clock

Thế Giới

07:01 25-09-2018

JPMorgan Chase: “Sự lạc quan thái quá của ông Trump có thể dẫn đến toan tính sai lầm”

Các chiến lược gia của JPMorgan Chase cho rằng sự lạc quan thái quá có thể khiến ông Trump đi đến “toan tính sai lầm lớn”...

Các chiến lược gia của nhà băng hàng đầu nước Mỹ JPMorgan Chase đã bắt đầu có sự điều chỉnh dự báo dựa trên đánh giá cho rằng việc Tổng thống Donald Trump lạc quan thái quá về sức khỏe của nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ hiện nay có thể dẫn đến việc ông đưa ra một "toan tính sai lầm lớn".

Lo ngại nằm ở chỗ "sự vững vàng của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ bất chấp những hàng rào thuế quan được dựng lên gần đây sẽ khiến ông Trump càng cứng rắn trong tất cả các vấn đề địa chính trị - từ thuế ôtô, đến đàm phán NAFTA và đặc biệt là Iran - dẫn tới nguy cơ về một toan tính sai lầm lớn khó lường", một báo cáo của JPMorgan Chase hôm 21/9 được hãng tin Bloomberg trích dẫn.

Các chiến lược gia của JP Morgan Chase do ông John Normand làm trưởng nhóm nói rằng đó là một phần lý do khiến ngân hàng này nâng dự báo giá dầu.

Báo cáo cho rằng giá dầu Brent có khả năng tăng vọt lên mức 90 USD/thùng từ ngưỡng xấp xỉ 80 USD/thùng hiện nay, bởi xuất khẩu dầu của Iran có thể sụt giảm chóng mặt khi Mỹ bắt đầu tái áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa của nước này từ tháng 11.

JPMorgan Chase cũng bắt đầu đưa vào chiến lược của mình khả năng về một "giai đoạn 3" của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trong năm 2019, cho rằng toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ bị ông Trump áp thuế bổ sung. Trong trường hợp đó, các chiến lược gia nói rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ suy yếu, gây áp lực lớn lên giá các hàng hóa cơ bản và cả thị trường chứng khoán Mỹ.

"Đối với chứng khoán Mỹ, mức thuế bổ sung 25% áp lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến mức lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) dự báo cho năm 2019 là 179 USD giảm mất 8 USD. Ngoài ra, tăng trưởng EPS của năm tới cũng sẽ giảm từ 10% còn 5%", báo cáo có đoạn viết. Mức EPS dự báo 179 USD là dành cho các cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500.

"Mức giảm EPS lớn như vậy sẽ chặn lại xu hướng tăng điểm của chứng khoán Mỹ, trừ phi có những yếu tố bù đắp khác", theo báo cáo.

Nỗi lo của JPMorgan Chase về thị trường và nền kinh tế Mỹ bao gồm tác động "vòng 2" của cuộc chiến thương mại, bao gồm ảnh hưởng xấu đến niềm tin, gián đoạn chuỗi cung ứng và các điều kiện tài chính bị thắt chặt. Báo cáo cũng bày tỏ lo ngại về những biến động gần đây tại các thị trường mới nổi lớn như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Brazil và Argentina.

"Vấn đề sâu hơn là đợt tăng điểm tuần vừa rồi của chứng khoán Mỹ là sự khởi đầu của một chơ hội chiến lược không thể bỏ lỡ (kéo dài 6 tháng hoặc hơn, tăng ít nhất 10%), hay chỉ là một cơ hội chiến thuật (kéo dài 1-2 tuần, tăng khoảng 10%)?" các chiến lược gia của JPMorgan Chase đặt câu hỏi. "Chúng tôi cho rằng khả năng thứ hai là cao hơn".

 

Diệp Vũ/ Vneconomy