clock

SỰ KIỆN

06:11 09-09-2015

Nghịch lý giá xăng giảm liên tiếp, cước vận tải vẫn “chây ì”

Hiện nay người tiêu dùng đang chịu nhiều thiệt hại khi các doanh nghiệp không chịu giảm giá cước vận tải, mặc dù giá xăng dầu - một yếu tố cấu thành quan trọng trong giá cước vận tải (chiếm tới 25% - 35%) đã giảm 5 lần liên tiếp (khoảng 16,73%) trong 3 tháng vừa qua.

Ảnh minh họa.

Tại tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) tổ chức ngày 8/9, các chuyên gia và khách mời tham dự đã tập trung phân tích nguyên nhân của tình trạng neo giá cước vận tải và đề xuất nhiều biện pháp giảm giá cước.

Theo đó, hiện nay người tiêu dùng đang chịu nhiều thiệt hại khi các doanh nghiệp không chịu giảm giá cước vận tải, mặc dù giá xăng dầu - một yếu tố cấu thành quan trọng trong giá cước vận tải (chiếm tới 25% - 35%) đã giảm 5 lần liên tiếp (khoảng 16,73%) trong 3 tháng vừa qua.

Ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng giá cước taxi ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, giá cước taxi trung bình ở Bangkok là 3.800 đồng/km (6 bath), ở Manila là 5.700 đồng/km (11,93 peso), ở Jakarta là 6.300 đồng/km (4.000 Rupiah) và thậm chí là ở Singapore cũng chỉ 8.700 đồng/km (0,55 S$).

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của VINASTAS cho biết, hiện người tiêu dùng đang phải chịu thiệt hại không nhỏ từ mức cước vận tải bất hợp lý và quá cao.

“Xăng giảm sâu như vậy, lẽ ra giá cước vận tải cũng phải giảm tương ứng, có như vậy mới bảo đảm công bằng đối với người tiêu dùng vì họ đã từng chia sẻ với ngành vận tải khi giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải cũng tăng theo. Tuy nhiên giá cước vận tải vẫn “án binh bất động” – ông Hùng nói.

Ngày 3/9/2015, theo thông báo của Bộ Công Thương gửi cho Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, xăng RON 92 giảm giá 1.198 đồng/lít, giá bán xuống mức 17.338 đồng/lít; xăng E5 giảm giá xuống còn 16.843 đồng/lít; dầu diesel 0.05S xuống còn 13.310 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S xuống còn 9.351 đồng/kg.

Như vậy, trong năm nay, kể từ khi lập đỉnh 20.711đồng/lít vào ngày 19/6/2015, sau 5 lần giá xăng dầu giảm liên tiếp, nhưng giá cước vận tải vẫn hầu như không nhúc nhích. Nhiều hãng taxi vẫn giữ nguyên giá cước đối với các dòng xe Getz, Giant i10, Kia Moring là 6.000đ với km đầu tiên, từ km thứ 2 đến km thứ 30 là 11.000đ/km, từ km thứ 31 trở đi 9.000đ/km.

Lý giải cho sự chậm trễ giảm giá cước, các hãng vận tải thường đưa ra nhiều nguyên nhân như khi giá xăng dầu tăng, cước taxi không tăng, nên khi giá xăng đầu giảm, thì cước taxi chưa thể giảm; việc cài lại đồng hồ phức tạp, tốn kém; bổ sung dịch vụ để bù vào; cần chờ đúng quy trình, thời gian để tính toán...

Tuy nhiên, cách giải thích này thiếu sức thuyết phục bởi trên thực tế rất ít trường hợp xăng dầu tăng giá nhưng giá cước không tăng và câu hỏi ngược lại, tại sao khi giá cước tăng, việc cài lại đồng hồ lại kịp thời mà không ngại phức tạp, tốn kém?

Việc chi phí đầu vào giảm nhưng giá cước không giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Không những thế, người tiêu dùng còn bị thiệt kép khi giá cả những mặt hàng liên quan khác cũng vin vào đó để “neo giá”.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã phải gửi công văn tới Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố để yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện việc kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý cước vận tải.

Tuy nhiên, theo Đại diện VINASTAS, để đem lại công bằng giữa người sử dụng và người cung ứng dịch vụ vận tải, không thể phó thác cho cơ chế thị trường; mà cần sự can thiệp của Nhà nước bằng các biện pháp hành chính; sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận và người tiêu dùng, kể cả biện pháp tẩy chay những đơn vị cố tình trây ỳ.

Mặt khác, để phát huy những ưu thế của cơ chế thị trường, các cơ quan quản lý cần kiến tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải; có chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới vào lĩnh vực dịch vụ vận tải ở nước ta.

Thảo Anh

Theo Trí thức trẻ