clock

Giáo Dục

14:04 16-12-2015

GS Ngô Bảo Châu: ‘Tôi trưởng thành từ sự tự xấu hổ’

Mới đây, GS Ngô Bảo Châu đã có buổi giao lưu với học sinh hai trường THPT chuyên tại Nghệ An và sinh viên ĐH Vinh.

GS Ngô Bảo Châu chia sẻ, trò chuyện với học sinh, sinh viên tại ĐH Vinh. (Ảnh: Q.Quyên)

Thành công nhờ sự xấu hổ và thử thách

Buổi nói chuyện diễn ra ngày 14/12, trước câu hỏi về bí quyết đam mê làm việc và học tập với môn Toán - GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Tôi thích học Toán không phải ai truyền bí quyết mà từ việc mình từng thi trượt vào chuyên Toán. Khi ngồi vào bàn thử sức với các bài tập do không được học các bài toán mẹo, toán đố nên tôi không làm được. Sau nửa tiếng như vậy đành phải mở đáp án ra xem thì thấy dễ và tự xấu hổ với chính mình”.

Điều khiến GS Châu có thể giữ vững tình yêu Toán học là ham muốn vượt qua thử thách. Vì vậy, người học bắt buộc phải thích những bài toán khó.

Bí quyết đối mặt với thử thách, luôn đặt ra cho bản thân thử thách để vượt qua theo GS Châu không chỉ đúng ở Toán học, khoa học mà tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống.

GS chia sẻ có thời điểm bản thân cũng chán Toán. Đó là khi vào ĐH, chuyển từ Toán hóc búa sang Toán trừu tượng. Dù vẫn đạt điểm cao trong các bài thi nhưng ông thấy mình không hiểu gì.

Rời bỏ Toán nhưng sau ba tháng, để thực tập ở lĩnh vực Tin học nhưng khi được người thầy giỏi Toán cùng đọc và giảng giải những trang sách về Toán trừu tượng, chàng sinh viên năm thứ nhất nhanh chóng trở lại với đam mê Toán học.

Không dành tất cả thời gian cho Toán học, đôi lúc mệt mỏi, GS Ngô Bảo Châu quay lại lãnh đạo Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Đại học Chicago, Mỹ). Thời gian sau, ông chỉ dành 3-4 ngày làm toán.

GS Ngô Bảo Châu lưu ý, sự bất cần sẽ làm chết niềm say mê Toán học, vì vậy cần duy trì tính cẩn trọng và nghiêm khắc với chính mình.

Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở VN có khoảng cách

Theo GS Ngô Bảo Châu, trình độ học sinh ở trường chuyên Việt Nam thuộc top cao trên thế giới. Tuy nhiên, năng lực của họ bắt đầu đuối từ năm thứ hai bậc ĐH; lên đến thạc sĩ, tiến sĩ thì khoảng cách so với quốc tế "không thể nào san lấp".

Sự "thui chột" này trở thành băn khoăn của GS Ngô Bảo Châu: "Việt Nam có tiềm năng về con người nhưng không xây dựng được nền tảng tri thức, hệ thống trường đại học 'sánh vai cùng các cường quốc năm châu' như lời Bác Hồ căn dặn".

Dạy Toán tại ĐH Chiacago, Mỹ, ông ấn tượng về hệ thống xây dựng giáo dục ĐH của quốc gia này. Đặc biệt sinh viên tại đây có tính kỷ luật và rất nghiêm túc với việc học. Họ luôn đòi hỏi bài tập ở giảng viên và hoàn thành tốt khi được giao.

Môi trường ĐH tại Mỹ, theo GS Châu cho phép sinh viên học một số môn bắt buộc và những môn học được định hướng và tự chọn.

Tại đây sinh viên có bộ phận tư vấn mình nên học gì là thích hợp nhưng quyền chủ động vẫn ở họ.

Ông cũng chia sẻ một ví dụ nhỏ về chuyện học của sinh viên.

“Khi hỏi trắc nghiệm, kiến thức học sinh cấp ba của Mỹ thậm chí có phần kém học sinh lớp 7 ở Việt Nam. Nhưng lên ĐH, trình độ của họ phát triển tốt" - GS Châu nói.

Vị GS Toán học nổi tiếng nhận định, người Mỹ không thông minh xuất sắc, nhưng họ có phương pháp đáng để học.

“Có sinh viên ở lớp tôi dạy rất giỏi, các bài Toán ra luôn đạt điểm 10 nhưng khi hỏi thì em không phải dân chuyên Toán mà học triết học” – ông cho hay.

Thử so sánh với những nước gần Việt Nam, Hàn Quốc cũng là một ví dụ thần kỳ về sự phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có giáo dục được GS Ngô Bảo Châu nhắc đến với điển hình là ĐH Postech.

“Cách đây mấy chục năm, thời tổng thống Park Chung Hi có triệu tập chủ tịch tập đoàn Posco lên và hỏi ông có đồng ý nhận lời mở trường đại học do tập đoàn đảm đương không. Vị chủ tịch nói tôi cần một ngày để suy nghĩ nhưng Tổng thống nói ông chỉ có 5 phút suy nghĩ và phải trả lời là có.

Vị kia chấp nhận rồi chính ông là người sang Anh mời người mà sau về làm hiệu trưởng ĐH Postech. Với quyết tâm và cách làm đúng hướng, Postech hiện luôn là 1 trong 10 trường kỹ thuật tốt nhất thế giới hiện nay”.

Một ví dụ khác là Singapore, đất nước vừa kỉ niệm 50 năm thành lập chưa lâu. “Vậy nhưng ĐH Quốc gia Singapore của họ vẫn thường xếp hạng 20, 50 thế giới. Toán học của họ 10, 15 năm về trước là một đại lượng chưa cần nghĩ đến nhưng giờ thì khác” – GS Châu cho hay.

Từng gặp Chủ tịch Viện Nghiên cứu ứng dụng Singapore, người lập kế hoạch cải cách giáo dục ĐH của nước này, dù thời gian ngắn nhưng theo GS Châu phương thức của quốc gia này là: Đáp ứng nhu cầu đến trường và tập trung đẩy mạnh chất lượng khoa học (chúng ta còn yếu).

Theo Vietnamnet