clock

CEO Việt

05:38 28-07-2017

KTS. Hồ Thiệu Trị: May mắn khi được sống trọn với nghề

Gần 22 năm làm việc tại Việt Nam, tên tuổi của KTS. Hồ Thiệu Trị không chỉ gắn liền với công trình trùng tu Nhà hát lớn Hà Nội những năm 1995 - 1997 mà còn có nhiều công trình kiến trúc khác như Tòa nhà Quốc hội, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Triển lãm và Hội nghị quốc tế TP.HCM, các trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Hậu Giang...

Nhìn lại quãng thời gian gần 40 năm làm việc tại Pháp và Việt Nam, KTS. Hồ Thiệu Trị - Tổng giám đốc HTT Group cho rằng ông gần như là trường hợp đặc biệt vẫn bám trụ với nghề cho đến hôm nay.  

Vừa trở về TP.HCM sau chuyến công tác dài ngày ở Pháp, dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện hơn một giờ đồng hồ, với ông đã là dài, bởi ông đi như con thoi để điều hành HTT Group với 3 văn phòng đặt tại Hà Nội, TP.HCM và Paris (Pháp).

Thật không ngoa khi có người gọi KTS. Hồ Thiệu Trị là “Người đi qua những công trình”. Bởi cho đến thời điểm này, dù đã bước vào tuổi lục tuần, niềm đam mê với nghề vẫn nguyên vẹn trong ông. Ông chia sẻ: “Tôi luôn thấy mình may mắn khi được sống trọn với nghề, với đam mê và những khát khao khi đứng bên bản vẽ”.

KTS. Hồ Thiệu Trị tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn. Năm 1973, ông theo gia đình định cư tại Pháp khi mới 17 tuổi. Sau thời gian học tập và làm việc tại Pháp, ông tiếp tục theo học ngành thiết kế quy hoạch đô thị tại Đại học San Diego, Mỹ. Kết thúc quá trình học tập, sau gần 10 năm đầu quân tại những công ty thiết kế ở Pháp, ông chính thức khởi nghiệp tại Paris.

Công ty Thiết kế CR Architecture của 2 kiến trúc sư Claude Costantini và Michel Regembal - tác giả của sân vận động Stade de France nổi tiếng, nơi ông từng đầu quân, sau đó cũng đã trở thành đối tác của ông từ những ngày đầu ông chân ướt chân ráo ra thương trường cho đến hôm nay. Mở văn phòng tại Việt Nam từ năm 1995, cũng là lúc ông bắt đầu hành trình “con thoi”: đi đi về về giữa Việt Nam và Pháp.

* Ông có thấy mình liều khi quyết định “lập nghiệp” tại Việt Nam vào cuối những năm 90?

- Tôi về Việt Nam năm 1995, tham gia công trình đầu tiên là trùng tu Nhà hát lớn Hà Nội. Năm 1997, việc trùng tu Nhà hát hoàn tất, tôi mới có ý định ở lại Việt Nam tiếp tục làm việc. Thời điểm đó, tôi nhận thấy thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu sôi động nên ở đâu cũng có việc làm. Vì vậy, khi quyết định mở công ty ở Việt Nam, tôi định vị chuyên nhận thiết kế những công trình dân sự, văn hóa.

Khởi đầu là những công trình nhỏ như biệt thự, nhà dân, cửa hàng. Kể từ khi hoàn tất việc trùng tu Nhà hát lớn Hà Nội, cũng như những công việc tôi làm tại Hà Nội, nhiều người bắt đầu biết đến tôi, nên sau đó có nhiều chủ đầu tư bất động sản lớn mời tôi làm việc.

Phải thừa nhận rằng, dù là giai đoạn đầu của thị trường bất động sản ở Việt Nam, nhưng lại là cơ hội cho các kiến trúc sư thể hiện và khẳng định mình. Từ năm 1995 đến năm 2005, cơ hội về công việc cho chúng tôi không thiếu.

* Cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản, từ năm 2006, nhiều tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam. HTT có phải cạnh tranh trong giai đoạn này không, thưa ông?

- Sau khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thị trường bất động sản có 2 hiện tượng: Thứ nhất là những nhà đầu tư bất động sản nước ngoài kéo theo những nhóm kiến trúc sư của riêng họ. Thứ hai là thị trường bất động sản có những nhà đầu tư mới nổi tạo ra cơ hội việc làm cho các kiến trúc sư Việt Nam.

Lựa chọn này giúp họ tiết giảm chi phí, hơn thế nữa giúp công trình kiến trúc của họ gần gũi, mang bản sắc địa phương hơn. Chính vì vậy, sự phát triển của ngành kiến trúc Việt Nam giai đoạn này mang yếu tố song hành, đáp ứng sự đa dạng của thị trường. Trong bất kỳ ngành nghề nào, một khi có cạnh tranh thì sẽ kích thích sáng tạo và giúp cho sản phẩm ngày càng có chất lượng cao hơn, tốt hơn.

Tuy nhiên, sự phát triển này chỉ bùng nổ đến năm 2010, 2011, bởi thị trường bất động sản Việt Nam đã gặp phải khủng hoảng. Sự cố này do sự đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài vào bất động sản phát triển quá nhanh cộng với việc quản lý về hành chính chưa bắt kịp sự phát triển của ngành. Do đó, “bong bóng bất động sản” xảy ra là đương nhiên.

* Giai đoạn này ông xoay xở thế nào?

- Đáng ngạc nhiên là dù thị trường có khó khăn nhưng HTT Group lại phát triển khá tốt. Bởi khách hàng của chúng tôi không chỉ có các nhà đầu tư bất động sản tư nhân, chúng tôi còn phục vụ nhiều công trình của Nhà nước. Ngay khi thành lập Công ty, chúng tôi đã lập các nhóm kiến trúc sư riêng. Theo đó, có nhóm phụ trách công việc cho nhà đầu tư tư nhân, như Novaland, Đại Quang Minh, SSG, Bitexco với sản phẩm là nhà ở, cao ốc văn phòng; có nhóm tham gia phát triển công trình phục vụ văn hóa, chính trị.

Từ kết quả tốt đẹp trùng tu Nhà hát lớn Hà Nội, chúng tôi tạo được niềm tin nên sau đó được tham gia thiết kế, phục chế nhiều công trình tầm cỡ quốc gia như Tòa nhà Quốc hội Việt Nam, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam...

Một trong những lĩnh vực tôi rất tâm đắc là thiết kế các công trình mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Qua tác phẩm, chúng tôi đã gửi gắm vào đó những nét văn hóa kiến trúc Việt Nam, và đó là phần “hồn” của những công trình ấy.

* Nhưng dường như ông còn nhận thiết kế cả những công trình nhỏ?

- Khi đã hành nghề kiến trúc thì trước hết phải đam mê. Khi có sự đam mê sẽ hứng thú với công việc thiết kế, dù công trình lớn hay nhỏ. Từ đam mê sẽ hình thành sự chuyên nghiệp, gửi gắm được nhiều ý tưởng trong từng công trình kiến trúc. 2 yếu tố này không thể tách rời kiến trúc sư. Còn các yếu tố như đề tài, giá chỉ là cộng thêm để kích thích công việc hiệu quả hơn.

Ở Việt Nam, từ lúc về làm việc cho tới nay, với tôi chỉ có một mục tiêu là sự phát triển nghề nghiệp. Để làm việc tại Việt Nam, nếu không đủ đam mê thì những yếu tố như giá cả, thủ tục hành chính sẽ không hấp dẫn kiến trúc sư.

* Ông nghĩ gì nếu một kiến trúc sư nổi tiếng từ chối thiết kế những công trình nhỏ vì cho rằng không xứng tầm?

- Trong lĩnh vực kiến trúc, có không ít công trình trở nên nổi tiếng không hẳn ở quy mô, không hẳn vì khối lượng vật liệu. Tức có những công trình nhỏ mà chứa đựng sự sáng tạo, sự đột phá về kiến trúc thì trở thành tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật không bị giới hạn ở quy mô là vì thế.

Trong lĩnh vực điêu khắc cũng vậy, đôi khi tạo ra một bức tượng nhỏ nhưng thể hiện được thần thái, sự hài hòa trong hình khối và đường nét thì đó chính là tác phẩm nghệ thuật. Thành ra trong kiến trúc, sự sáng tạo để có một công trình thành tác phẩm nghệ thuật không bao giờ có giới hạn là công trình nhỏ hay lớn.

* So với các nước phát triển, ngành kiến trúc ở Việt Nam vẫn còn non trẻ. Làm thế nào để ông xây dựng được đội ngũ vững tay nghề cho HTT Group trong thời gian không dài?

- Phải nói rằng, 5 năm trên giảng đường đại học chỉ là đào tạo cơ bản đối với một cử nhân kiến trúc. Kiến thức thực tế để ứng dụng trong công việc còn thiếu rất nhiều. Do đó một cử nhân ngành kiến trúc mới ra trường vào làm việc tại HTT, chúng tôi đều phải đào tạo thêm kiến thức, nhất là kiến thức thực tế để giúp họ hành nghề.

Có nhiều người sau vài ba năm cọ xát thực tế đã trưởng thành khá nhanh, có những ý tưởng mới lạ, hấp dẫn khi thiết kế công trình. Kiến trúc là ngành mà kiến trúc sư phải cập nhật kiến thức liên tục. Muốn tồn tại và phát triển với nghề ai cũng phải như vậy. Bản thân tôi dù đã có gần 40 năm với nghề nhưng vẫn phải cập nhật kiến thức mỗi ngày, phải học hỏi thường xuyên.

* Nghe nói ông từng ngăn 2 con trở thành kiến trúc sư vì biết nghề kiến trúc rất vất vả?

- Tôi lập nghiệp ở Pháp, dù có quốc tịch Pháp nhưng để trụ vững được ở thị trường này, tôi gần như phải làm việc gấp vài lần so với người bản địa. Tôi làm việc không ngừng nghỉ để chứng tỏ năng lực và thấy rằng nghề này quá vất vả. Vì vậy tôi đã khuyên các con không nên theo nghiệp bố, dù rằng chúng rất thích nghề kiến trúc. Chính vì quyết định đó mà bây giờ tôi lại thấy hối hận. Giá như các con tôi theo nghề thì giờ có thể chung tay làm việc với tôi.

* Ông đánh giá môi trường làm việc của kiến trúc sư tại Việt Nam hiện nay ra sao?

- Một trong những điều tôi quan tâm, trăn trở là nghề kiến trúc, kiến trúc sư ở Việt Nam chưa được đánh giá và trân trọng đúng mức. Tôi nghĩ rằng đây là khó khăn đối với những kiến trúc sư đang nuôi dưỡng đam mê nghề nghiệp. Một công trình hoàn hảo chỉ khi nó hội đủ 3 yếu tố: Phải có nhà đâu tư chuyên nghiệp, nhà thầu chuyên nghiệp, kiến trúc sư có ý tưởng tốt. Có như vậy thì mới cho ra một công trình tốt.

Ở góc độ người làm nghề, tôi nghĩ rằng, sự trân trọng kiến trúc sư càng làm họ đề cao trách nhiệm với công trình, với khách hàng. Dĩ nhiên cũng có những nhà đầu tư rất hiểu chuyện đó. Tôi chỉ nói tới những trường hợp nhà đầu tư không biết hết giá trị của kiến trúc mà thôi.

* Là “tiền bối”, ông có lời khuyên nào dành cho các kiến trúc sư trẻ tại Việt Nam?

- Tôi đã tâm sự khá nhiều với anh em kiến trúc sư trẻ. Đáng buồn là đa số anh em không thấy được tương lai nghề nghiệp. Thế nên tôi chỉ có thể nói thế này, con đường để trở thành một kiến trúc sư thực thụ sẽ rất dài. Dĩ nhiên các bạn trẻ mới ra trường thì phải bắt đầu với những công việc ở công trình, mình phải chứng tỏ mình, mình phải làm việc hết mình.

Đừng mong chờ phép lạ mà hãy cố gắng nhiều hơn, phải thay đổi tư duy làm việc không ngừng thì mới có thể vươn lên được. Hãy bắt đầu bằng những công việc nhỏ, nhưng phải làm hết sức, làm cho tốt, cần phải trau dồi tính chuyên nghiệp mỗi ngày, làm việc có trách nhiệm thì mới có thể vươn lên được. Môi trường làm việc nào cũng có cơ hội cho những người chăm chỉ và biết tạo ra sự khác biệt.

* Cảm ơn về những chia sẻ của ông!

 

 

LÊ LOAN thực hiện