clock

Trong Nước

05:01 09-07-2018

Hà Nội bán chỉ định "đất vàng" để xây trường cao đẳng gần 900 tỷ đồng

Hà Nội sẽ bán chỉ định đất vàng tại 131 Thái Thịnh, quận Đống Đa để xây Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh...

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa công bố thông tin đề xuất dự án Đầu tư xây dựng mới Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức ban hành Quyết định số 3034/QĐ-UBND ngày 18/6/2018 về việc phê duyệt đề xuất dự án Đầu tư xây dựng mới Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh theo hình thức hợp đồng BT.

Tổng diện tích đất nghiên cứu dự án vào khoảng 8,77 ha. Trong đó, diện tích xây dựng khoảng 21.048 m2; Mật độ xây dựng 24%; Tầng cao công trình: 1-5 tầng; Hệ số sử dụng đất 0,64 lần.

Tổng vốn đầu tư dự kiến là 893,8 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 385 tỷ đồng, chi phí thiết bị là 255,4 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 9,6 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 20,1 tỷ đồng, chi phí khác 19,9 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư là 105,3 tỷ đồng, chi phí dự phòng 42,6 tỷ đồng, chi phí lãi vay là 55,8 tỷ đồng.

Nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án; Nguồn vốn huy động của nhà đầu tư chiếm 80% tổng vốn đầu tư dự án. Thời gian thực hiện dự án: Năm 2018-2019.

Về phương án thu hồi vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại văn bản số 745/TTg-KTN ngày 13/5/2011 về chủ trương đầu tư xây dựng mới Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội theo hình thức hợp đồng BT, trong đó xác định là giá trị quỹ nhà, đất tại số 131 Thái Thịnh, quận Đống Đa được bán chỉ định cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo giá thị trường theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội chỉ được triển khai các bước tiếp theo của dự án sau khi được Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện theo chỉ đạo tại phần 3 văn bản số 745/TTg-KTN ngày 13/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng đã công bố xây dựng nhiều tuyến đường bằng hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng. Mới đây nhất là dự án tuyến đường từ Quốc lộ 32 đến đường 23 (đê sông Hồng) theo hình thức hợp đồng BT dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 1.408 tỷ đồng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, dự kiến quỹ đất thanh toán cho dự án BT này gồm 10 ô đất với tổng diện tích là 33,39 ha trên địa bàn các quận: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy.

Hình thức BT được Hà Nội triển khai từ năm 2007. Gần đây nhất có 5 tuyến đường giao thông tại nội đô được xây dựng theo hình thức BT. 

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, không nên áp dụng hình thức đổi đất lấy hạ tầng, thay vào đó nếu ngân sách khó khăn có thể đem đấu giá đất. Sau đó dùng tiền đấu giá được để làm hạ tầng. Còn nếu đầu tư theo hình thức BT như cách đang thực hiện hiện nay không được minh bạch, có thể tạo ra nhiều hệ lụy.

 

Kiều Linh/ Vneconomy