clock

Tài Chính

11:09 13-11-2017

Ngân sách 2018 sẽ bội chi 204.000 tỉ đồng, tăng lương cơ sở, phát hành không quá 50.000 tỷ đồng TPCP

Trong kỳ họp sáng ngày 13/11, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Tỉ lệ đại biểu tham gia biểu quyết là 437 đại biểu, chiếm 89%. Trong đó, tỉ lệ tán thành đạt 425 phiếu, chiếm 86,56%.

Quốc hội đã thông qua một loạt các chỉ tiêu cho ngân sách Nhà nước năm 2018: Tổng thu ngân sách Nhà nước 2018 sẽ đạt 1.319.200 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 1.523.200 tỷ đồng. Bội chi ngân sách là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP.

Trong đó, bội chi ngân sách Trung ương là 195.000 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 9.000 tỉ đồng. Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nọ gốc của ngân sách là 363.284 tỷ đồng.

 Ngân sách 2018 sẽ bội chi 204.000 tỉ đồng, tăng lương cơ sở, phát hành không quá 50.000 tỷ đồng TPCP  - Ảnh 1.

Điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1,39 triệu đồng/tháng

Nghị quyết của Chính phủ giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2018. Mục tiêu lớn nhất đặt ra vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt các luật thuế, phí và lệ phí, tái cơ cấu lại nguồn thu, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đóng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách Nhà nước..

Trong giai đoạn 2018-2020, tiếp tục thực hiện điều tiết 100% số thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách trung ương; giữ ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu trong nước và nhập khẩu như đối với năm 2017.

Thu vào ngân sách nhà nước 72% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2018; số tiền còn lại (28%) đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển, trong đó: Ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế công lập, chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sau khi đã bố trí vốn bảo đảm hoàn thành các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trên, được bố trí cho các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các công trình quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công.

Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

Giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức tiền lương cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.

Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.

 

Sau khi đã bảo đảm nhu cầu cải cách tiền lương, các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương của mình thực hiện các chính sách, chế độ an sinh xã hội do Trung ương ban hành. Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định.

Phát hành không quá 50.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Trong giai đoạn 2018-2020, các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư phát triển các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2018 không quá 50.000 tỷ đồng, bao gồm cả số chuyển nguồn trái phiếu Chính phủ sang năm 2018 (nếu có) để đầu tư cho các công trình, dự án đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

 

Thực hiện nghiêm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội. Quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước cho đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP), tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và lĩnh vực du lịch.

Quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước, chi chuyển nguồn theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật về đầu tư công, sớm phân bổ vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Bám sát và thực hiện đúng Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương; trong điều hành cần có biện pháp tích cực để giảm bội chi.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ; không sử dụng vốn vay từ các hiệp định vay mới cho chi thường xuyên theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước (trừ các Hiệp định đã ký kết và được giải ngân trước năm 2017).

Bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định.

 

theo Trí Thức Trẻ