clock

CEO Thế Giới

22:21 15-11-2016

Donald Trump: Hứa thật nhiều, sẽ làm được bao nhiêu?

Chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trong cuộc đua trở thành ông chủ Nhà Trắng tiếp tục mang tới nhiều bất ngờ khó lường với nước Mỹ và cả thế giới

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, một người chưa từng nắm một chức vụ nào trong chính phủ hay quân đội đã trở thành Tổng thống. Là một “ngựa ô” bị chỉ trích gay gắt bởi nhiều lãnh đạo của cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ, ứng viên của đảng Cộng hòa là tỉ phú 70 tuổi Donald Trump đã bất ngờ giành chiến thắng trước cựu Ngoại trưởng đầy kinh nghiệm Hillary Clinton trong cuộc bầu cử ngày 9.11, vượt qua tất cả dự đoán của những cơ quan truyền thông uy tín nhất. Câu hỏi lớn nhất hiện nay: Trump sẽ là một tổng thống như thế nào?

Câu trả lời của thị trường

Những diễn biến gần đây của thị trường cho thấy một phần câu trả lời. Từng sụt giảm mạnh khi vừa có kết quả bầu cử tổng thống, các chỉ số Dow Jones, S&P 500, Nasdaq đã nhanh chóng phục hồi và thậm chí Dow Jones còn lập kỷ lục mới với 18.808 điểm. Ở châu Á, chỉ số Nikkei, Hang Seng và Shanghai Composite cũng chứng kiến sự phục hồi tương tự, riêng Nikkei còn đạt mức cao nhất trong 9 tháng qua. Vì sao sau một thời gian dài đặt kỳ vọng vào chiến thắng của bà Hillary Clinton, các nhà đầu tư lại dễ dàng “bỏ qua” cho Trump như vậy?

Ý kiến chung của các nhà bình luận là: Trump có thể từng đưa ra nhiều phát ngôn thiếu suy nghĩ thấu đáo khi vận động tranh cử, nhưng trong tuyên bố thắng cử, ông đã có vẻ “dịu giọng” và xét cho cùng, nhiều chính sách của ông có lợi cho giới doanh nghiệp và đầu tư (giảm thuế doanh nghiệp và thu nhập cá nhân, bỏ thuế di sản, bỏ bớt các đạo luật kiểm soát Wall Street như Dodd-Frank…).

Để biết Trump sẽ hành động thế nào, cần hiểu thêm về cán cân quyền lực trong Chính phủ Mỹ. Có nhiều người đã cho rằng, việc Đảng Cộng hòa cùng lúc kiểm soát Nhà Trắng, Quốc hội và sắp tới có thể là cả Tòa án Tối cao đồng nghĩa với việc các chính sách của Trump sẽ dễ dàng được thông qua bởi Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế là Trump vẫn bị nội bộ Đảng Cộng hòa xem là một nhân vật “ngoài luồng” và ông cũng từng có nhiều mâu thuẫn với các nhân vật chủ chốt khác của đảng này như Phát ngôn viên Hạ viện Paul Ryan và các Thượng nghị sĩ John McCain, Lindsey Graham. Việc Trump liên tục chỉ trích các hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), cũng đi ngược lại với đường lối chính thống trước nay của đa số thành viên đảng Cộng hòa. Ngoài ra, cũng có không ít khả năng nhiều chính trị gia khác trong đảng Cộng hòa đang nuôi tham vọng tranh cử năm 2020 và sẽ không ngại đối đầu với Trump để “ghi điểm” trước nếu vị tổng thống này hành động sơ sẩy. 

Do đó, có thể xảy ra một nghịch lý là Trump sẽ xoay sang tìm kiếm sự ủng hộ từ phía các nghị sĩ đảng Dân chủ, đặc biệt là Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, đại diện bang New York, vốn được xem là nhân vật quan trọng nhất hiện nay của đảng này trong Quốc hội. Từ nhiều năm nay, Schumer đã liên tục tìm cách trừng phạt Trung Quốc về hành vi thao túng tiền tệ và Trump cũng ủng hộ điều này. Do đó, hoàn toàn có thể cho rằng mối quan hệ này sẽ dẫn tới một “liên minh” khác thường giữa Trump và Đảng Dân chủ. Điều đó có thể cũng sẽ khiến Trump “hạ nhiệt” trong các vấn đề như bãi bỏ luật kiểm soát tài chính Dodd-Frank và luật bảo hiểm y tế Obamacare. Tóm lại, giữa Quốc hội và Nhà Trắng vẫn sẽ tồn tại khá nhiều khả năng xảy ra mâu thuẫn chứ không đơn giản đồng thuận một chiều như nhiều người nghĩ. Do đó, các chính sách mà Trump từng hứa hẹn sẽ không bảo đảm 100% trở thành hiện thực. 

Vị CEO - Tổng thống

Dân Mỹ muốn phá bỏ những sinh hoạt chính trị theo lối mòn cũ để tiến tới một cuộc cải cách rộng lớn. Ứng viên Donald Trump đã là biểu tượng và hy vọng đáp ứng được những thay đổi cho nước Mỹ và đã chiến thắng. Tuy nhiên, liệu Tổng thống Trump và doanh nhân Trump sẽ có phong cách lãnh đạo khác nhau hay không vẫn rất khó đoán. Một trong những điều làm nhiều người cảm thấy lo ngại là Trump rất “tiền hậu bất nhất”. Các phát biểu của Trump thường xuyên cho thấy việc thay đổi quan điểm quá nhanh, có khi thay đổi tới 180 độ chỉ trong vòng 24 tiếng. Theo thống kê của NBC, Trump đã có tới 141 lần thay đổi quan điểm kể từ khi ông tuyên bố tranh cử Tổng thống từ tháng 6.2015 tới nay.

Như vậy, tính bình quân mỗi tuần Trump lại có 2 lần thay đổi quan điểm. Chẳng hạn, Trump từng nhiều lần cho biết sẽ tìm cách mạnh tay cắt giảm nợ công hoặc đàm phán lại với các chủ nợ, nhưng tới tháng 9, một trợ lý thân cận của Trump là Tom Barrack lại cho biết rằng các chính sách của Trump sẽ dẫn tới việc đi vay thêm 10.000 tỉ USD và tự tin cho biết đây là điều tốt cho nước Mỹ.

Donald Trump: Hua that nhieu, se lam duoc bao nhieu?
Thị trường châu Á có những biến động tiêu cực trước chiến thắng của Donald Trump. Ảnh: bwbx.io

Về năng lực điều hành kinh tế, nhiều người lạc quan cho rằng một doanh nhân tỉ phú như Trump sẽ mang lại tăng trưởng mạnh mẽ cho nước Mỹ, thông qua các kinh nghiệm thương trường của ông. Đó cũng là điều nhiều người dân Ý từng kỳ vọng khi họ 3 lần bầu tỉ phú Silvio Berlusconi vào vị trí Thủ tướng của nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới, sau các thành công của ông trong lĩnh vực bất động sản và truyền thông (tương tự như Trump). Tuy nhiên, sau tổng cộng 9 năm làm Thủ tướng (điều chưa có nhà lãnh đạo nào khác của nước Ý làm được trong 70 năm qua), các chính sách của Berlusconi rốt cuộc vẫn không đem lại kết quả khả quan nào, nếu không muốn nói là có thể đã làm cho mọi việc tồi tệ hơn. 

Giữa Berlusconi và Trump có nhiều điểm tương đồng về xuất thân, tính cách và hành vi. Thế nên, những thất bại của Berlusconi không khỏi làm dấy lên nhiều câu hỏi liệu Trump có thể mang tới tăng trưởng 4% và tạo ra thêm 25 triệu việc làm như ông đã hứa hẹn hay không. Dĩ nhiên, bị thường xuyên so sánh với Berlusconi cũng có thể giúp Trump “tự nhìn lại mình” và hạn chế bớt các hành vi quá đà. Rất nhiều lá phiếu ủng hộ Trump đến từ những người dân thu nhập thấp nổi giận trước các mặt trái của toàn cầu hóa. Nếu ông không bảo đảm được các cam kết về tăng trưởng kinh tế và việc làm như đã hứa thì gió sẽ dễ dàng đổi chiều.

Nhà tỉ phú New York đã hứa sẽ tái lập sự hùng mạnh cho Mỹ, nhưng điều này có nghĩa là phục hồi thịnh vượng cho dân Mỹ, chứ không phải theo hướng nước Mỹ có trách nhiệm với những vấn đề của thế giới. Nói cách khác, với Trump làm tổng thống, Mỹ có thể sẽ thu mình lại, đi theo hướng chủ nghĩa biệt lập. Chỉ còn hy vọng với tính quyết liệt và sự khôn ngoan của một nhà buôn, Trump có thể có những quyết định thực tiễn và làm được một số thương lượng có lợi cho nước Mỹ.

Trong kế hoạch 100 ngày đầu tiên, Trump đã thẳng thừng tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội sẽ không dễ gì chấp nhận ý định này. Một điều khác cần phải nhớ là chiến thắng của Trump và đảng Cộng hòa phụ thuộc khá nhiều vào lá phiếu từ khu vực nông thôn và hầu hết các hiệp hội nông nghiệp/chăn nuôi tại Mỹ đều đã lên tiếng ủng hộ TPP. Các nước thành viên TPP cũng đang đóng góp tới 42% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Mỹ. Một trong những đề tài được tranh luận gay gắt nhất trên bàn đàm phán TPP là việc mở cửa cho nông sản Mỹ vào thị trường Nhật. Do đó, việc Trump có thực sự sẽ xóa bỏ TPP hay không cũng không thể dễ trả lời, ngay cả đối với Trump.

Một vấn đề thương mại đáng quan tâm nữa là Trump sẽ hành xử như thế nào với Trung Quốc. Trong kế hoạch 100 ngày, Trump ghi rõ là sẽ quy Trung Quốc vào nhóm quốc gia có hành vi thao túng tiền tệ (currency manipulation), điều mà chưa Tổng thống nào làm từ năm 1994 tới nay, tạo điều kiện cho các đòn trừng phạt về thương mại. Trump từng tuyên bố sẽ áp mức thuế tới 45% lên tất cả hàng hóa nhập từ Trung Quốc, nhưng thực ra thì điều này cũng không nằm trong quyền hạn của Tổng thống. Mặc dù Trung Quốc đang phụ thuộc vào Mỹ hơn là chiều ngược lại (kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm 4% GDP Trung Quốc, còn xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 0,67% GDP của Mỹ), nhưng theo đánh giá của Wall Street Journal, Trung Quốc có thể “phản pháo” bằng các đòn trừng phạt nhắm vào những tập đoàn lớn của Mỹ trong các lĩnh vực chủ chốt như hàng không, sản xuất ô tô và nông nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn Mỹ phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc, và sự thật là rất nhiều hàng hóa mang thương hiệu Trump cũng được “Made in China”. Các thành trì của Đảng Cộng hòa như Texas, Alaska, Nam Carolina hay Alabama cũng có một phần rất đáng kể kim ngạch xuất khẩu đến từ Trung Quốc. Việc khởi động một cuộc chiến tranh thương mại với thị trường đông dân nhất thế giới chắc chắn không phải là điều mà nhiều doanh nghiệp lẫn chính trị gia Mỹ mong muốn. Do đó, có nhiều khả năng là Trump sẽ thay đổi quan điểm về điều này.

Thế giới vẫn còn những khó lường

Chính quyền Trump sẽ phải đối phó với những vấn đề hết sức khó khăn để thực hiện lời hứa tranh cử: xây bức tường ngăn di dân giữa Mỹ và Mexico và buộc Mexico phải trả tiền; giải quyết và trục xuất 11 triệu di dân không có giấy tờ hợp lệ; cải tổ bảo hiểm y tế, lập chương trình mới thay thế cho Obamacare; đánh bại ISIS (Tổ chức Nhà nước Hồi giáo), trừng phạt Iran, giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Libya và Syria, chế tài kinh tế đối với Trung Quốc; đàm phán lại Hiệp ước NAFTA và TPP, trấn an các đồng minh ở châu Âu và châu Á…

Tỉ phú bất động sản Donald Trump có thể hiện được tài năng lãnh đạo nước Mỹ? Ảnh: golfdigest.com
 

Với một thế giới đầy phức tạp như vậy nhưng ông Trump lại thể hiện là một lãnh đạo thiếu kinh nghiệm, nóng nảy và hiếu thắng. Những nhược điểm này của ông Trump khiến kinh tế thế giới thấp thỏm và phỏng đoán như New York Times bình luận: “Lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến III, cử tri Mỹ lựa chọn một tổng thống nhiều khả năng sẽ làm đảo lộn trật tự quốc tế được những người tiền nhiệm thuộc cả hai đảng duy trì trong hàng chục năm qua, bằng cách dựng lên những bức tường theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nhằm cô lập nước Mỹ”.

Về mặt đối ngoại, hiện vẫn chưa rõ liệu Trump có thực tâm theo đuổi các chính sách theo hướng chủ nghĩa biệt lập (isolationism) như ông đã hứa hẹn hay không, hay tạo điều kiện cho sự trở lại của các chính sách can thiệp mạnh tay như thời G.W Bush. Phó Tổng thống Mike Pence, cũng như những ứng viên tiềm năng cho các vị trí Bộ trưởng Ngoại giao (Newt Gingrich, Bob Corker, John Bolton) và Bộ trưởng Quốc phòng (Jeff Sessions, Jim Talent), đều là những người có quan điểm thuộc nhóm “diều hâu”. Vì vậy, những ai đang hy vọng rằng chính phủ của Trump sẽ không có can thiệp quân sự tại nước ngoài như các chính phủ trước đây có thể sẽ gặp phải bất ngờ.

Bên cạnh đó, một số quan điểm của Trump về các mối quan hệ đồng minh chiến lược hiện tại của Mỹ cũng đã gây ra nhiều tranh cãi. Việc Trump từng bày tỏ ý định buộc các nước thành viên khác trong khối NATO phải gia tăng mức đóng góp nếu muốn tiếp tục nhận sự hỗ trợ của Mỹ đã gây bất đồng sâu sắc. Nếu Trump cứ giữ quan điểm cũ thì chắc chắn sẽ dẫn tới sự bất mãn của các nước thành viên còn lại, và có thể dẫn tới nhiều biến động khó lưởng về địa chính trị tại châu Âu. 

Bản thân châu lục này cũng đang có nhiều mâu thuẫn nội tại về tương lai của Liên minh châu Âu (EU) kể từ sau sự kiện Brexit. Chiến thắng của Trump đã được hoan hỉ đón nhận bởi các chính trị gia cánh hữu có tư tưởng bài xích EU như Marine Le Pen tại Pháp và Frauke Petry tại Đức. Bà Le Pen, người đang dẫn đầu các cuộc khảo sát tại Pháp cho vị trí Tổng thống trong cuộc bầu cử năm sau, đã chúc mừng Trump và người dân Mỹ được “tự do” sau bầu cử, và phó tướng Florian Philippot của bà này tuyên bố thêm: “Thế giới của bọn họ đang sụp đổ và thế giới của chúng ta đang được dựng xây”.

Tại Nga, nhiều người đã tỏ ra lạc quan về khả năng Trump sẽ loại bỏ dần các lệnh cấm vận mà Mỹ và EU đã áp đặt lên nước này kể từ sau các biến cố ở Ukraine hồi năm 2014, sau khi Trump nhiều lần đưa ra nhận xét tích cực về Tổng thống Nga Vladimir Putin và khả năng nối lại đàm phán với Moscow. Thị trường chứng khoán Nga cũng đã tăng điểm 2,2% ngay sau tin Trump thắng cử. Tuy nhiên, một Quốc hội Mỹ nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa có thể sẽ không mặn mà gì với ý tưởng dỡ bỏ cấm vận, nhất là khi đảng này từ trước đến nay luôn có thái độ rất cứng rắn với nước Nga. 

Bên cạnh đó, việc Trump muốn tăng cường hoạt động sản xuất dầu khí tại Mỹ có thể làm cho giá dầu khí toàn cầu khó có khả năng tăng trở lại và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế Nga, vì dầu khí vẫn chiếm tới 30% nguồn thu ngân sách và 60% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Về mặt quan hệ giữa Putin và Trump, Giáo sư quan hệ quốc tế Nina Khruscheva đã cảnh báo rằng thực ra 2 nhân vật này có cá tính quá giống nhau, nhất là ở khoản không nhường nhịn đối thủ, để có thể thực sự lại gần nhau. Đây cũng là quan điểm của Sergei Markov, một nhà phân tích có nhiều quan hệ thân thiết với điện Kremlin. Do vậy, quan hệ Mỹ - Nga có thể sẽ có nhiều diễn biến khó lường.

Ở châu Á, cam kết “xoay trục” mà Barack Obama đề ra nhiều khả năng cũng bị ảnh hưởng. Trump thậm chí còn từng cáo buộc Nhật đang lợi dụng Mỹ trong cam kết an ninh giữa hai nước để hưởng lợi và từng nêu ý định có thể rút các lực lượng quân Mỹ đang đồn trú tại Nhật và Hàn Quốc nếu 2 nước này không đóng góp thêm. Nếu kịch bản này xảy ra, có thể sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á, gây mất ổn định cho toàn khu vực. Không phải ngẫu nhiên mà báo chí của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã tỏ ra khá hoan hỉ với các phát biểu của Trump. Có lẽ do nhận ra rủi ro đầy nguy hiểm này, nên Trump đã có dấu hiệu thay đổi quan điểm. Theo thông báo ngày 10.11 từ Chính phủ Hàn Quốc, Trump đã gọi điện cho Tổng thống Park Geun-hye và hứa tiếp tục duy trì cam kết tiếp tục bảo vệ Hàn Quốc như hiện nay. 

Donald Trump: Hua that nhieu, se lam duoc bao nhieu?
 

Ngày 17.11 tới đây, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng sẽ gặp gỡ Trump tại New York để bàn bạc về tương lai của quan hệ liên minh Mỹ - Nhật. Lưu ý là ông Abe đang tích cực vận động thay đổi hiến pháp Nhật, trong đó có việc bãi bỏ Điều 9 (nước Nhật sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các tranh chấp quốc tế). Điều này đã gây ra nhiều quan ngại về tương lai các mối quan hệ ngoại giao của tam giác Nhật - Hàn - Trung, nhất là khi các nước này đều đang có tranh chấp lãnh thổ. Việc Trump có ủng hộ kế hoạch này của Abe hay không sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến địa chính trị khu vực Đông Á. 

Châu Á thích ứng trước thay đổi

Kỷ nguyên toàn cầu hóa của thế giới phẳng bắt đầu từ việc dịch chuyển nhà máy, nhân công từ các nước phương Tây sang các công xưởng mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ. Nhưng đây cũng chính là khởi phát cho những bất mãn sâu sắc của người dân phương Tây cũng như nước Mỹ. Vì thế, ứng viên Donald Trump đã thu hút một lượng lớn các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, cảm thấy bị đe dọa bởi những thay đổi đang xảy ra trong nước Mỹ: sự toàn cầu hóa, mất việc làm, tình trạng nhập cư ồ ạt... Bên cạnh đó, rất nhiều cử tri bỏ phiếu cho ông Trump là những thành viên đảng Cộng hòa vốn tức giận với chủ nghĩa tự do của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama. Dù không tin tưởng Trump nhưng quá lo ngại về viễn cảnh một chính quyền giống Obama khác, nên họ đã bỏ phiếu cho tỉ phú Trump.

Donald Trump: Hua that nhieu, se lam duoc bao nhieu?
 

Quan điểm chống thương mại hóa toàn cầu của ông Donald Trump khiến giảm sút triển vọng thực thi TPP, ảnh hưởng đến những lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn như dệt may, da giày và cả thu hút FDI... cản trở lớn cho viễn cảnh thương mại châu Á, trong đó có Việt Nam. Khi hàng rào bảo hộ hàng “made in USA” được dựng lên, những công xưởng Trung Quốc, Ấn Độ có thể tìm cách tràn sang các thị trường khác như Việt Nam... Đó là lý do tại Việt Nam, sau tin Donald Trump trúng cử, chỉ số chứng khoán VN-Index có lúc giảm đến hơn 19 điểm trước khi chốt lại cuối phiên ở mức 670 điểm, giảm hơn 6 điểm so với phiên trước đó. 

Quan điểm cứng rắn của ông Trump về bảo hộ sản xuất trong nước có thể sẽ khiến ông áp dụng các chính sách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ tất cả các đối tác thương mại. Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”, báo cáo của Công ty BVSC nhìn nhận. 

Với hệ thống chính trị của Mỹ, những thay đổi lớn như trong tuyên bố của Trump không phải là đơn giản. Nhưng một tổng thống thiên về bảo hộ như Trump rõ ràng sẽ làm mờ đi viễn cảnh của những nền kinh tế muốn xuất khẩu hàng vào thị trường Mỹ. “Châu Á sẽ được hưởng lợi ít hơn từ sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Các nhà xuất khẩu châu Á, đặc biệt là ở Bắc Á, đặc biệt dễ bị tổn thương vì từ lâu đã dựa vào nhu cầu bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng”, chuyên gia Deutsche Bank AG nhận định về xu hướng bảo hộ sẽ được chính quyền của Donald Trump dựng lên.

Tuy nhiên, thế giới cũng hy vọng Tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng ngày 20.1 năm tới sẽ có thái độ thực dụng hơn. Điều này lại phụ thuộc vào thành phần êkíp mà ông Trump sẽ thành lập trong thời gian tới. Khi phải đặt hy vọng vào người khác, rõ ràng, giải pháp tốt hơn cho các nền kinh tế châu Á là phải chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất để thích ứng kịp thời.

 

Nam Minh - Tuấn Minh

Nguồn Tổng hợp