clock

Bất Động Sản

06:18 20-02-2017

Dư địa nào cho các "ông lớn" ngành xây dựng?

Năm 2016, hai "ông lớn" trong lĩnh vực xây dựng là Hòa Bình và Coteccons đều có kết quả kinh doanh khả quan. Không riêng gì hai doanh nghiệp này, liên tục trong hai năm, 2015 - 2016, ngành xây dựng nói chung đạt mức tăng trưởng khá và nhịp độ này được các công ty nghiên cứu thị trường dự báo sẽ còn tiếp tục trong năm nay và những năm tiếp theo.

"Xông đất" với hợp đồng "khủng"

Sau Tết Đinh Dậu 2017, Công ty CP Xây dựng Coteccons - Coteccons (MCK: CTD) "xông đất" với việc trúng thầu liên tiếp nhiều hợp đồng lớn tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, cụ thể là giai đoạn 2 Hồ Tràm Strip, giai đoạn 2 khu nhà ở Diamond Island, khách sạn 5 sao Hilton Sài Gòn và Nhà máy Paihong, với tổng giá trị các gói thầu lên đến hơn 5.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, về phía Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (gọi tắt là Hòa Bình, MCK: HBC), trước khi bước vào năm 2017 đã liên tiếp ký được hợp đồng nhiều gói thầu với tổng giá trị 4.026 tỷ đồng, nâng tổng giá trị các công trình Hòa Bình trúng thầu lên 17.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số này có nhiều dự án lớn như DPT Residential do Công ty TNHH Đầu tư nhà phố - Khang Điền Group làm chủ đầu tư giá trị hợp đồng gần 1.000 tỷ đồng, Times Garden Hạ Long giá trị hơn 800 tỷ đồng...

Cùng với sự hồi phục của thị trường bất động sản cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 2 năm qua, kết quả kinh doanh của Hòa Bình lẫn Coteccons và toàn ngành xây dựng tăng trưởng khả quan.

Chẳng hạn, tại đại hội cổ đông năm 2016, ban lãnh đạo của Hòa Bình đề ra mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 7.200 tỷ đồng (tăng 42% so với năm 2015) và lợi nhuận sau thuế ở mức 252 tỷ đồng, song, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của Công ty cho thấy, cả năm, kết quả hoạt động tăng đột biến với doanh thu đạt 10.788 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ năm 2013 (năm 2015 đạt 5.132,8 tỷ, năm 2014 đạt 3.518 tỷ và 2013 là 3.432 tỷ đồng), đồng thời lợi nhuận sau thuế năm vừa rồi cũng ghi nhận hơn 571 tỷ đồng (so với 82,8 tỷ năm 2015 và 71 tỷ của năm 2014).


Sở dĩ trong năm 2015, lợi nhuận của Hòa Bình bị kéo giảm so với khối lượng công việc triển khai là do khoản lỗ ghi nhận từ công trình cao tầng Vietinbank Tower (giá trúng thầu thấp, mục tiêu thực hiện chủ yếu là khẳng định năng lực và thương hiệu Công ty) và tòa nhà SSG Tower (do thời gian thi công kéo dài hơn so với dự kiến).

Năm qua, doanh thu thuần của Coteccons đạt mức tăng trưởng hơn 50% so với năm 2015, đạt 20.783 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.422 tỷ đồng, tăng 113% so với năm trước đó và vượt xa kế hoạch mà đại hội cổ đông đặt ra là 16.500 tỷ đồng về doanh thu và 800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Việc duy trì được doanh thu và lợi nhuận ổn định ở mức cao của Coteccons trong nhiều năm qua (từ 2013) một phần do không phải vay tiền ngân hàng và tiền mặt dồi dào, ngược lại, từ tiền gửi mang về khoản thu đáng kể, như năm 2016, doanh thu tài chính tăng 35%, tương ứng 170 tỷ đồng nhờ vào số tiền mặt hơn 4.600 tỷ đồng gửi ngân hàng. Cũng cần nói thêm, để không vay nợ, Coteccons luôn khống chế mức cấu trúc vốn của mỗi công trình là 10 - 20% là vốn chủ sở hữu và 80 - 90% còn lại là ứng từ khách hàng.

Dù tham gia vào nhiều lĩnh vực từ xây dựng công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, nhà ở... nhưng sự hồi phục của thị trường nhà ở trong hơn 2 năm qua đã đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh của các "ông lớn" trong ngành. Như trường hợp của Coteccons, giai đoạn từ 2013 - 2015, mảng xây dựng chung cư tăng trưởng mạnh, ước tính 106%, chiếm 46% trong tổng cơ cấu doanh thu xây dựng. Và năm vừa qua, tỷ trọng mảng này ghi nhận hơn 50%.

Về phía Hòa Bình, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cho biết, năm 2016, cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh so với năm 2015. Đóng góp phần lớn vào mức tăng này xuất phát từ mảng nhà ở, chiếm trên 50%. Với đà này, trong năm mới, Hòa Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà ở (kể cả ở thị trường nước ngoài) vì nhu cầu về nhà ở là luôn có.

Mục tiêu mới

Song song với việc xác định lĩnh vực then chốt, đại diện Công ty Hòa Bình (thuộc nhóm 200 nhà thầu lớn nhất thế giới) chia sẻ những mục tiêu mới, theo đó, 2 năm 2014 và 2015, doanh thu ở mức 200 triệu USD/năm, riêng năm 2016 đạt 500 triệu USD và trong 2 năm tới, Công ty hướng đến mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu.

Cơ sở để các doanh nghiệp trong ngành xây dựng đặt mục tiêu cao và có phần táo bạo là do trong 2 năm qua, lĩnh vực này đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế (nằm trong 10 ngành có mức độ tăng trưởng cao).

Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2015, trong mức tăng 9,39% của ngành công nghiệp và xây dựng thì xây dựng vượt công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng, với mức tăng 10,82% (mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 và là ngành có tốc độ tăng trưởng cao thứ 3 trong số các ngành đóng góp lớn vào GDP cả nước - gần 50%). Đến năm 2016, tốc độ tăng của ngành ở mức 10%.

Theo dự báo của tổ chức nghiên cứu quốc tế Business Monitor International (BMI), tốc độ tăng trưởng thực trung bình của ngành xây dựng vào khoảng 6%/năm trong giai đoạn 2016 - 2024 (cao hơn mức 4,4%/năm từ 2013 - 2015).

Tuy dư địa tăng trưởng của ngành xây dựng vẫn còn nhưng theo báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, gần đây, mức độ cạnh tranh trong ngành xây dựng cũng không kém phần khốc liệt, ngoài các đối thủ truyền thống như HBC, Coteccons, Cofico, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) thì những doanh nghiệp với quy mô nhỏ hơn cũng muốn mở rộng thị phần như Descon, Dũng Tiến, An Phong, AGC..., đó là chưa kể đến một số đối thủ nước ngoài đang tìm cách giành lại thị trường như Posco, CSCEC.

Trong bức tranh chung của ngành, ngoài mảng xây dựng nhà ở, xây dựng hạ tầng cũng đang thu hút các nhà thầu trong và ngoài nước tham gia. Bởi hiện có hàng loạt dự án hạ tầng lớn từ vốn nhà nước, ODA lẫn các hợp đồng BT, BOT... đang và sắp triển khai.

Thậm chí, sự tăng trưởng của khu vực này còn hơn cả xây dựng công nghiệp - vốn được doanh nghiệp kỳ vọng khá nhiều (nhưng việc Mỹ tuyên bố dừng TPP tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam nên xây dựng công nghiệp được dự báo sẽ giảm).

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Coteccons cho biết, cùng với nhà ở, xây dựng công nghiệp là 2 mảng được Coteccons đặt trọng tâm nhưng sắp tới, Công ty sẽ có thêm những bước đi mới, phù hợp với tình hình phát triển của thị trường, như bước vào mảng hạ tầng để đón đầu những cơ hội từ lĩnh vực còn nhiều dư địa này.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông (đường bộ, sắt,...) với nhu cầu vốn khoảng 45 tỷ USD (950.000 tỷ đồng).

 
NGUYÊN BẢO