chương trình truyền hình thì chuyển sang làm nông nghiệp…, những bước rẽ của ông không phải ai cũng có thể hiểu và đoán biết được. 

Từ phim trường ra... trang trại nuôi gà ác

Xét ở khía cạnh khởi nghiệp, Lê Linh Duy là người may mắn khi biết mình có thế mạnh gì và tìm ra con đường để phát huy thế mạnh đó. Ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, chuyên ngành tiếng Anh, năm 2004, ông đã gây dựng Công ty Tư vấn ngôn ngữ Openlad với chức năng chủ yếu là dịch thuật.

Tuy nhiên, đó chỉ là dịch những bộ hồ sơ nhận diện thương hiệu của các thương hiệu toàn cầu. Chính xác thì phải gọi Openland của ông là đơn vị tư vấn thương hiệu, bởi ngoài chuyển ngữ, Công ty còn cung cấp các dịch vụ tư vấn chiến lược, quảng bá... cho các doanh nghiệp khối FDI mới chân ướt chân ráo vào Việt Nam.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào khai phá thị trường Việt Nam, Openland "một mình một chợ", tăng trưởng ngoài kỳ vọng. Đang đứng trên đỉnh cao, Lê Linh Duy bất ngờ rời cuộc chơi, thử sức ở lĩnh vực truyền hình, đầu tư trang thiết bị tối tân để sản xuất phim, ghi hình các chương trình văn nghệ.

"Có lẽ tôi là người cả thèm chóng chán", Lê Linh Duy nói vui vậy khi nhắc đến bước ngoặt lớn nhất đưa ông đến vị trí hiện nay: Đóng cửa hãng phim và nghe lời nhà văn Nguyễn Quang Sáng: "Tìm cái gì đó liên quan đến nông dân mà làm. Vừa làm giàu, vừa giúp họ thoát khỏi tình trạng "được mùa mất giá”.

* Từ Đắk Lắk sang Đà Lạt học đại học rồi xuống TP.HCM lập nghiệp, hành trình của một người có máu văn nghệ nhiều hơn kinh doanh, có lợi thế ngôn ngữ nhiều hơn khả năng hoạch định chiến lược kinh doanh như ông có điểm nào liên quan tới con gà, quả trứng, mớ rau...?

- Tôi xuất thân từ nông thôn, nhưng lại là đứa "mất gốc" nên chẳng biết chút gì về nông nghiệp. Khi được gieo ý tưởng "tìm cái gì đó liên quan đến nông dân mà làm" vào đầu, tôi bắt đầu lên mạng tìm thông tin, thậm chí hỏi cả tổng đài 1080 để có kiến thức nền. Đôi chân tôi ngược xuôi từ TP.HCM xuống các tỉnh miền Tây để tìm câu trả lời.

Thời điểm đó, tôi biết mình sở hữu "ba không": không công ty, không kinh nghiệm, không kiến thức... nên phải đi từng bước. Tôi lân la đến cả các cơ quan quản lý nông nghiệp các địa phương để thăm dò thị trường. Nói thật, lúc ấy chẳng ai tin tôi đang mày mò làm nông nghiệp, họ nghĩ tôi đi tìm bối cảnh, đề tài... cho phim.

Rất may là những chuyến đi ấy giúp tôi phát hiện ra ngách của ngành nông nghiệp: thị trường dành cho các sản vật địa phương. Trải dài từ Bắc chí Nam có cơ man đặc sản. Làm thương hiệu cho sản vật địa phương là góp phần phát huy thế mạnh của địa phương, vừa tạo cơ hội cho người nông dân, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, cơ hội thành công rất lớn. Tôi nghĩ vậy và bắt tay vào việc.

* Và ông bắt đầu từ những con gà ác?

- Tôi đến Tiền Giang, phát hiện cái nôi của thị trường gà ác ở đây và quyết định thử sức bằng việc làm cho gà ác đạt chuẩn rồi đưa vào siêu thị. Nhu cầu sử dụng gà ác của người dân khá lớn nhưng chưa có đơn vị nào chuẩn hóa mô hình chăn nuôi này. Đó chính là thử thách lớn với tôi vì người dân không có khái niệm về quy trình và tiêu chuẩn chăn nuôi. Muốn đưa sản phẩm vào siêu thị, người nuôi phải tuân thủ quy trình, phải có giấy chứng nhận gà được tiêm phòng đầy đủ, chứng nhận kiểm dịch động vật...

Tôi ký hợp đồng với những người nuôi gà ác, tập hợp họ lại để hướng dẫn theo một quy trình nuôi đảm bảo sản phẩm hợp chuẩn ngay từ đầu nguồn, hoàn tất các thủ tục để được phép vận chuyển gà ác từ các hộ nuôi ở địa phương đến nơi giết mổ tập trung, rồi từ đây dùng xe đông lạnh chuyên chở đến các siêu thị, đưa đến tay người tiêu dùng. Big C là đơn vị đầu tiên mở cửa đón nhận gà ác của Công ty Tam Nông.

* Có vẻ như việc thử sức ở lĩnh vực nông nghiệp của ông khá dễ dàng?

- Đang vừa điều hành công ty, vừa tư vấn cho các chương trình truyền hình, thu nhập của tôi lúc đó rất cao, nhưng đổ tiền, đổ sức đi làm nông nghiệp, những ngày đầu tôi bán được khoảng... 40 con gà/tháng. Doanh thu không đủ để in bao bì sản phẩm. Gia đình tôi cũng sốc trước quyết định của tôi, nhưng khi tiếp xúc với bà con nông dân, tôi thấy họ vô cùng hứng thú với dự án của mình.

Có nhiều người nói với tôi rằng, dự án sẽ là giải pháp để họ không phải loay hoay chăn nuôi manh mún như hiện tại. Họ cầm tay tôi hỏi: "Có thật là chú làm được không?". Câu hỏi ấy mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc và cả quyết tâm.

Hai năm sau, số lượng tiêu thụ của Tam Nông tăng trưởng 200%. Không chỉ có gà ác, chủng loại sản phẩm của chúng tôi mở rộng hơn, còn có gà ta, bò tơ Củ Chi, gà Hmông, bồ câu... Dù sản phẩm nhiều nhưng Tam Nông vẫn xoay quanh cái trục chính là sản vật địa phương.

Chúng tôi cũng chuẩn hóa được quy trình liên kết với nông dân, có chuỗi hệ thống trang trại, lò giết mổ riêng... để hoàn thiện mô hình của mình. Vậy nên nói việc thử sức ở lĩnh vực nông nghiệp của tôi khá dễ dàng thì chắc chắn là không đúng, nhưng tôi không nghĩ là khó, một khi mình đã quyết tâm.

Thương phẩm vịt trời và nỗi niềm thực phẩm sạch

Đầu tư trang trại ở bên dòng sông Sêrêpôk huyền thoại, ông lại có thêm cơ hội đắm mình với sông nước, rừng núi. Nhưng những ý tưởng sống cân bằng với thiên nhiên, tận hưởng trái ngọt từ thiên nhiên lại đem đến quyết tâm phải nuôi thêm nai, cá và... vịt trời. Thành công của những sản phẩm đầu tiên, đậm chất ẩm thực Việt Nam, giúp ông tự tin hơn với những ý tưởng "không giống ai" của mình.

* Tự nhận mình là người "cả thèm chóng chán", khi nào thì ông "chán" Tam Nông?

- Khi bước chân vào lĩnh vực này, tôi có được nhiều niềm vui trong suốt hành trình của mình. Hiện đại hóa nông nghiệp là vấn đề vẫn còn rất mới. Càng dấn thân, trước mắt tôi càng mở ra nhiều con đường nhỏ khác nên chưa thấy điểm dừng. Như việc đầu tư trang trại ở bên dòng sông Sêrêpôk, Đắk Lắk, tôi có cơ hội nuôi thêm nai, vịt trời, cá...

Cải tạo khu đất cằn thành trang trại, tôi cũng tranh thủ quy hoạch để trang trại có thể đón chân khách du lịch, tạo cho họ hứng thú với mô hình trải nghiệm đời sống nông dân, hưởng cái thú ngủ chòi, nghe gió hát, ngắm trăng lên, sâm cầm vỗ cánh... bên dòng Sêrêpôk huyền thoại...

Tính đến nay, du lịch Buôn Ma Thuột chỉ có mỗi Buôn Đôn là điểm tham quan và nơi ấy cũng đã phần nào bị bê-tông hóa. Tôi muốn gầy dựng một điểm đến mới cho du lịch quê nhà, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho người dân khu vực này. Nghĩ đến điều đó, tôi thấy sảng khóai lắm!

Nhiều khi buông bỏ công việc, tôi chạy xe một mạch từ Sài Gòn về Đắk Lắk chỉ để nằm ngắm mây trời, sông nước, nghe tiếng vịt đồng kêu..., mới thấy, chất "nông thôn" trong tôi còn rất mãnh liệt và nó giúp tôi gắn bó với đồng ruộng, người nông dân trong thời gian rất dài nữa!

* Vậy thì việc đảm nhiệm thêm chức vụ Giám đốc Công ty Đông Bắc Á cũng là một con đường nhỏ khác?

- Cũng có người bảo tôi "ngông" và không hiểu chuyện khi đầu tư nhà máy chế biến, đóng hộp các món đặc sản Việt, bởi khi đã nói đến thực phẩm đóng hộp thì phải là đồ Tây. Nếu bảo là "ngông" thì tôi cũng muốn "ngông" một lần để mang đến thêm sự chọn lựa cho người tiêu dùng.

Tôi muốn những món ăn truyền thống, làm từ công thức của các bà mẹ Việt Nam có thể tiện dụng hơn để phục vụ nhịp sống công nghiệp. Đó là lươn xào nghệ, vịt om sấu, chân giò hầm đu đủ, cá thu kho tộ... được đóng trong hộp vừa đủ cho hai người dùng.

Với tôi, đây là dự án đầy thử thách vì ngoài đầu tư dây chuyền, thiết bị... còn phải giải quyết bài toán cân đối khẩu vị. Ba miền Bắc, Trung, Nam có ba "gu" ẩm thực khác nhau. Khác với kinh doanh nguyên liệu tươi sống, những món ăn đóng hộp nếu không đáp ứng được nhu cầu của số đông, không giữ được đặc tính vùng miền của chính món ăn đó thì sẽ thất bại.

Nếu làm không khéo, mục đích tôn vinh món ngon Việt của tôi còn có thể bị tác dụng ngược. Chưa kể, sức ỳ của thị trường ở mảng này là khá lớn. Như đã nói, người tiêu dùng thường chỉ nghĩ đến món Tây đóng hộp như giăm bông, xúc xích, pa-tê... Các siêu thị khá chào đón sản phẩm của Đông Bắc Á và hướng xuất khẩu thì đã có đơn hàng như dự định nhưng tôi vẫn chưa thực sự hài lòng.

Tôi vẫn đang tích cực đầu tư cho khâu nghiên cứu, phát triển, cải tiến sản phẩm... Vui hơn nữa, sắp tới, tôi sẽ cung cấp thương phẩm vịt trời cho một số siêu thị tại TP.HCM. Tôi muốn chứng minh rằng, dù "chim trời, cá nước" nhưng nếu biết nuôi dưỡng và cân bằng thì sẽ luôn được hưởng trái ngọt từ thiên nhiên ban tặng.

* Món ăn Việt là sản phẩm doanh nghiệp nào cũng có thể kinh doanh nếu họ thấy được tiềm năng của thị trường, ông có sợ bị cạnh tranh?

- Chưa bao giờ tôi sợ bị cạnh tranh. Ngày trước, khi Tam Nông mới hình thành, thị trường đã có nhiều doanh nghiệp đi trước. Nếu sợ, tôi đã không làm. Thị trường mà, cạnh tranh là đương nhiên, miễn mình tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí đã đề ra thì sẽ đạt kết quả tốt.

Với Tam Nông, Đông Bắc Á hay bất cứ doanh nghiệp nào tôi điều hành đều chỉ có một tiêu chí duy nhất là sự tử tế. Tôi tâm niệm, kinh doanh phải bằng sự tử tế, với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra. Kinh doanh thực phẩm lại càng cần sự tử tế.

* Nhưng kinh doanh thực phẩm rất dễ dính tai tiếng, ông đã bao giờ phải đối mặt với tai tiếng?

- Ngành nào cũng có thể vướng những điều tiếng không hay. Trước đây, với thực phẩm tươi sống và đông lạnh, tôi lo một thì khi sản xuất đồ hộp, tôi lo mười. Nhưng rồi lại nghĩ, mình vẫn đang làm tốt quy trình, nghĩa là đã kiểm soát được nguồn gốc của nguyên liệu. Còn máy móc, thiết bị chế biến và đóng hộp cũng đã đạt những tiêu chuẩn kiểm nghiệm khắt khe của thế giới trước khi tôi nhập về. Cái còn lại chỉ là con người.

Cũng như kinh doanh, tôi điều hành doanh nghiệp bằng sự tử tế. Khi làm tốt, mình là người hưởng lợi đầu tiên, sau đó mới đến những người xung quanh, rồi cộng đồng. Lúc này, sự tử tế trở thành sự chia sẻ, cộng hưởng và tạo nên sức mạnh. Tôi vẫn tin mình không phụ người thì người cũng sẽ không phụ mình.

* Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ ung thư không ngừng tăng cao, và một trong số nguyên nhân là thực phẩm không an toàn tràn ngập thị trường. Nhận định của ông về vấn đề này?

- Tôi nghĩ, việc kinh doanh thực phẩm "bẩn" hay thực phẩm không an toàn, có nguy cơ tác hại đến sức khỏe người dùng hiện nay xuất phát từ cả hai phía, khách quan và chủ quan. Có những người không ý thức được điều mình làm gây hại cho cộng đồng, nhưng cũng có những người cố tình làm điều đó vì cái gọi là thỏa mãn tâm lý người dùng, an toàn cho thu hồi vốn, dễ dàng trong làm giàu...

Là người trong ngành, tôi biết, không quá khó để có được thực phẩm tốt, "sạch" cho cộng đồng. Nên nếu xuất phát từ chủ quan, tôi nói thẳng, sản xuất thực phẩm "bẩn" là điều khốn nạn tột cùng. Đó là đầu độc cộng đồng, tự đầu độc nhau, là tội ác. Vấn đề là vẫn chưa có nhiều sự tử tế trong kinh doanh nên buộc người dùng phải tỉnh táo để có lựa chọn tốt hơn, tự bảo vệ mình.

* Vậy, con đường "tử tế” của ông liệu có dễ bị áp đảo bởi những cái không tử tế xung quanh với số lượng nhiều hơn gấp nhiều lần?

- Tôi biết mình phải làm gì khi đi trên con đường đã chọn. Hội nhập ngày càng sâu rộng, tồn tại trong cạnh tranh đã khó, lấy được thị trường càng khó hơn. Làm sao để không bị xem là "cá mè một lứa" lại càng không dễ!

* Cảm ơn ông về những chia sẻ.

PHƯƠNG QUYÊN