clock

Thế Giới

05:13 05-06-2018

Microsoft chi 7,5 tỷ USD mua nền tảng phát triển phần mềm GitHub

Các công cụ của GitHub có vai trò rất quan trọng đối với các nhà phát triển phần mềm trên thế giới...

Tập đoàn Microsoft ngày 4/6 công bố kế hoạch mua lại GitHub, một nền tảng dành cho các nhà phát triển phần mềm, với giá 7,5 tỷ USD.

Theo hãng tin CNBC, GitHub được định giá ở mức 2 tỷ USD trong đợt gọi vốn gần đây nhất vào năm 2015.

"Microsoft là công ty đặt các nhà phát triển phần mềm lên trên hết, và bằng cách hợp lực với GitHub, chúng tôi tăng cường cam kết của mình đối với sự tự do, cởi mở và sáng tạo của các nhà phát triển phần mềm", Giám đốc điều hành (CEO) Microsoft, ông Satya Nadella, nói trong một tuyên bố.

Phó chủ tịch của Microsoft, ông Nat Friedman, sẽ tiếp quản vai trò CEO GitHub, thay cho ông Chris Wanstrath - nhà sáng lập nền tảng này.

"Tương lai của phát triển phần mềm là tươi sáng, và tôi vui mừng được hợp lực với Microsoft để giúp điều đó trở thành hiện thực", ông Wanstrath nói.

Các công cụ của GitHub có vai trò rất quan trọng đối với các nhà phát triển phần mềm trên thế giới, những người sử dụng nền tảng này để lưu trữ các mã phần mềm, theo dõi các cập nhật và thảo luận các vấn đề.

GitHub, một công ty do tư nhân nắm cổ phần - đã có hơn 23 triệu người sử dụng thuộc hơn 1,5 triệu tổ chức. Công ty này đã gần đạt mức doanh thu 200 triệu USD mỗi năm từ thu phí sử dụng, bao gồm hơn 110 triệu USD từ những công ty sử dụng sản phẩm doanh nghiệp của nền tảng.

Trước đây, Microsoft từng được cho là đã tiếp cận GitHub, bao gồm một lần vào năm 2016, dù GitHub phủ nhận những thông tin này.

Việc thâu tóm GitHub sẽ giúp Microsoft có thêm một điểm kết nối nữa với các nhà phát triển phần mềm mà Microsoft đang cần thu hút để xây dựng ứng dụng cho nhiều nền tảng khác nhau, gồm nền tảng đám mây Azure. Ngoài ra, Microsoft cũng có thể sử dụng dữ liệu từ GitHub để cải thiện các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) của mình.

Microsoft dự báo phải đến năm 2020 hãng mới thu được hiệu quả tài chính từ thỏa thuận này, nhưng cho rằng thỏa thuận sẽ chỉ có ảnh hưởng bất lợi ở mức tối thiểu đối với kết quả kinh doanh của hãng trong thời gian tới.

 

Thăng Điệp/ Vneconomy