clock

Trong Nước

06:11 08-12-2017

GS. Nguyễn Mại bày cách thu hút “đại gia” thế giới đầu tư vào Việt Nam

Tại Hội thảo Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tổ chức ngày 7/12, nhiều ý kiến góp ý Việt Nam xoá bỏ rào cản trong điều kiện kinh doanh, thay đổi chính sách thu hút doanh nghiệp FDI.

Ông Adam Stitkoff, Giám đốc Điều hành Amcham nhìn nhận, doanh nghiệp (DN) Mỹ quan tâm hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế Việt Nam. Điều này thể hiện qua việc đầu tư hàng tỷ USD, góp phần đưa Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Song, ông Adam cũng nêu đánh giá khách quan: “Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Trump đã góp phần làm nổi bật những cơ hội tuyệt vời dành cho các DN Mỹ tại Việt Nam. Nhưng, chúng ta thường thấy các khoản đầu tư không thực hiện được do những thách thức trong việc đối phó với tham nhũng cũng như các điều kiện cấp phép và môi trường pháp lý quá phức tạp, nhiều hạn chế và không rõ ràng”.

Đại diện Amcham bày tỏ mong muốn Việt Nam có những nỗ lực cải cách để tạo ra môi trường công bằng, cạnh tranh hơn. Đáng lưu ý là những vấn đề như: việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt vốn không được nhiều quốc gia trên thế giới khuyến khích; yêu cầu xác nhận việc công bố phù hợp các quy định an toàn thực phẩm gây tốn kém chi phí, đòi hỏi một đơn vị Việt Nam chỉ có thể làm việc với một cơ quan quảng cáo được cấp phép ở quốc gia này…

Thực tế, giới chuyên gia chung một nhận định rằng sau những “cảm xúc” ngoại giao và những hứa hẹn song phương, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở mức thăm dò.

Về nguyên nhân, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng những khiếm khuyết về xây dựng và thực thi chính sách, luật pháp, có tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thu hút FDI.

Ông Mại góp ý ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, internet vạn vật, điện toán đám mây… và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Cùng đó, coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh. “Việc tập đoàn công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới – Samsung – chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất điện thoại di động, smartphone, máy tính bảng; rồi kết quả năm 2017, dự kiến kim ngạch xuất khẩu Samsung đạt 50 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam… chứng minh tính hấp dẫn của nước ta đối với việc thu hút tập đoàn kinh tế lớn”, GS. Mại nói thêm.

Ngoài ra, ông Mại cũng lưu ý điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án FDI theo hướng gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội của quá trình phát triển từng vùng kinh tế, từng địa phương. Đối với các thành phố đã phát triển như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng thì cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn; kiên quyết không lựa chọn dự án thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường…

Cuối cùng, coi trọng chính sách kết nối DN FDI với DN trong nước để khắc phục nhược điểm tác động lan toả của DN FDI còn hạn chế, từ đó nâng cao năng lực của DN trong nước, hướng đến mục tiêu đạt 1 triệu DN tư nhân vào năm 2020.

Tuy nhìn nhận 2 thị trường Mỹ - Việt đang bộc lộ những tín hiệu tích cực, nhưng để tăng đầu tư Mỹ vào Việt Nam, GS. Nguyễn Mại vẫn lưu ý một số điểm chính.

Thứ nhất, khi thay đổi chính sách, luật pháp cần phải đảm bảo tính hệ thống, công khai, minh bạch, ổn định và có độ trễ nhất định về thời giant hi hành để nhà đầu tư và DN FDI chủ động trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

 

Thứ hai, thực hiện đồng bộ “Chính phủ điện tử” trong toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước để giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư và DN.

Thứ ba, cởi bỏ nút thắt bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức. Cụ thể, cần phải loại bỏ được bộ máy công chức cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì thừa nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp.

 

theo Bizlive