clock

Thế Giới

05:47 30-03-2018

Hai hãng xe Renault và Nissan có thể sáp nhập làm một

Hai hãng sản xuất ôtô Renault của Pháp và Nissan của Nhật Bản đang đàm phán sáp nhập - theo Bloomberg...

Hai hãng sản xuất ôtô Renault của Pháp và Nissan của Nhật Bản đang đàm phán sáp nhập và thành lập một hãng xe mới với duy nhất một cổ phiếu - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg.

Một thỏa thuận như vậy sẽ chấm dứt mối quan hệ liên minh Renault-Nissan hiện nay và đưa hai hãng trở thành một.

Renault hiện sở hữu 43% cổ phần của Nissan, trong khi hãng xe Nhật nắm 15% cổ phần của đối tác Pháp. Nguồn tin đề nghị không tiết lộ danh tính cho hay ông Carlos Ghosn, người hiện giữ vai trò Chủ tịch của cả Renault và Nissan, đang thúc đẩy cuộc đàm phán giữa hai bên và sẽ là người điều hành công ty mới sau sáp nhập.

Theo dự kiến, công ty mới sẽ giữ nguyên trụ sở hiện có tại Nhật Bản và Pháp.

Giá cổ phiếu Renault tăng tới 8,3% sau khi mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm tại thị trường chứng khoán Paris, đạt mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ. Hãng xe này hiện có giá trị vốn hóa khoảng 29 tỷ Euro, tương đương 36 tỷ USD.

Giá cổ phiếu Nissan giảm gần 2% trong vòng 1 năm trở lại đây, vốn hóa hiện đạt 4,6 nghìn tỷ Yên, tương đương 43 tỷ USD.

Nguồn tin nói việc đạt một thỏa thuận sáp nhập Renault-Nissan sẽ không dễ dàng. Chính phủ Pháp hiện nắm 15% cổ phần Renault và có thể sẽ không muốn bán lại số cổ phần này. Trong khi đó, thỏa thuận cần phải có sự thông qua của cả hai Chính phủ Pháp và Nhật. Ngoài ra, việc công ty mới chọn đặt trụ sở chính ở đâu cũng sẽ gây nhiều tranh cãi.

Một khả năng được đặt ra là công ty mới sẽ đặt tại London hoặc Hà Lan - nơi hãng xe Fiat Chrysler, sự sáp nhập giữa hãng Fiat của Italy và Chrysler của Mỹ, đặt trụ sở chính. Fiat Chrysler vẫn duy trì trụ sở cũ ở cả Italy và Mỹ.

Liên minh Renautl-Nissan dự báo đến năm 2022 sẽ đạt mức doanh số 14 triệu xe mỗi năm, so với mức 10,6 triệu xe trong năm 2017. Volkswagen, hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, bán được 10,7 triệu xe trong năm ngoái.

 

Thăng Điệp/ Vneconomy