clock

Doanh Nghiệp

07:12 16-12-2017

Logistics Việt Nam: Hạ tầng nghèo nàn, doanh nghiệp nhỏ và “lép vế” trước đối thủ ngoại

Đó là thực trạng được các chuyên gia nêu ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Chuyển từ Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần từ Hàn Quốc, Trung Quốc

Tại Diễn đàn Logistics 2017 diễn ra ngày 15/12, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới cho biết tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%.

Ngoài ra, thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016. Sự sụt giảm này cho thấy các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh.

Trong khi đó, theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng cách 100 km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Những con số được nêu ra nói trên cho thấy chi phí logistics của Việt Nam đang thuộc hạng đắt đỏ nhất thế giới và tạo lực cản không nhỏ cho năng lực cạnh tranh.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết vẫn còn nhiều hạn chế trong ngành logistics từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết như công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực.

Một nguyên nhân khác theo ông Trần Tuấn Anh cần đặc biệt quan tâm đó là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và thế giới...

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, số lượng doanh nghiệp logistics ước tính khoảng trên 3.000 doanh nghiệp. Quy mô vốn, đa số trên 70% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 7% là vốn trên 1.000 tỷ đồng.

Ông Hiệp cho rằng, ngành logistics Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức như quy mô và hoạt động còn yếu và thiếu, đặc biệt trong lĩnh vực quốc tế. Quản lý hoạt động chủ yếu trên đất nước Việt Nam, ít công ty mạnh dạn đầu tư mở văn phòng nước ngoài, nếu có thì số lượng đếm trên đầu ngón tay như Myanmar, Campuchia. Còn tại các quốc gia phát triển loigstics như Singapore, Thái Lan thì hiếm có doanh nghiệp Việt Nam.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, chi phí logistics Việt Nam năm 2016 chiếm 20,8% GDP, tương đương 41,26 tỷ USD. "Có thể là cao nhất khu vực, cao hơn Campuchia, Myanmar, đặc biệt, cao hơn Thái Lan 16%", ông Hiệp nói.

Thị phần lớn nằm trong tay các hãng logistics nước ngoài

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cơ sở hạ tầng cho hoạt động logistics của Việt Nam còn nghèo nàn và thiếu đồng bộ, doanh nghiệp logistics quy mô nhỏ, hoạt động manh mún và thiếu tính chuyên nghiệp, tính hợp tác và liên kết để tạo ra sức cạnh tranh thấp...

Cụ thể, cộng đồng khoảng 1.300 doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ logistics chủ yếu là vừa và nhỏ, chỉ chiếm 25% thị phần và khoảng 72% lao động (lao động được đào tạo bài bản chỉ chiếm 5-7%).

Trong khi đó, hầu hết chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong lãnh thổ Việt Nam với một số phân khúc như: Dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ và thị phần tại các cảng... Còn lại 25/30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới tham gia đầu tư và kinh doanh logistics dưới nhiều hình thức và chiếm 75% thị phần, chủ yếu là các dịch vụ quốc tế.

"Khá lớn thị phần ngành dịch vụ này vẫn nằm trong tay các hãng logistics nước ngoài, do có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam mà họ cũng chính là người nhập khẩu hàng nhiều nhất", ông Phong cho biết.

Theo số liệu của Viện Momura (Nhật Bản), các doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu thị trường logistics trong nước.

Còn theo tính toán của Cục Hàng hải Việt Nam, lĩnh vực quan trọng nhất trong logistics là vận tải biển thì doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đáp ứng chuyên chở được 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, phần còn lại đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

"Điều đáng quan ngại là, tuy quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết, nhưng một số doanh nghiệp còn cạnh tranh thiếu lành mạnh, hạ giá dịch vụ để giành được hợp đồng, chủ yếu là hạ giá thành thuê container, việc này khiến các doanh nghiệp trong nước bị thiệt, còn các doanh nghiệp nước ngoài là những người chủ tàu đóng vai trò chính sẽ là những người được hưởng lợi…", chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.

Làm sao để giảm chi phí logistics?

Theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, đến năm 2025 Việt Nam đặt quyết tâm trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.

Chính phủ hướng đến việc tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt mục tiêu trên, Việt Nam cần đột phá cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm cả chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý để bảo đảm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường tự do kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp cam kết hội nhập.

 

Đi cùng với đó là việc tăng cường phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics và các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, hiện đại và chuyên nghiệp, có đủ sức cạnh tranh và phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược.

Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh cho rằng, để phát triển bền vững, ngành logistics của Việt Nam phải được coi là một ngành “dịch vụ cơ sở hạ tầng” đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam.

Cùng với đó, cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước nói chung và lưu thông hàng hóa trong nước nói riêng.

Ngoài ra cần phải kết hợp các biện pháp tăng cường phối hợp xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, các trung tâm logistics và hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng bền vững trong mối liên kết các vùng kinh tế trọng điểm và các hành lang kinh tế.

Đặc biệt, cần có các giải pháp nhằm đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phong cách làm việc chuyên nghiệp trong hoạt động logistics, sẵn sàng thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp kiến nghị Thủ tướng giao thêm nhiệm vụ cho Ủy ban Tạo thuận lợi cho thương mại, do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là Trưởng Ban, chịu trách nhiệm điều phối hoạt động logistics.

Bên cạnh đó, cần có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực logistics, có thể là một Cục/Vụ tại một Bộ. Vì logistics có mục đích là gia tăng giá trị thương mại, nên tạo điều kiện cho đại diện của doanh nghiệp tham gia vào quá trình quản lý hoạt động logistics.

"Qua đó sẽ tăng cường việc quản lý ngành dịch vụ logistics, góp phần tạo thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thương mại", ông Lê Duy Hiệp nói.

 

theo Bizlive