clock

Trong Nước

14:41 09-09-2015

Lương tối thiểu tăng, thực chất ai được lợi?

Khi tăng lương tối thiểu vùng thì các vật giá thiết yếu với người lao động sẽ tăng từ 20-30%, trong khi đó hiện nay các doanh nghiệp đều cho biết, đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

Ảnh minh họa.

Tăng lương, tăng giá thành sản phẩm 
Phiên họp cuối cùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia ngày 3/9 chốt được mức tăng 12,4% cho lương tối thiểu năm 2016.
Các doanh nghiệp, đặc biệt đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản… đều cho rằng, mức tăng này sẽ tạo áp lực không hề nhỏ đối với họ.
Khi tăng lương tối thiểu vùng thì các vật giá thiết yếu với người lao động sẽ tăng từ 20-30%, trong khi đó hiện nay các doanh nghiệp đều cho biết, đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng. 
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tich HĐQT Công ty thủy sản Thuận Phước nói với BizLIVE: Tăng lương tối thiểu 12,4%, đây sẽ là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp trong khi đó người lao động lại “chẳng được lợi gì”.
Ông Lĩnh cho biết: Hiện công ty có khoảng 2500 công nhân. Thu nhập bình quân mỗi tháng người lao động nhận được trên 6 triệu đồng. Không có ai được trả dưới hoặc bằng mức lương tối thiểu cả.
“Điều quan trọng với người lao động không phải được cầm bao nhiêu tiền lương, mà là với số tiền đó họ sẽ mua được gì. Có nghĩa lý gì nếu lương tăng, giá cả cũng tăng theo. Tôi cho rằng, để đảm bảo cuộc sống của người lao động điều quan trọng là ổn định giá cả trong nước”, ông Lĩnh chia sẻ. 
Nói về “gánh nặng” của doanh nghiệp khi lương tối thiểu tăng, ông Lĩnh cho biết: Mỗi năm công ty phải chi hơn 3 tỷ đồng tiền công đoàn. Với mức tăng lương tối thiểu trên, tính toán sơ qua công ty cũng sẽ phải trả thêm 300- 400 triệu cho chi phí này, chưa kể rất nhiều chi phí khác sẽ tăng theo.
Hiện chi phí cho nhân công của Thuận Phước chiếm khoảng 10% giá thành sản phẩm. Khi lương tăng, chí phí nhân công tăng, ông Lĩnh cho biết: giá thành sản phẩm chắc chắn tăng. Việt Nam lại đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, điều này sẽ làm giảm sức cạnh trạnh hàng hóa của Việt Nam với các nước khác trên thế giới.
Câu chuyện “đau đầu” với biài toán tăng lương cũng xảy ra ở nhiều doanh nghiệp thủy sản khác. Như trường hợp Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – doanh nghiệp đang sử dụng 15.000 lao động.
Doanh nghiệp này ước tính, với mức tăng trên, chi phí tăng thêm mà doanh nghiệp bỏ ra hàng năm lên tới hơn 100 tỷ đồng. Đây là khoản tiền tăng thêm rất lớn mà doanh nghiệp và người lao động phải đóng góp.
Lãnh đạo Minh Phú cho biết, lợi nhuận bình quân của ngành thủy sản chỉ từ 2-3%. Nhưng năm nay thị trường xuất khẩu xấu, giá tôm Việt Nam lại cao nên hầu như doanh nghiệp tôm không có lãi mà còn bị lỗ.
Trong khi đó tiền lương chiếm 15% giá thành nên nếu tăng lương tối thiểu vùng lên 12,4% và đóng các loại bảo hiểm, kinh phí công đoàn theo thực tế tiền lương thì doanh nghiệp bị lỗ ngược lại từ tới 2,5%.
Chỉ nên tăng dưới 10%
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cũng chia sẻ rằng, rõ ràng là mức tăng 12,4% là một áp lực đối với ngành dệt may Viêt Nam.
Theo tính toán của Hiệp hội Dệt may, khi năm 2016 tăng lương tối thiểu ở mức 12,4%, toàn ngành dệt may Việt Nam cần tăng thêm 400 tỷ đồng để đóng phí công đoàn 2%.Còn tăng phí đóng BHXH do tăng mức lương tối thiểu của toàn ngành cần khoảng 6.000 tỷ đồng.
“Đây thực sự là áp lực lớn”, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may nhấn mạnh.
Đồng ý việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu, song ông Hà Duy Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội da giày, túi xách Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP CN Đông Hưng cho rằng chỉ nên tăng từ 8-10%.
Theo ông Hưng, phần lớn các doanh nghiệp da giày Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có thương hiệu. Tỷ lệ chi phí nhân công trong giá thành cao. Năng suất lao động trong ngành còn rất thấp. 
Theo phản ánh chung của các doanh nghiệp da giày, trong những năm qua các đơn đặt hàng từ các nước giá mua không tăng mà còn có xu hướng giảm đi, do sự chi tiêu cho tiêu dùng giảm. 
Lao động ngành da giày chủ yếu lại là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, mức lương cơ bản tối thiểu tại các doanh nghiệp xây dựng thường rất sát với mức lương tối thiểu vùng do nhà nước qui định.
Do vậy, theo ông Hưng, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng thì các doanh nghiệp da giày sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức. Các doanh nghiệp phải xây dựng lại thang bảng lương sao cho vừa phù hợp với qui định và phải mang tính công bằng trong toàn doanh nghiệp.
Ông Hưng cho biết, thu nhập bình quân cho người lao động trong toàn ngành (2014) đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng. Chi phí nhân công mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động 6,5 – 7 triệu đồng/người/tháng (Tiền lương, các khoản phụ cấp, trích nộp bảo hiểm, tiền thưởng, các chế độ phúc lợi khác..), thì mức chi phí mà doanh nghiệp phải chi thêm từ 1.092.000 đến 1.176.000 đồng/người/tháng.
Đồng thời, từ năm 2016, nhiều chính sách về BHXH, an toàn vệ sinh lao động có hiệu lực đòi hỏi doanh nghiệp phải chi thêm nhiều khoản liên quan tới hỗ trợ lao động, chính sách đảm bảo an toàn vệ sinh lao động…
Trong điều kiện sản xuất đang khó khăn như hiện nay, đặc biệt là thị trường đầu ra, ông Hưng cho rằng, mức tăng này thực sự là cú sốc lớn đối với doanh nghiệp da giày.
Ông Hưng cho rằng, cần công bố lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu cho doanh nghiệp; Xây dựng khung lương tối thiểu theo vùng, miền và theo ngành nghề. Đồng nhất lương tối thiểu trong nền kinh tế, không phân biệt giữa khối nhà nước và khối doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tich HĐQT Công ty thủy sản Thuận Phước lại đưa ra kiến nghị nên bỏ quy định về mức lương tối thiểu.
“Người lao động là tài sản vô cùng quý. Không có họ, chủ doanh nghiệp không thể thực hiện mục tiêu kinh doanh của mình. Giờ lương không đủ trang trải cuộc sống, họ sẽ tìm công việc khác ngay. Hãy để chủ doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận với nhau”, ông Lĩnh nói.
Doanh nghiệp kêu khó, người lao động hưởng lợi?
Không chỉ giới doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ lo lắng, nền kinh tế sẽ gặp khó với mức tăng lương quá cao. Nếu cứ tăng, thì chính người lao động sẽ trực tiếp bị thiệt hại khi doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.
Trong khi đó, bản thân nhiều người lao động cũng không hề hồ hởi khi nghe tin tăng lương tối thiểu vùng. Họ lo lắng giá cả hàng hóa sẽ tăng theo đồng lương.
Mỗi khi tăng lương thì kéo tất cả các dịch vụ tăng theo như tiền thuê phòng trọ, hàng hóa thiết yếu.. Như vậy việc tăng lương sẽ khó có thể giúp cho đời sống công nhân cao hơn được nếu nhà nước không có biện pháp bình ổn giá.
Một số khác, họ lại cho biết đang được nhận thu nhập thực tế cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Lương tối thiểu vùng chỉ được dùng làm căn cứ để doanh nghiêp đóng các khoản bảo hiểm, công đoàn. Khi lương tối thiểu tăng, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh lại cho đúng luật, còn thu nhập thực tế sẽ không thay đổi.
Bên cạnh nỗi lo tăng lương tối thiểu, một khó khăn khác các doanh nghiệp sắp phải đối mặt đó là quy định mới về đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tính trên tổng thu nhập của người lao động sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/1/2016.
Theo đó, mức lương làm căn cứ đóng các chế độ bảo hiểm và kinh phí công đoàn cho người lao động sẽ bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp (áp dụng từ 2018). Còn hiện tại chỉ áp dụng mức lương ghi trên hợp đồng lao động.
Điều này đồng nghĩa với việc, từ năm 2016, mức lương tối thiểu vùng sẽ không còn là căn cứ để đóng các loại bảo hiểm. Mức lương này sẽ chỉ có ý nghĩa đối với khoản phí công đoàn.

MẠNH NGUYỄN

Theo http://bizlive.vn/