clock

Công Nghệ

06:14 21-11-2017

Mặt nạ BKAV "bóc" iPhone X của Apple: Khi Face ID đối đầu "Fake PR"

Thử nghiệm phá vỡ cấu trúc an ninh mới nhất trên siêu phẩm của Apple của BKAV tuần trước đã tạo nên cú nổ truyền thông trong nước và quốc tế. Lần đầu tiên sau sự kiện ra mắt Bphone 2, từ BKAV được nhắc đến nhiều như thế trên mặt báo, tuyệt thật!

Thông tin về công ty BKAV giới thiệu chương trình "Mặt nạ có thể mở khóa Face ID iPhone X" và trình diễn thủ thuật qua mặt được công nghệ mở khóa mới nhất của Apple nghe nói đã làm rung chuyển giới công nghệ Việt Nam và tạo ra những luồng ý kiến đa chiều.

Giải thích cho việc thử nghiệm này, lãnh đạo của BKAV cho biết muốn chứng minh tính năng Face ID của điện thoại iPhone X chưa tốt như quảng cáo và BKAV khuyên người dùng không nên cho người khác mượn iPhone X (đã kích hoạt Face ID).

Hiểu một cách nôm na thì lời khuyên này có nghĩa là có nhiều nguy cơ kẻ gian sẽ sử dụng một mặt nạ kiểu BKAV hoặc bắt chước phương thức làm của BKAV để mở khóa điện thoại một cách bất hợp pháp.

Vì BKAV là công ty an ninh mạng

Trước đó ít lâu, BKAV cũng tiết lộ rằng Samsung làm phần mềm kém. Samsung là một tập đoàn sản xuất kinh doanh đa ngành nên khái niệm "phần mềm" mà BKAV đề cập ở đây là phần mềm Android sử dụng trên các điện thoại của Samsung.

Phải nói rằng việc BKAV lên tiếng chê cả Samsung lẫn Apple đã vấp phải không ít chê bai bởi lượng người Việt Nam sử dụng các sản phẩm của hai ông lớn trong ngành công nghệ cao là không hề nhỏ. Tuy nhiên BKAV cho chúng ta lý do để hiểu được hành vi của họ: BKAV là công ty chuyên về an ninh mạng có cả chục năm kinh nghiệm và việc "soi" lỗi của các sản phẩm có kết nối với mạng internet là chuyện bình thường.

Mặt nạ BKAV bóc iPhone X của Apple: Khi Face ID đối đầu Fake PR - Ảnh 1.

BKAV đã cho thế giới thấy cách họ "đầu độc" một trong những công nghệ hiện đại nhất của ông lớn di động toàn cầu.

Ở Việt Nam, BKAV khá nổi tiếng, đặc biệt trong bối cảnh đông đảo người dùng internet ít quan tâm đến việc bảo mật thông tin khi sử dụng các công cụ liên quan đến kết nối mạng. Anh bạn tôi cách đây đã lâu có cái máy tính bị nhiễm virus. Anh này sử dụng các phần mềm diệt virus hạng nhất như Kapersky, AVG hay Norton mà không tài nào khắc phục được.

Sau có người mách sử dụng phần mềm diệt virus của BKAV, anh bạn dù không tin tưởng lắm nhưng có bệnh đành vái tứ phương, bèn dùng thử thì máy "khỏi bệnh" liền, sạch bóng virus. Đem thắc mắc đến hỏi người đã giới thiệu dùng BKAV thì anh bạn nhận được câu trả lời rất đơn giản : mấy con virus ấy là của người Việt chế ra, không phổ biến nên các phần mềm nổi tiếng kia nó không diệt được.

Chẳng rõ thực hư thế nào nhưng từ đó anh bạn dùng BKAV quét virus hàng tuần, tuần nào hệ thống cũng thông báo bắt được một vài con virus, cảm giác "rất là Yomos". Chỉ có điều phần mềm diệt virus này rất hay hiện các thông báo làm phiền nên có lần anh bạn bực mình xóa nó đi nhưng hóa ra xóa mãi không được nên từ đó anh đành sống chung với ân nhân bất đắc dĩ cho tới khi mua máy tính khác.

Nhưng BKAV cũng sản xuất và kinh doanh điện thoại

Dài dòng với chuyện phần mềm virus của BKAV là vì đây là nguồn thu chính của công ty này và BKAV cho biết đã sử dụng nguồn thu nói trên để đầu tư cho việc nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất điện thoại Bphone với số tiền khoảng 500 tỷ đồng tính từ năm 2009 đến nay.

Dưới góc độ là một công ty an ninh mạng, việc BKAV tìm ra các lỗ hổng phần mềm của các công cụ kết nối mạng nhằm hạn chế kẻ xấu lợi dụng khai thác là điều cần thiết. Tuy nhiên BKAV lại trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất và kinh doanh điện thoại thông minh, là loại hình sản phẩm mà Samsung và Apple cũng đang sản xuất và kinh doanh.

Từ đây, việc BKAV lên tiếng chê bai, thậm chí tổ chức chương trình "bóc lỗi" sản phẩm kinh doanh cùng loại có thể bị hiểu là hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh. Với tư cách là "doanh nghiệp hai mang" như thế, lợi ích thu được là "lợi ích kép" và bởi vậy đó là hành vi bị cấm.

Mặt nạ BKAV bóc iPhone X của Apple: Khi Face ID đối đầu Fake PR - Ảnh 2.

Đặt cạnh nhau, công nghệ hiện đại của Apple có vẻ "thua trận" trước những cái đầu tinh vi và có nghề của BKAV. Nhưng đứng trên lập trường của các ông lớn, BKAV có đang chơi đẹp?

Có rất nhiều biến thể của cách làm thu lợi ích kép, đơn cử như vụ lãnh đạo một công ty kinh doanh lại đồng thời làm thứ trưởng ở một bộ chuyên ra chính sách về kinh doanh, hoặc một hãng sản xuất thực phẩm tại Việt Nam đã lập tức bị kiện chỉ vì quảng cáo nói rằng sợi mì không có màu giống như màu sản phẩm của hãng này là do pha thêm chất cấm, mặc dù quảng cáo không chỉ đích danh tên của các hãng mì đối thủ.

Câu hỏi đặt ra là nếu quả thực BKAV phát hiện ra lỗi ở sản phẩm kinh doanh cùng loại thì họ nên làm thế nào? Có rất nhiều cách: nếu ở góc độ là chuyên gia về an ninh mạng, họ sẽ báo cho đơn vị có sản phẩm để vá lỗi (và dĩ nhiên hưởng lợi từ uy tín về chuyên môn, cũng có thể hưởng lợi cả về tài chính nếu được đơn vị có sản phẩm trả tiền chất xám). Đó là cách mà các hãng chuyên về an ninh mạng trên thế giới thường làm.

Nếu đứng dưới góc độ kinh doanh sản phẩm cùng loại, cách làm dễ hiểu nhất là... ngó lơ (ồ, sản phẩm của đối thủ có chất lượng không tốt thì mừng quá đi); còn cách làm thông thường nhất nếu đang sản xuất kinh doanh cùng loại sản phẩm ấy là nghiên cứu làm ra sản phẩm không mắc phải lỗi mà mình đã phát hiện ra. Vậy thôi!

 

Lời kết

Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của BKAV mới đây đã cho biết ông rất muốn BKAV trở thành một Samsung hay Apple của Việt Nam. Đó là ước mơ rất lớn, nhất là nếu như hình ảnh những tượng đài mà BKAV hướng tới không chỉ vì mức doanh số hay năng lực công nghệ mà còn vì cả cách mà họ đối xử với đối thủ và thị trường.

Microsoft từng đổ 150 triệu USD vào Apple để cứu kình địch "Táo khuyết" không bị phá sản hồi 1997, còn Apple đã giữ im lặng trong vụ "tai biến" cháy nổ pin điện thoại Samsung Galaxy Note 7 chứ không tranh thủ "té nước" nói xấu đối thủ để hưởng lợi thêm.

Tất cả họ, Microsoft, Apple hay Samsung, sau các biến cố, vẫn tiếp tục cạnh tranh gay gắt nhưng sòng phẳng với nhau. Có như vậy thì thế giới mới "là một nơi tốt đẹp hơn", như lời của Steve Jobs nói với Bill Gates khi cảm ơn Bill về hành động cứu Apple bên bờ vực phá sản.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

 

theo Nhịp sống kinh tế