clock

Giáo Dục

06:58 12-09-2015

GS. Dương Nguyên Vũ: Ước mơ sinh viên không cần đóng học phí

Giáo sư Dương Nguyên Vũ trước đây là cố vấn khoa học cấp cao kiêm Chủ nhiệm Hội đồng Khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu không lưu châu Âu (Eurocontrol), nay giữ vị trí giám đốc Viện John von Neumann (JVN) thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Khó có thể đoán chính xác tuổi của vị giáo sư này bởi ông luôn xuất hiện với phong thái tươi trẻ và nụ cười thân thiện. Mấy tháng trước, ông còn hào hứng tham gia bơi lội, chạy bộ và đạp xe trong cuộc thi Ironman Vietnam tại Đà Nẵng. Ngoài ra, ông từng là một DJ chuyên nghiệp và quyến rũ khi chưa dành hết quỹ thời gian cho các nhà khoa học trẻ.

Chúng tôi gặp GS Dương Nguyên Vũ tại văn phòng làm việc. Ông vẫn trẻ trung và thoải mái trong trang phục quần jeans và áo sơmi như mọi ngày. Vừa pha bình trà thơm, ông vừa nói: “Giờ tôi mới chợt nhớ ra là sáng nay chưa kịp uống trà”

* Trên trang Facebook của ông mới đây có dòng chia sẻ: “Ước gì có một ngày giữa ngày thứ Bảy và Chủ nhật”. Vừa làm quản lý, vừa giảng dạy, hẳn là ông rất bận rộn?

- Đó chỉ là một câu nói vui vì sắp tới, tôi phải dạy thêm một lớp vào hai ngày cuối tuần. Thật ra, làm khoa học hay giảng dạy đều là niềm đam mê cả, nên tôi hầu như không thấy mệt cho lắm.

* Điều gì khiến ông gắn bó với công việc giảng dạy đến thế?

- Sinh viên là niềm tin, mơ ước của tôi và là tiềm năng của tương lai. Được dùng tri thức, đam mê của mình để tác động đến tương lai của thế hệ trẻ là trọng trách lớn lao mà người thầy giáo có được. Người giàu có đến mấy cũng không thể có được vinh dự ấy.

* Ông học âm nhạc từ nhỏ, nhưng lại chọn ngành kiến trúc khi vào đại học. Sau khi học xong, sự nghiệp của ông lại gắn với khoa học và trí tuệ nhân tạo. Mới nghe có vẻ như không xuôi chiều cho lắm?

- Lúc mới sang Pháp, tôi được nhận vào học đồng thời tại Trường Kiến trúc thuộc Học viện Mỹ thuật Paris và Trường Quốc gia cầu cống thuộc Viện Công nghệ Paris. Tôi chọn học kiến trúc vì đó là ngành tôi yêu thích. Nhưng một người nước ngoài muốn trở thành kiến trúc sư hàng đầu ở Pháp là không hề dễ dàng, nếu không tham gia các đảng phái chính trị thì càng khó khăn hơn. Sau khi suy nghĩ rất kỹ, tôi quyết định bỏ ngành kiến trúc – một quyết định khiến tôi đã vô cùng đau khổ. Còn chọn trí tuệ nhân tạo làm con đường sự nghiệp có lẽ là do… mưa!

* Nghe thật thú vị, vậy câu chuyện thế nào, thưa ông?

- Buổi chiều mà tôi hẹn gặp người thầy hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ về đồ họa máy tính thì trời mưa rất to. Thầy đến trễ nên tôi có dịp đọc cuốn sách về trí tuệ nhân tạo ở thư viện. Hiểu một cách đơn giản, trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực của khoa học và công nghệ nhằm làm cho máy tính có những khả năng trí tuệ của con người như biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp, thích nghi… Đi vào nghiên cứu sâu thì trí tuệ nhân tạo phức tạp hơn vì lý luận của con người có những mâu thuẫn và việc giải quyết các mâu thuẫn đó đểứng dụng vào lĩnh vực đồ họa, thiết kế kỹ thuật trở thành đề tài luận án tiến sĩ của tôi về sau.

Trở lại câu chuyện về cuộc hẹn, thấy tôi đang đọc cuốn sách về trí tuệ nhân tạo, thầy giáo liền hỏi tôi có thích thực tập về môn học ấy không? Tôi trả lời ngay: “Tại sao không?”. Sau đó, tôi được thầy giới thiệu đến một trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, nơi tôi vừa thực tập, vừa được trả lương và nhiều ưu đãi khác. Luận văn của tôi về trí tuệ nhân tạo được thực hiện thành công, mở ra một bước ngoặt trong sự nghiệp của tôi. Câu hỏi: “Tại sao không?” cũng đưa tôi đến nhiều quyết định lớn trong cuộc đời về sau.

* Trong đó có cả quyết định trở về Việt Nam năm 1997, phải không thưa giáo sư?

- Đúng vậy! Lần đầu tiên tôi về Việt Nam là năm 1994, khi đang làm việc cho Tập đoàn dầu khí Schlumberger. Trên chuyến bay từ Singapore hướng về Sài Gòn, tôi cảm thấy như dòng máu của mình đang hòa vào từng nhánh rẽ của những dòng sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi bật khóc và tự thấy mình có trách nhiệm trở về và làm một việc gì đó cho quê hương.

Ba năm sau, hay tin Viện Tin học Pháp ngữ Hà Nội cần người dạy về trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính, tôi đã chủ động gửi thư ngỏ ý muốn đảm trách nhiệm vụ này. Từ đó, tôi bắt đầu hành trình với khoa học và giáo dục trong nước.

* Năm ông quyết định trở về cũng là khoảng thời gian ông phát triển sự nghiệp khá tốt ở Eurocontrol. Ông không thấy tiếc nuối khi rời bỏ một nơi làm việc nhiều người mơ ước?

- Sao phải tiếc nuối khi tôi đang rất hài lòng với cuộc sống của mình ở quê hương? Có thể ngày xưa, tôi dễ dàng mua được một chiếc xe hơi thì nay tôi có thể mua được chiếc xe đạp cho mình. Nhưng nếu ngồi trên chiếc xe đạp tôi thích thì cảm giác hạnh phúc đâu kém gì ngồi trên chiếc xe hơi.

- Giờ đây, mỗi giây phút trong cuộc sống của tôi đều tuyệt vời. Tôi luôn tự nhủ hãy sống hết mình với những gì đang có, trong học tập và nghiên cứu, rồi những điều tốt đẹp sẽ đến. Tôi yêu cái sôi động, ồn ào, yêu cả cái nóng của Sài Gòn. Tôi quý mến những đồng nghiệp hết lòng vì công việc, những sinh viên trẻ nhiều hoài bão, đầy ước mơ, khát khao làm chủ bản thân và chinh phục khoa học. Tôi vui vì được làm những điều tôi đam mê mỗi ngày và có thể chơi thể thao lúc nào tôi thích…

* Hình như trong ông có một chút lãng mạn của tính cách Pháp?

- Sống lâu năm ở Pháp nên có lẽ tôi cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa, suy nghĩ, triết lý Pháp. Triết lý cuộc sống là chuỗi những câu chuyện thú vị và mỗi ngày chúng ta lại có những câu chuyện mới chẳng hạn. Về sự lãng mạn Pháp, tôi nghĩ mình cũng bịảnh hưởng ít nhiều.

* Người lãng mạn như ông mà lại rất thành công trong khoa học, một con đường tương đối khô khan…

- Khoa học không khô khan, mà trái lại, rất thú vị và đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng. Tôi cũng không thể trở thành thành viên của Hội đồng Khoa học về Nghiên cứu không lưu của Liên minh châu Âu nếu không có những sáng kiến trong khoa học.

* Và thật đáng tự hào khi sáng kiến “Bay tự do hơn” của ông đã giúp ghi tên Việt Nam vào ngành quản lý không lưu thế giới…

- Thời điểm tôi về làm việc cho Eurocontrol, hàng không châu Âu có khoảng 25 ngàn chuyến bay mỗi ngày nên rất dễ gặp tình trạng ùn tắc, hiểm nguy. Phong trào nghiên cứu về “Bay tự do” (Free Flights) đã đưa ra nhiều phương án để giải quyết ùn tắc trên không. Tôi đã nghiên cứu và đưa ra sáng kiến “Bay tự do hơn” (Freer Flights) để có thể phối hợp giữa phi công với radar của người kiểm soát không lưu cho việc điều khiển chuyến bay, vừa giảm được sức ép công việc cho không lưu dưới đất, giúp cho các chuyến bay trên vùng trời châu Âu và các nơi thiếu kiểm soát được an toàn hơn, rút ngắn đường bay, nâng tỷ lệ chuyến bay đúng giờ, góp phần giảm thiểu khí thải cho máy bay, giúp hãng hàng không tiết kiệm được chi phí khi phải đóng lệ phí khí thải theo quy định của EC. Sáng kiến này đã đưa tôi vào Hội đồng Khoa học của SESAR, cho đến thời điểm này, khi tôi đã về Việt Nam định cư, dành toàn tâm toàn ý cho Viện JVN.

* Được biết, định hướng của viện là tạo một môi trường để nghiên cứu sinh Việt Nam trở về nước sau thời gian học tập ở nước ngoài. Liệu họ có muốn trở về khi chỉ có một môi trường tốt chứ chưa thể có mức thu nhập xứng đáng?

- Trong một cuộc khảo sát với gần 500 sinh viên, nghiên cứu sinh và nhà khoa học Việt Nam đang học tập cũng như sinh sống tại khắp nơi trên thế giới, có đến 83% cho biết họ sẽ về nước đóng góp chất xám khi có môi trường làm việc tốt chứ không phải chỉ là vấn đề thu nhập. Kết quả của cuộc khảo sát này càng làm chúng tôi trăn trở rất nhiều về việc làm sao để tạo ra được một môi trường khoa học chuyên nghiệp, nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ cấp thiết, xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học theo phương pháp tiên tiến và chuẩn mực thế giới… Đó là lý do chính để Viện John von Neumann ra đời. Ai xa quê hương nhiều năm cũng khao khát trở về như tôi vậy. Nếu Việt Nam có thể tạo ra được các điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học trẻ trong việc tiếp cận kiến thức với chất lượng hàng đầu, mở ra cho họ các cánh cửa để có những cơ hội việc làm tốt nhất, ở trong nước cũng như quốc tế, và các bạn không phải lo lắng về tài chính cho việc học thì tôi tin rằng hiện tượng chảy máu chất xám sẽ không còn là nỗi lo của chúng ta.

* Trong khi chưa có sự kết nối đáng kể giữa doanh nghiệp và trường đại học thì một trung tâm nghiên cứu khoa học hoạt động không qua cơ chế xin – cho từ ngân sách nhà nước hẳn sẽ gặp những thách thức?

- Đúng là trong giai đoạn đầu, việc duy trì một nguồn tài chính ổn định cho viện khá chật vật, nhưng đến nay doanh nghiệp đã đồng hành với chúng tôi rất tốt. Việc hợp tác với doanh nghiệp và nghiên cứu ứng dụng được đưa vào trong đào tạo nên sinh viên có thể tham gia để góp phần giảm thiểu học phí. Hơn nữa, các chương trình đào tạo được thay đổi để mở rộng thêm cánh cửa tạo cơ hội việc làm cho sinh viên, chẳng hạn như doanh nghiệp đang rất cần những người có kỹ năng phân tích dữ liệu lớn thì sinh viên của chương trình cao học công nghệ thông tin của viện có thể đáp ứng nhu cầu này. Hoặc chương trình cao học tài chính tính toán định lượng sẽ tập trung về các kỹ năng quản trị rủi ro và thiết kế sản phẩm phái sinh để cho ra các chuyên gia về định chế tài chính, nghề đang có nhu cầu lớn trong xã hội.

* Hiện đã có nhiều doanh nghiệp trong nước trở thành đối tác chiến lược của viện chưa?

- Đối tác của Viện JVN hiện nay có cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài. Tuy nhiên, các hình thức hợp tác không giống nhau. Các công ty nước ngoài xem chúng tôi là đối tác chiến lược, là một dạng quan hệ hợp tác phong phú, trong đó thành phần, nội dung, hình thức, mức độ… hoàn toàn tùy thuộc vào sáng kiến của các bên. Mối quan hệ này có tính toàn diện và có giá trị tương đối lâu dài để đạt được mục đích đôi bên cùng có lợi. Còn các công ty trong nước thường chỉ hợp tác với chúng tôi theo từng dự án, họ đề ra nhiệm vụ và trả chi phí phù hợp để chúng tôi thực hiện, hầu như không có sự đồng hành để đôi bên cùng phát triển.

Đầu tư vào nghiên cứu khoa học qua hợp tác chiến lược với các trường đại học không những giúp phát triển khả năng sáng tạo đổi mới của công ty mà còn giúp nhà khoa học ở các trường đại học thoát khỏi cơ chế xin – cho trong nghiên cứu khoa học có sử dụng nguồn ngân sách hiện nay. Doanh nghiệp cần hiểu rằng nghiên cứu khoa học là một sự đầu tư lâu dài, càng chấp nhận mạo hiểm thì khả năng thành công càng lớn. Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á đang ngày càng mở rộng, việc cạnh tranh trên thương trường nhằm vào chất lượng sản phẩm là chủ yếu. Đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ là con đường chính để tạo nên những sản phẩm khác biệt, mang tính cạnh tranh. Nếu cứ mãi thụ động trong làm mới chính mình, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn rất lớn khi thị trường mở cửa.

* Qua năm năm thăng trầm, JVN ngày nay đã có nhiều cải tiến trong quản trị, chiến lược nghiên cứu, trở thành đối tác quan trọng của nhà nước và doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong kết nối doanh nghiệp với đại học. Ông đã hài lòng với kết quả hiện tại chưa?

- Dù viện đã đạt được một số thành tựu đáng kể nhưng giấc mơ của tôi vẫn chưa thực hiện được, đó là sinh viên đi học không cần đóng học phí và viện có những đề tài khoa học mang giá trị quốc gia. Niềm mong mỏi lớn nhất của tôi từ những ngày đầu thành lập viện là học viên đi học không phải trả tiền, chỉ cần đóng góp để nuôi thế hệ sau nếu có đủ điều kiện sau khi tốt nghiệp. Ngày xưa, tôi cũng là chàng sinh viên nghèo trên đất Pháp, mỗi tháng phải nhịn đói từ bảy đến mười ngày nên tôi muốn đời sống sinh viên ngày nay được cải thiện hơn, không phải lo lắng quá nhiều về vấn đề tài chính. Hiện nay, sinh viên của viện luôn được tạo điều kiện để có học bổng miễn giảm học phí nhưng số lượng vẫn là hữu hạn.

Còn những đề tài khoa học có giá trị quốc gia cũng là niềm mong đợi từng ngày của tôi. Trước đây, tư duy làm khoa học có nhiều cái khó liên quan đến cơ chế, chính sách. Đến nay, cơ chế mới đã được mở rộng thông thoáng hơn, hy vọng sẽ thúc đẩy và mở lối cho khoa học trong nay mai. Sắp tới, chúng tôi sẽ hợp tác với Trường Đại học Stanford (Mỹ) để đẩy mạnh tư duy đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Hy vọng những điều kiện thuận lợi này sẽ chắp cánh cho ước mơ của tôi mau chóng trở thành hiện thực.

* Bận rộn mà vẫn dành thời gian để luyện tập thể dục thể thao điều độ. Phải chăng đó là bí quyết để ông luôn phong độ và trẻ trung?

- Xin cảm ơn lời khen! Với tôi, thể thao là bài tập về tính kỷ luật. Tập thể thao là cách rèn luyện tính tuân thủ cái mình đã nói với mình, đó là cơ sở để mình sẽ tuân thủ điều mình đã nói với người khác. Thể thao cũng giúp tôi thư giãn sau thời gian mệt mỏi trên giảng đường và nghiên cứu khoa học. Cùng với thể thao, âm nhạc sẽ giúp cho tôi sung sức trở lại sau một ngày dài “chiến đấu” cùng sinh viên.

Tôi có thể miệt mài giảng dạy đến 12 tiết từ sáng đến tối không thấy mệt. Nhưng có lần trở về nhà, tôi đã quỵ ngã vì kiệt sức. Lúc ấy, âm nhạc và thể thao là động lực giúp tôi phục hồi năng lượng trở lại. Làm DJ cũng có nét giống như giảng dạy, đó là cách “truyền lửa” cho người khác. Khi làm DJ, tôi truyền cảm xúc, giai điệu cho người nghe. Còn khi làm giảng viên, tôi truyền kiến thức, đam mê cho sinh viên.

* Ông luôn cho rằng mình gặp nhiều may mắn vì những thứ ông muốn đều có được…

- Tôi ít khi dùng khái niệm may mắn. Tôi nghĩ là cuộc sống rất công bằng. Hãy cứ mở lòng cho đi những thứ mình có rồi mình sẽ nhận lại nhiều hơn những gì mình mong đợi. Người đời thường ham muốn quá nhiều, kiểu “được voi đòi tiên” thì lúc nào chúng ta cũng thấy mình đang thiếu cả, làm sao có được niềm vui?

Tôi có một “tật xấu” là không quan niệm tốt – xấu theo cách nhìn thường thấy ở mọi người. Một việc không trái với lương tâm của mình và không gây hại cho ai thì tôi không cho là xấu. Chẳng hạn như nhiều người cho rằng một giảng viên đại học như tôi mà làm DJ, uống rượu cùng bạn bè trong quán bar là không tốt. Còn với tôi, làm cho phụ nữ buồn mới là lỗi lầm khó tha thứ của người đàn ông.

* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị!

XUÂN LỘC/DNSGCT