clock

Bất Động Sản

10:12 29-08-2017

Nghị quyết 42 sẽ khơi thông quỹ đất sạch?

Theo HoREA, Nghị quyết 42 sẽ góp phần khởi thông quỹ đất sạch, cụ thể là làm lành mạnh hoạt động tín dụng, xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm mà phần lớn là BĐS.

Trong "hành trình" tích lũy năng lực cạnh tranh của các nhà phát triển bất động sản (BĐS), mà cụ thể là có được quỹ đất sạch để triển khai dự án thì Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ ngày 15/8/2017) được các chuyên gia nhận định là tạo kênh đầu tư tiềm năng cho các nhà đầu tư có năng lực, chủ yếu trong lĩnh vực BĐS vì nguồn cung dồi dào hơn, nguồn hàng tốt hơn.

Ông Nguyễn Hữu Quang - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (thành viên tham gia cơ quan thẩm tra Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC) cho biết, nội dung cơ bản của Nghị quyết 42 là xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng và mở rộng đối tượng mua nợ xấu (thay vì chỉ giới hạn trong phạm vi các tổ chức có chức năng mua bán nợ xấu) và cho phép mua bán nợ xấu có thể dưới mệnh giá. Vì thế Nghị quyết 42 là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân tận dụng để đầu tư.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Nghị quyết 42 sẽ góp phần làm lành mạnh hoạt động tín dụng, xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm mà phần lớn là BĐS, bởi thực tế cho thấy, khoảng 70% tài sản thế chấp của DN tại các tổ chức tín dụng gắn liền với BĐS. Cũng theo HoREA, tuy nói “nợ xấu” nhưng “tài sản bảo đảm không xấu” vì thông thường BĐS khi thế chấp để vay tín dụng chỉ được định giá phổ biến ở mức trên dưới 60% giá trị thực.

Song, để xử lý phần nợ xấu với tài sản thế chấp là BĐS trên thực tế lại không đơn giản. Ông Đinh Thế Hiển cho rằng, về chủ trương, Nghị quyết 42 là sự đột phá vì cho phép bán nợ dưới giá tài sản (chủ yếu để xử lý những dự án lớn, dự án liên quan vốn nhà nước) còn việc đi vào cuộc sống, cụ thể là mua lại nợ xấu như thế nào thì còn quá sớm để nói về tính hiệu quả.

Từ năm 2013, thời điểm thị trường BĐS có dấu hiệu hồi phục đến nay, có thể phân "nợ xấu" BĐS dưới hai dạng, một là "nợ xấu nhưng dự án tốt", như trường hợp MC Tower (đường Hàm Nghi, quận 1), công trình chây ỳ do đơn vị phát triển cố tìm cơ hội tốt để bán lại. Đối với những công trình dạng này thì cần cơ chế hành chính thông thoáng, linh hoạt là có thể giải quyết.

Còn với những dự án "đóng băng", có số nợ cao hơn giá trị thực thì để giải quyết triệt để cần phải hội tụ nhiều yếu tố, chứ không đơn giản là mua đi bán lại. Theo quan sát của ông Hiển, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 500 dự án ngưng trệ thì có khoảng 70% không thể đền bù được, như vậy, để giải quyết khoản "nợ xấu" này phải dựa trên nhiều yếu tố.

Còn đối với nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, nhiều quan điểm cho rằng, sự tham gia của các "đại gia" có kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS sẽ giải tỏa được gánh nặng này, nhưng với các ngân hàng thương mại thì việc giải quyết nợ xấu (với tài sản thế chấp là BĐS) ra sao, như thế nào đều phải phù hợp với chiến lược kinh doanh của họ - chuyên gia Đinh Thế Hiển bày tỏ quan điểm.

 

 

 

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU/DNSG