clock

Văn Hóa

11:27 15-09-2015

Đọc sách, tìm mình

Là người "nghiện" đọc sách từ nhỏ, tôi tìm thấy sự hứng khởi với kho kiến thức vô tận trong thế giới sách.

Còn nhớ lúc nhỏ, mỗi lần đi ra thư viện trường đọc sách là y rằng tôi "ngồi đồng" đến khi thư viện đóng cửa mới về, đến nỗi cô giáo trực thư viện đã "du di" cho mượn về nhà đọc vì hồi đó thư viện trường không được phép cho mượn sách về nhà đọc như hiện nay.

Tôi đầu quân về Công ty CP Bạch Tuộc Số, một doanh nghiệp chuyên sản xuất, phát hành trò chơi trực tuyến. Công việc hiện tại mang lại cho tôi rất nhiều bạn, những đối tác trong mảng dịch vụ internet và những ý tưởng kinh doanh mới mẻ. Chúng tôi biết mình còn non trẻ so với các công ty có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành nhưng vẫn tự tin đặt ra mục tiêu xây dựng Bạch Tuộc Số trở thành nhà sản xuất, phát hành trò chơi trực tuyến hàng đầu Việt Nam trong 5 năm tới.

Tôi luôn có hứng thú với các đầu sách kinh tế và quản trị vì chúng có ích cho nghề nghiệp tôi theo đuổi. Tôi gần như tham khảo hết tủ sách Cẩm nang kinh doanh của Harvard, nó như một kho tàng kiến thức về kinh doanh, giúp ích cho những người làm công việc như tôi cũng như định hướng cho các bạn trẻ có mơ ước khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh hoặc tham gia vào các vị trí quản trị ở các doanh nghiệp.

Công việc đòi hỏi tôi phải mở rộng phạm vi hoạt động, hướng đến tác động lên tổ chức ở mặt cơ cấu, con người, và rất mừng là tôi đã có kim chỉ nam là cuốn Coaching and Mentoring (tạm dịch: Huấn luyện và truyền kinh nghiệm), một đầu sách trong bộ Cẩm nang kinh doanh Harvard. Một người bạn của tôi ở Malaysia đã gửi tặng cuốn sách này nhân dịp chúng tôi gặp nhau trong một chuyến công tác cho dự án chung tại Penang. Với khoảng 170 trang sách, Coaching and Mentoring chú trọng đến việc cung cấp các kiến thức cơ bản về chủ đề phát triển nguồn nhân lực trong tổ chức như đánh giá năng lực thực hiện, đào tạo và khen thưởng.

Sách đề cập hai hoạt động tương tác chính: Huấn luyện và truyền kinh nghiệm, cho người đọc hiểu rõ từ công tác chuẩn bị, đưa giả thuyết về các vấn đề, các thói quen cố hữu không thể thay đổi đến lập kế hoạch hành động, quá trình theo dõi cải tiến hay cách thức trở thành người huấn luyện, truyền kinh nghiệm hiệu quả trong tổ chức...

Thú thật, trước khi làm công tác liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, tôi không hiểu giá trị của việc huấn luyện và tham vấn. Điều này thật nguy hiểm! Giống như bạn có chiến mã trong tay nhưng khi không còn việc cần đến chiến mã thì nó không thể giúp bạn kéo cày hay tham gia tạo các giá trị hữu ích khác. Với kiến thức cơ bản từ cuốn sách, tôi tự tin triển khai việc huấn luyện trong tổ chức và thiết lập hệ thống đánh giá huấn luyện hiệu quả. Hiện, đây là một trong những cuốn sách nằm ở vị trí trang trọng trong tủ sách quản trị tại công ty tôi.

Một hình ảnh rất thường thấy ở các nước phát triển là mọi người đều tranh thủ đọc sách trong thời gian rảnh như trên tàu điện, xe buýt, ở công viên..., còn ở Việt Nam, việc đọc sách, nhất là ở người trẻ, vẫn không phổ dụng bằng đọc... màn hình điện thoại. Điều này cũng dễ hiểu bởi các khu vực công cộng ở Việt Nam như công viên, quảng trường đi bộ... chưa hoàn thiện, hệ thống giao thông công cộng chưa thuận lợi để mọi người có thể mang theo sách và đọc mọi lúc, mọi nơi. Bản thân tôi cũng không đọc sách nơi công cộng, thường chỉ đọc vào cuối tuần và không gian đọc cũng là ở nhà hoặc quán cà phê.

Sách là kho kiến thức chung, ai cũng có thể tiếp cận. Tuy nhiên, cùng một kiến thức nhưng không phải cách áp dụng đều như nhau. Tôi nghĩ, để phát huy giá trị của sách, chúng ta cần vận dụng linh hoạt vào thực tế, không nên theo một khuôn mẫu nào cả. Hãy phát triển thêm kiến thức cơ bản, tổng quan trong sách để áp dụng vào hoàn cảnh thực tế. Tôi mê sách nhưng ngoài việc đọc có chọn lọc tôi còn mở rộng mạng lưới quan hệ của mình để có thể học được từ những "cuốn sách sống". Việc dung hòa giữa hai nguồn kiến thức này đã giúp ích cho bản thân tôi rất nhiều.

 

PHAN MINH CHIẾN - Trưởng đại diện công ty CP Bạch Tuộc Số