clock

Doanh Nghiệp

10:16 16-08-2018

LienVietPostBank: "Chậm lại để nắm cơ hội"

Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank lý giải về quyết định giảm một số chỉ tiêu kinh doanh...

Ngày 15/8, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết Hội đồng Quản trị đã quyết định giảm một số chỉ tiêu kinh doanh chính của năm 2018 so với kế hoạch ban đầu.

Cụ thể, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 điều chỉnh giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống 1.200 tỷ đồng; tổng tài sản từ 190.000 tỷ đồng xuống còn 180.000 tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 từ 170.000 tỷ đồng xuống còn 160.000 tỷ đồng; dư nợ thị trường 1 từ 123.500 tỷ đồng xuống 117.557 tỷ đồng; tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu từ 12% xuống còn 10%.

Một số chỉ tiêu kinh doanh cơ bản khác của năm 2018 vẫn được LienVietPostBank giữ nguyên, gồm vốn điều lệ tăng lên 9.875 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, cho biết, cuối năm 2017 ngân hàng xây dựng các chỉ tiêu kinh doanh với dự kiến "room" tăng trưởng tín dụng thuận lợi.

Tuy nhiên, với chỉ thị Thống đốc Lê Minh Hưng vừa ban hành, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sẽ không được điều chỉnh tăng lên trong những tháng cuối năm 2018. Theo đó, LienVietPostBank được phê duyệt ở mức tăng 14%, không được nới lên, và đây là nguyên do đầu tiên buộc ngân hàng phải điều chỉnh lại các chỉ tiêu nói trên.

Thứ hai, ở đầu vào, huy động vốn của LienVietPostBank tăng trưởng rất cao, lên tới 17% trong nửa đầu năm nay; trong đó có định hướng dịch chuyển sang tiền gửi dân cư, bán lẻ, với tỷ trọng bán lẻ tăng từ 48 lên 56%.

"Về mặt tích cực, nguồn vốn trung dài hạn của LienVietPostBank ổn định hơn. Nhưng trong ngắn hạn, chi phí giá vốn tăng cũng là nguyên nhân làm giảm lợi nhuận Ngân hàng trong giai đoạn hiện tại", ông Thắng nói, cũng như cho biết việc cân đối nguồn để sử dụng hiệu quả đang là bài toán đặt ra.

Thứ ba, theo lý giải của Chủ tịch LienVietPostBank, đây là nguyên do trọng yếu nhất khiến ngân hàng phải điều chỉnh các chỉ tiêu để cân đối với chi phí đầu tư tập trung trong năm nay.

Trong giai đoạn 2018 - 2019, LienVietPostBank xác định chiến lược là tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới theo mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu và phục vụ đến tận tất cả các xã/phường trên toàn quốc.

Theo đó, chỉ riêng 6 tháng đầu năm họ đã mở mới tới 95 phòng giao dịch nâng cấp; lượng nhân sự tuyển mới cũng đột biến tới khoảng 1.500 người. Hoạt động này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, trong khi hiệu quả tạo lãi dự tính thường phải mất khoảng một năm sau.

Vậy sao LienVietPostBank lại dồn nâng cấp và mở mới lượng lớn phòng giao dịch bưu điện trong năm nay, đi cùng với yêu cầu phải có lượng nhân sự đối ứng, mà sự tập trung này dẫn đến chỉ tiêu lợi nhuận phải giảm?

Ông Thắng cho biết, với chiến lược phổ cập ngân hàng bán lẻ nói trên, việc tập trung cho mạng lưới năm 2018 được xem là cơ hội, vì việc mở rộng mạng lưới trong hoạt động ngân hàng nói chung không phải giai đoạn nào cũng có điều kiện để đẩy mạnh, cả ở khía cạnh cấp phép và theo điều kiện tiềm lực của ngân hàng tại mỗi giai đoạn.

Ở hướng đó, LienVietPostBank xác định chậm lại các chỉ tiêu tăng trưởng chính, để nắm cơ hội đầu tư nói trên.

Mặt khác, việc phát triển mạng lưới như vậy còn bắt nhịp cùng với đối tác chiến lược là VietnamPost, khi họ thúc đẩy nâng cấp hạ tầng trong năm nay.

"Nhiều phòng giao dịch vừa ra đời như vậy thì không thể bắt có lời ngay. Muốn xây nhà cao tầng phải làm chắc cái móng trước. Cùng đó phải tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ, mà công nghệ ngân hàng hiện nay đòi hỏi đầu tư lớn và cạnh tranh. Đầu tư công nghệ có thể nói không biết đến bao giờ cho đủ, vì nó liên tục thay đổi, đổi mới ko ngừng", ông Thắng nói.

Về công nghệ, Chủ tịch LienVietPostBank cho biết, riêng sản phẩm chiến lược là Ví Việt đang phát huy hiệu quả. Hiện sản phẩm này đã có hơn 2 triệu người dùng, lượng huy động vốn qua đây đã đạt hơn 3.200 tỷ và cho vay đã đạt hơn 500 tỷ đồng.

Với việc điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh doanh nói trên, ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng, hoạt động ngân hàng trước hết đòi hỏi phải chắc chắn và bền vững, trước khi nói đến hiệu quả. Nhưng sau khi đã đạt 600 tỷ lợi nhuận nửa đầu năm nay, LienVietPostBank sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu 1.200 tỷ sau điều chỉnh.

Ở chỉ tiêu cổ tức, LienVietPostBank điều chỉnh tỷ lệ chi trả giảm từ 12% xuống 10%, tương ứng với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.200 tỷ đồng nói trên.

Chủ tịch LienVietPostBank cho rằng, mức chi trả cổ tức 10% năm 2018 là hấp dẫn so với mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện nay.

 

Minh Đức/ Vneconomy