clock

Doanh Nghiệp

05:35 05-09-2017

Không “khởi nghiệp” ông lớn cũng tụt hậu

Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ, khởi nghiệp là việc của những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh. Nhưng thực tế cho thấy, ngay cả những doanh nghiệp lớn, thậm chí rất lớn, nếu không năng động “khởi nghiệp” cũng có thể rơi vào nguy cơ suy thoái, đổ vỡ.

Đổi mới để “không tự chôn mình”

Ở thời kỳ đầu những năm 2000, trên thế giới lúc ấy khoảng 40% số máy điện thoại là do Nokia sản xuất. Người người dùng Nokia, nhà nhà sắm Nokia. Nokia từng được xem là “thế lực không thể bị đánh bại” trên thị trường điện thoại di động với doanh số cao chót vót trong nhiều năm liền, cho đến khi bị Samsung “vượt mặt”. Sự sụp đổ của “đế chế” Nokia từng được cho là do “gã khổng lồ” đã ngủ quên trên chiến thắng trong một thời gian dài.

Ở Việt Nam, thị trường cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp (DN) một thời hùng hậu nhưng giờ cũng chỉ còn “vang bóng một thời” như Giày Thượng Đình, Xe đạp Thống Nhất, Mỳ Miliket…

Mỗi DN có một lý do đi đến suy thoái nhưng chung quy lại việc “ngủ quên” trên chiến thắng sẽ là con đường rất nhanh để một thương hiệu lớn chỉ còn là quá khứ.

Đa số các DN hiện nay rất năng động. Họ luôn tìm những hướng đi mới, đồng thời tự tạo ra cho mình những cửa sáng trong kinh doanh. Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thử thách bằng việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, lấn sân sang những mảng miếng, lĩnh vực hoàn toàn mới. Việc liên tục “khởi nghiệp” bằng cách mở ra những lĩnh vực kinh doanh mới như vậy có thể giúp DN tận dụng lợi thế đã có và nới rộng dư địa tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

Đầu năm 2015, thị trường chứng kiến cuộc đổ bộ của “ông lớn” ngành thép - Hòa Phát Group vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Không chọn con đường M&A hay mua lại những DN trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, Hòa Phát thành lập DN mới để kinh doanh, đầu tư.

Quyết định này của đại gia thép từng gây ngỡ ngàng khi DN này nhảy vào lĩnh vực khá “xương xẩu” là bán cám để làm bàn đạp tấn công vào ngành nông nghiệp. Bởi thời điểm đó, trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đầy rẫy “những ông lớn” tầm cỡ thế giới như CP (Thái Lan), Cargill (Mỹ)… đang thống trị.

Tổng giám đốc Hòa Phát Trần Tuấn Dương cho biết, trong hơn 20 năm phát triển, Hòa Phát đã 5 - 7 lần dấn thân vào lĩnh vực mới, từ thiết bị xây dựng, thép, nội thất, điện lạnh đến bất động sản… Nói như vậy để thấy rằng, Hoà Phát tham gia lĩnh vực mới không có gì lạ và không phải chuyển hướng kinh doanh.

Sau 2 năm gia nhập thị trường, đến thời điểm này, Hòa Phát đã có những kết quả nhất định trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính quý II/2017, mảng thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, bò đã đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu cho Tập đoàn. Tính chung, cả Tập đoàn đạt doanh thu 10.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.530 tỷ đồng trong quý II/2017.

Nhưng có lẽ cái tên khiến cả thị trường thường xuyên phải “chóng mặt” vì tốc độ mở rộng kinh doanh không phải Hòa Phát, mà chính là Thế Giới Di Động (MWG).

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG chia sẻ, để có được sự sáng tạo liên tục, chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận trả giá bằng rất nhiều sự thất bại. Ở DN ông, tỷ lệ này tới 30%. Năm 2017, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động đặt kế hoạch doanh thu 63.280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.200 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu tham vọng này, ông Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh việc liên tục đổi mới là rất cần thiết. “Muốn tăng doanh thu, sắp tới Thế Giới Di Động sẽ không dừng lại ở bán hàng công nghệ, mà phải đa dạng hóa ngành hàng. Công ty sẽ không thể duy trì mãi tốc độ mở mới các siêu thị vì đến một lúc nào đó thị trường sẽ bão hòa”, ông Nguyễn Đức Tài cho biết.

Thực tế cho thấy, Thế Giới Di Động duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan trong những năm vừa qua và tiếp tục các định hướng mở rộng thị phần các lĩnh vực khác rất nhanh. Ngoài mảng hệ thống bán lẻ ở chuỗi cửa hàng của Thế Giới Di Động là cốt lõi, công ty này trong nhiều năm qua đã tấn công sang hàng loạt các lĩnh vực như bán lẻ hàng tiêu dùng ở hệ thống siêu thị xanh, nông nghiệp sạch… Thậm chí, MWG đã từng gây ngạc nhiên khi quyết định bán vé số.

Định hướng phát triển của Công ty trong hai năm 2017 và 2018 là dành một số vốn khoảng 500 tỷ đồng cho hoạt động M&A cũng ở mảng bán lẻ ngoài thiết bị di động, bách hóa. Và một trong những lĩnh vực Thế Giới Di Động đang hướng đến là mảng dược phẩm với mục tiêu mua lại một hệ thống từ 10 - 15 cửa hàng dược.

Ngoài ra, Thế Giới Di Động cũng định thành lập một công ty con chuyên về công nghệ thông tin Techpark với số vốn 135 tỷ đồng hay lập trang Vuivui để cạnh tranh với các trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada… Có thể nói, tham vọng của MWG là không nhỏ và chính yếu tố “ăn tạp”, đa dạng đã làm nên thương hiệu năng động của DN này.

Cẩn trọng trong đầu tư, tránh dàn trải

 

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương thuộc Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, trong quá trình làm ăn, chủ DN có thể bắt gặp những cơ hội mới với những lĩnh vực kinh doanh mới. Việc bắt đầu những ngành kinh doanh mới đối với những DN này ít nhiều cũng đã có sẵn lợi thế, tuy nhiên sự khó khăn cũng không hề nhỏ. Thậm chí, nếu không cẩn trọng hoặc không gặp thời thì việc mở rộng này có thể đưa DN vào thế bí.

Trước hết, nếu các DN đầu tư chồng chéo, dàn trải vào các mảng không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, chủ yếu chạy theo các mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn có thể dễ dẫn đến mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền. Việc “lấn sân” sang những lĩnh vực hoàn toàn mới cũng có thể đem lại những bất cập về nguồn nhân lực cho DN bởi họ sẽ không tận dụng được nguồn nhân lực đang có sẵn.

Cũng theo chuyên gia Lê Thẩm Dương, việc đổi mới không nhất thiết phải là “nhảy” sang lĩnh vực khác, thay vào đó các DN có thể mở rộng chính lĩnh vực thế mạnh của mình. Ví như một DN sản xuất cà phê, thay vì chỉ loanh quanh khâu sản xuất, tiêu thụ đến cấp đại lý, có thể mở rộng bằng các hệ thống bán lẻ như Starbuck, Highland…

Trong khi đó, đề cập đến vấn đề này, một chuyên gia khác cho rằng, thực tế cho thấy chuyển đổi chỉ thành công khi có động lực và khi không còn đường lùi. Nếu thấy không có gì cần đổi mới mà cứ tiến hành thì chắc chắn là thất bại.

Việc quyết định mở rộng lĩnh vực kinh doanh hay không là ở sự lựa chọn, cân nhắc ở mỗi DN. Nhưng thực tế yêu cầu đổi mới của mỗi DN là cần thiết. Như CEO của Samsung - thương hiệu đã “soán” ngôi vị dẫn đầu của Nokia - luôn yêu cầu nhân viên của Samsung phải hoạt động, làm việc như thể họ đang gặp khủng hoảng, và phải cố gắng hết sức.

 

theo Báo Đấu Thầu