clock

Tài Chính

05:57 06-09-2018

Mục tiêu thần tốc xử lý nợ xấu hai năm tới

Mục tiêu này xác định xử lý nợ xấu một cách thực chất cả chất và lượng...

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, nợ xấu tại công ty tài chính tiêu dùng FE Credit có xu hướng tăng lên, mà trong đó có những đặc thù như chỉ riêng có tại Việt Nam.

Về tổng thể, nợ xấu Việt Nam những năm qua và hiện nay cũng có những đặc thù lớn, có cách xử lý mà thế giới chưa có.

Đặc thù ngày trở về

Ở trường hợp FE Credit, nợ xấu có xu hướng tăng lên từ quý 1/2018.

Trao đổi với VnEconomy tại thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vương (VPBank - ngân hàng mẹ) giải thích, xử lý nợ trong cho vay tiêu dùng có những cái phi kỹ thuật. Ví dụ như quý đầu năm rơi vào tháng Tết, đầu năm mới, người ta kiêng kị chuyện đòi nợ, FE Credit cũng "tâm lý" với khách hàng, nên việc xử lý nợ chưa quyết liệt như thông thường.

Mặt khác, việc xử lý nợ nửa đầu năm nay của FE Credit gặp vấn đề nhân sự, do nhiều cán bộ chuyên trách bị đối thủ "rút ruột". Công ty phải đào tạo và bổ sung lại, hiện cơ bản đã được khỏa lấp.

Điểm được chú ý hơn cả, vừa qua, những thông tin rộ lên về chuyện đòi nợ tại công ty cho vay tiêu dùng này. Một mặt cho thấy sức ỳ trả nợ của một bộ phận khách hàng, mặt khác cho thấy "một nét đặc trưng" trong việc xử lý nợ xấu tại Việt Nam.

Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc Fe Credit cho biết, một nguyên nhân chính trong phát sinh vừa qua có phần do khách hàng thay đổi số điện thoại sau khi vay vốn, phía công ty vẫn theo số khách đã đăng ký để thu đòi.

"Quả thực chúng tôi làm việc tại nhiều thị trường, hay trên thế giới, không gặp phải vấn đề này. Nhưng tại Việt Nam, khách đổi số điện thoại sau khi vay, dẫn đến những sự cố ngoài mong muốn khi nhắn tin báo nợ. Chúng tôi phải rà soát và điều chỉnh lại để có giải pháp phù hợp", ông Kalidas Ghose nói.

Đó là một trong những đặc thù tiểu tiết trong xử lý nợ xấu tại Việt Nam, như chuyện kho hàng thế chấp bị tráo thành tro trấu, hay chủ khoản vay hàng ngày vẫn cưỡi Hummer mà khoản nợ ngân hàng nhắc cả chục lần không chịu trả…

Nhưng, đặc thù lớn nhất của nợ xấu tại Việt Nam nằm ở cơ chế, từng tạm để sang một bên lượng lớn mà nay đã và đang lần lượt trở về.

Tháng 9/2012, lần đầu tiên nợ xấu được công bố thực chất ở mức hơn 17%. Để ghi nhận mức độ khủng khiếp này, nhà quản lý đã phải họp bàn hàng chục cuộc, rồi lần lượt có các giải pháp giãn và hoãn.

Với thể trạng các tổ chức tín dụng khi đó, ghi nhận ngay hơn 17% đi cùng với yêu cầu trích lập dự phòng tương ứng đồng nghĩa với sự sụp đổ. Việc giãn và hoãn gần như bắt buộc, tập trung ở ba cơ chế chính: nhiều lần hoãn thực hiện cơ chế mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng; cho cơ cấu nợ mà không phải chuyển nhóm; thành lập VAMC và "tạm gửi" lượng lớn nợ xấu sang.

Trong quá trình đó, chỉ tính riêng lượng nợ xấu bán sang VAMC và lượng được cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm cũng đã lên tới khoảng 600.000 tỷ đồng.

Tất nhiên, không thể giãn và hoãn gửi mãi. Sau tháng 9/2015, VAMC giảm tốc độ mua nợ xấu. Cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm cũng khép lại, chỉ còn một phần chuyển tiếp trong Thông tư 09. Thông tư 02 về phân loại và trích lập dự phòng rồi cũng phải thực hiện. Nợ xấu lần lượt được ghi nhận thực tế hơn, từ 2016 đến nay là một sự trở về gần hơn với thực chất.

Mục tiêu hai năm thần tốc

Sau giãn và hoãn, đến nay sức khỏe hệ thống các tổ chức tín dụng đã tốt hơn để đối diện và đón nhận sự trở về đó.

Trước hết, từ 2016, Vietcombank mở đầu xu hướng đón nhận lượng nợ xấu từng tạm gửi ở VAMC về chung một sổ để tự xử lý. Đến nay đã có nhiều thành viên làm được điều này, như tại Techcombank, MB, VIB, VietinBank và triển vọng tại ACB vào cuối năm nay…

Tổng thể, toàn hệ thống đã từng bước xử lý được lượng lớn nợ xấu những năm qua.

Cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tính từ năm 2012 đến tháng 6/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 785.930 tỷ đồng nợ xấu; riêng 6 tháng đầu năm 2018 xử lý ước đạt 58.800 tỷ đồng, chủ yếu do các tổ chức tín dụng tự xử lý với 56.740 tỷ đồng.

Riêng kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, sau một năm thực hiện, đã đạt 138.290 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng chỉ còn nhỉnh hơn 2%, rất thấp. Nhưng nếu tính nợ ngoại bảng (gồm nợ tại VAMC, nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu...) hiện vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 6,6% tổng dư nợ.

Tại hội nghị chuyên đề xử lý nợ xấu tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu giảm được tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% một cách thực chất đến năm 2020 (từ mức khoảng 6,6% nói trên). Đây cũng là mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng mà Chính phủ vừa phê duyệt.

Theo đó, toàn hệ thống chỉ còn hai năm nữa để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức độ kiểm soát được một cách thực chất và chuẩn chỉnh. Từ 6,6% xuống dưới 3% trong hai năm là mục tiêu thần tốc, trong điều kiện mẫu số tín dụng bắt đầu hãm đà tăng trưởng.

Nhưng nhìn từ mức độ hơn 17% giảm xuống còn 6,6% trong 6 năm qua, mục tiêu đó có triển vọng, cùng với tình hình sức khỏe của hệ thống nói chung đã được cải thiện một bước đáng kể theo các số liệu thống kê Ngân hàng Nhà nước công bố định kỳ.

 

Duyên Duyên/Vneconomy