clock

Thị Trường

06:54 09-09-2015

Mất hơn 3,6 tỷ USD mục tiêu xuất khẩu năm nay sẽ gặp thách thức lớn

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng 10% trong năm nay, mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu cần phải đạt được 13,75 tỷ USD.

Ảnh minh họa

Theo tính toán của bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 8 tháng đầu năm mức xuất khẩu bình quân chỉ đạt khoảng 13,25 tỷ USD.

Bốc hơi 3,6 tỷ USD từ nông sản và khoáng sản

Như vậy, để đạt được kim ngạch xuất khẩu đề ra, trong 4 tháng còn lại của năm cần phải đạt mức bình quân là 14,75 tỷ USD.

“Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2014 là khó khăn. Trong 8 tháng đầu năm, với tình hình kinh tế, doanh nghiệp trong nước, DN xuất khẩu có nhiều khó khăn, khi xuất khẩu giảm đi. Đặc biệt tập trung vào nhóm nông, thủy sản và khoáng sản” - Bà Diệu Hà nói.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu ước đạt 106,3 tỷ USD, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của DN trong nước ước đạt 31,7 tỷ USD, giảm 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 74,6 tỷ USD, tăng 14,7%.

Nhóm hàng nông sản và thủy sản tiếp tục giảm 10,2% trong 8 tháng đầu năm khi đạt 13,4 tỷ USD. Một số mặt hàng có lượng xuất khẩu giảm như cà phê: 32,4%; chè các loại: 5,4%; hạt tiêu: 21%... đã làm cho kim ngạch xuất khẩu cả nhóm giảm 766 triệu USD.

Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản cũng giảm trong tháng 8 tới 46,6%. Tính chung 8 tháng đầu năm lượng xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu cả nhóm 321 triệu USD, trong khi giá xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch cả nhóm gần 2,9 tỷ USD.

Chỉ riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng khá, đạt 11,5 tỷ USD trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm ước đạt 83,4 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Đây vẫn là nhóm tiếp tục giữ vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch chung.

Xuất khẩu chưa bền vững

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân khiến cho nhóm nông, lâm thủy sản giảm 10,2% là do mặt hàng thủy sản và 3 mặt hàng nông sản chủ lực gồm gạo, cà phê và cao su giảm. Nguồn cung các nước xuất khẩu dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, đặc biệt là từ Thái Lan, Ấn Độ…

Giá dầu thô giảm kéo theo chính sách duy trì giá trị đồng nội tệ thấp để thúc đẩy xuất khẩu của nhiều quốc gia, dẫn đến hạn chế nhập khẩu. Ngoài ra, xu hướng bảo hộ đối với mặt hàng nông, lâm, thủy sản của các nước gia tăng…

Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm, dự báo một số khó khăn mà hoạt động xuất khẩu phải đối mặt như: Giá và lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản tiếp tục ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu khối DN trong nước dự kiến tăng trưởng ở mức thấp, do các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khu vực này là nông sản, thủy sản và khoáng sản đang bị suy giảm.

Theo đó, xuất khẩu sẽ tăng trưởng chủ yếu ở những mặt hàng do khối các DN FDI sản xuất, những mặt hàng dựa vào nguồn lao động giá rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, việc tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc khá lớn vào sản phẩm xuất khẩu của một số ít DN đầu tư trực tiếp nước ngoài, chưa đảm bảo tính bền vững trong tăng trưởng, nhất là trong trường hợp các DN này suy giảm doanh số tiêu thụ hay gặp biến cố bất thường.

Theo bà Diệu Hà, để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và đạt mục tiêu 10%, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN trong nước, đăc biệt là ngành nông, thủy sản. Bộ Công Thương sẽ tích cực làm việc với Bộ Nông nghiệp để phân tích từng nhóm hàng, ngành hàng để có chính sách phù hợp.

Đồng thời, cần cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tận dụng lợi thế các FTA sang Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc…

An Ngọc

Theo Trí thức trẻ