clock

CEO Việt

05:01 19-06-2017

Người "giữ ấm" cho chuỗi cung ứng lạnh

Mong muốn lớn nhất của nhà sáng lập ABA Cooltrans - đơn vị cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chuỗi cung ứng lạnh (cold chain) tích hợp là làm chủ được quy trình luân chuyển hàng hóa từ nông trại đến bàn ăn.

Chia sẻ của ông Lương Quang Thi cùng Doanh Nhân Sài Gòn bắt đầu từ chuyện liên quan đến lợi ích của việc ứng dụng chuỗi cung ứng lạnh trong sản xuất nông nghiệp, và đúng vào thời gian mà người tiêu dùng quan tâm theo dõi những đợt "giải cứu" nông sản, từ dưa hấu, chuối, đặc biệt là thịt heo. Ông nói:

- Ở các quốc gia phát triển, năng suất ngành nông nghiệp rất cao vì họ chuyên môn hóa từng khâu. Trang trại, vùng nuôi trồng thường ở xa thành thị, khoảng cách từ nơi sản xuất đến các điểm tiêu thụ thường khá xa, có nơi rất xa, vì thế chuỗi cung ứng lạnh lại càng quan trọng. Nông sản, thực phẩm sau thu hoạch sẽ được sơ chế tại chỗ, bảo quản đúng nhiệt độ, đúng quy cách và được duy trì trong suốt quá trình vận chuyển đến điểm tiêu thụ.

Nhờ khép kín được quy trình thu hoạch, sơ chế, bảo quản, hàng hóa của họ giữ được lâu, không có tình trạng thừa đột biến khi vào mùa vụ, được mùa mất giá như những gì nông dân Việt Nam đang gặp phải. Nếu triển khai và nhân rộng được quy trình này sẽ giúp ích rất nhiều cho nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, toàn bộ quy trình này đòi hỏi sự tham gia từ nhiều phía. Nếu được, Chính phủ phải đứng ra tổ chức, sắp xếp, quy hoạch lại vùng trồng trọt, chăn nuôi để đảm bảo về quy mô, đồng thời đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy sơ chế ngay tại chỗ, đầu tư kho lạnh để ngay từ khi thu hoạch, sản phẩm được bảo quản trong điều kiện tốt nhất.

* Theo ông, nếu ứng dụng chuỗi cung ứng lạnh thì giá trị hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thực phẩm sẽ thay đổi như thế nào?

- Vì sao hàng nông sản, thực phẩm của Mỹ, của Úc đạt hiệu quả cao về mặt kinh doanh, xuất khẩu? Bởi sản phẩm của họ không chỉ được nuôi trồng đúng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm mà khâu sau thu hoạch cũng được đầu tư rất bài bản. Chẳng hạn với thịt heo, sau giết mổ sẽ ngay lập tức được cấp đông -4000C nên vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt gần như hoàn toàn và không làm giảm dinh dưỡng của thịt.

Nhờ được bảo quản lạnh ngay từ đầu cho đến khi bán ra nên thực phẩm tươi mới trong thời gian dài, có thể tiêu thụ ở bất kỳ đâu, nội địa hay xuất khẩu mà không lo lắng bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ, dội chợ, ép giá.

Ấn Độ đã thiết lập một ủy ban để triển khai mục tiêu nâng gấp đôi thu nhập của nông dân trong thời gian nhất định. Người đứng đầu ủy ban này (đang là cố vấn cho ABA Cooltrans) chia sẻ, giá trái cây xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng đáng kể sau khi áp dụng chuỗi cung ứng lạnh.

Việc giảm tỷ lệ thất thoát do hư hỏng, giữ được độ tươi lâu giúp nông sản bán được giá và không lo thiếu thị trường tiêu thụ. Một khi đầu ra được giải quyết, thu nhập của nông dân không những được cải thiện mà còn có thêm động lực để mở rộng quy mô trồng trọt, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà bán lẻ sẽ mạnh dạn để đầu tư, kéo theo nền kinh tế phát triển.

* Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của chuỗi cung ứng lạnh trong quy trình đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng, nhưng việc thuyết phục doanh nghiệp chịu chi phí cao hơn cho khâu này là điều không đơn giản. Thực tế vẫn có hiện tượng doanh nghiệp dược phẩm vận chuyển thuốc bằng xe khô...

- Doanh nghiệp FDI chỉ tập trung vào công việc cốt lõi vì họ luôn hướng đến sự chuyên môn hóa, nên các khâu như vận chuyển, marketing thường thuê ngoài. Gần đây nhiều doanh nghiệp trong nước đã tăng tỷ lệ thuê ngoài, ngưng sắm xe, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chuộng làm tất tần tật các khâu.

Đó cũng là lý do để giải thích tại sao ngành logistics của Việt Nam manh mún, hiếm có doanh nghiệp quy mô lớn. Việc nhà nhà sắm vài ba xe để làm logistics ngốn một lượng vốn không nhỏ nhưng hiệu quả tạo ra cho chính doanh nghiệp lẫn xã hội là không cao.

Đã sản xuất, kinh doanh, nếu chỉ đơn thuần nhìn vào việc phải tốn chi phí, không dám đầu tư thì khó để đi đường dài. Doanh nghiệp cũng chẳng thể có những sản phẩm liên tục được cải tiến, nếu không đầu tư vào khâu R&D (nghiên cứu và phát triển). Thường thì chi phí sử dụng dịch vụ vận chuyển khô và lạnh chênh nhau từ 15 - 20%, nhưng nếu tính giá trị mà chuỗi cung ứng lạnh đem đến thì không nhỏ.

Hàng hóa nếu vận chuyển không đúng phương tiện, bảo quản không đúng nhiệt độ sẽ có tỷ lệ hư hỏng trên mức 10%, thậm chí lên đến 30%. Để tạo ra thị trường cho chuỗi cung ứng lạnh, ABA Cooltrans tập trung hàng hóa của các nhà cung cấp lại một kho lạnh để kết hợp cùng lúc giao được nhiều đơn hàng.

* Việc thuyết phục doanh nghiệp áp dụng chuỗi cung ứng lạnh đã khó, vận động nông dân tham gia lại càng không dễ?

- Đó cũng là nguyên do cần có sự tham gia của nhiều bên, nhiều người. Người tiêu dùng quyết định thị trường, nếu mình kiên quyết không sử dụng hàng hóa kém chất lượng sẽ góp phần giúp thị trường phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia vào quy trình sản xuất, phân phối.

Nếu sử dụng chuỗi cung ứng lạnh đúng cách, hàng hóa sẽ ít hư hao, bán được nhiều khiến giá thành giảm, thị trường ngày càng được mở rộng, ắt doanh thu và lợi nhuận của các bên sẽ được cải thiện đáng kể. Đừng nghĩ đầu tư thêm là tốn thêm chi phí mà phải luôn hướng đến việc tối ưu hóa chi phí. Điều đó cũng giống như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chi phí đầu tư lớn nhưng hiệu quả về lâu dài là không nhỏ.

Với thực phẩm tươi sống hay rau, quả, nếu được cấp đông, làm mát kịp thời, vận chuyển đúng nhiệt độ sẽ không có chuyện hư hỏng, đổ bỏ. Nếu không có chuỗi cung ứng lạnh thì hàng hóa không đi xa được. Người tiêu dùng Việt Nam đang hướng đến "ăn sạch. Tôi tin, nếu ngành nông nghiệp được Chính phủ hỗ trợ, tham gia trong vai trò định hướng, doanh nghiệp, nông dân đầu tư bài bản trong quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản lạnh thì sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng phải "giải cứu" như đang "giải cứu" cho thịt heo hiện nay.

* Chuỗi cung ứng lạnh là khái niệm "cũ người mới ta", chuyện thuyết phục khách hàng hiểu về lợi ích của việc ứng dụng dịch vụ này không hề đơn giản. Vậy tại sao ông lại chọn lĩnh vực khó để "khởi sự" kinh doanh?

- Trước khi khởi sự kinh doanh với ABA Cooltrans, tôi đã từng làm quản lý cho các tập đoàn nước ngoài, như ba năm quản lý ngành hàng cho siêu thị Cora, giám đốc bán hàng cho Công ty Mía đường Bourbon Tây Ninh. Trong sáu năm làm việc tại Công ty Lamberet chuyên cung cấp xe đông lạnh, với vai trò giám đốc thương mại, tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng tự trang bị xe chuyên chở hàng hóa nhưng không đủ điều kiện đảm bảo về nhiệt độ.

Hơn nữa, tôi cũng là người đam mê ẩm thực nên càng quan tâm đến việc bảo quản thực phẩm. Vì thế tôi đã bắt đầu với ABA Cooltrans bằng niềm đam mê trước khi nhìn vào thị trường. Quả thực, dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh là ngành không dễ làm, bởi ngoài việc am hiểu về phương thức bảo quản, chọn nhiệt độ thích hợp cho từng loại hàng hóa, chi phí đầu tư cũng gấp vài ba lần so với chuỗi cung ứng khô.

Nhưng với tôi, cái gì càng khó, tôi càng muốn làm. Bởi cảm giác thành công khi vượt qua thử thách khắc nghiệt bao giờ cũng thú vị. Năm 2008, thời điểm ABA Cooltrans mới đi vào hoạt động, chúng tôi không có xe, chỉ có những cộng sự có cùng chí hướng, nhưng đến nay, đội xe lạnh của Công ty đã gần 150 chiếc với chi phí đầu tư hơn 140 tỷ đồng và đội ngũ nhân sự khoảng 400 người.

Sự tăng trưởng về quy mô vốn, tài sản lẫn nhân sự cũng đồng thời đi kèm với tiêu chí bền vững, bởi trong lĩnh vực dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh, nếu không có sự am hiểu và nghiêm túc với công việc, với đối tác thì sẽ rất khó để tiến xa.

* Ngành logistics hiện có khá nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. ABA Cooltrans làm thế nào để có những khách hàng lớn trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và các công ty như Unilever, BigC, Vinmart, Vinamilk..., rồi cả việc thuyết phục quỹ đầu tư tài chính bỏ vốn?

- Trong ngành dịch vụ, giữ đúng cam kết với đối tác, khách hàng là tiêu chí vô cùng quan trọng. Cách nay khoảng 10 năm, "đúng hẹn" là khái niệm khó thực hiện trong ngành logistics, nhưng chúng tôi đã cố gắng để làm mọi thứ tốt nhất. Việc chuẩn hóa các nguyên tắc ngay từ đầu sẽ giúp doanh nghiệp đi đúng hướng. Điều này rất quan trọng với doanh nghiệp làm dịch vụ. Vận chuyển là dịch vụ phục vụ, mình quan tâm đến kinh doanh của người dùng thì sẽ có động lực để làm.

Tại ABA Cooltrans, chúng tôi có một phòng đào tạo chuyên mở các khóa đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên. Tài xế của ABA Cooltrans được đào tạo ít nhất một năm về an toàn vệ sinh thực phẩm, cách sắp xếp hàng hóa, cách giao tiếp với khách hàng. Việc hiểu, đồng hành, chia sẻ những khó khăn và dám chịu trách nhiệm trước đối tác là cách để ABA Cooltrans thuyết phục khách hàng.

* Được biết, năm 2016, ABA Cooltrans đã nhận được một khoản đầu tư từ Mekong Capital. Thay vì kết hợp với công ty ngoại cùng ngành để vừa học hỏi kinh nghiệm vừa có tài chính để mở rộng kinh doanh, sao ông lại hợp tác với quỹ đầu tư tài chính?

- Dù đi với ai thì cũng phải cân nhắc kỹ, nhất là với những doanh nghiệp Việt Nam quy mô vừa phải như ABA Cooltrans. Giai đoạn này chúng tôi cần kinh nghiệm quản trị, Mekong Capital mời chuyên gia giỏi trong lĩnh vực logistics để cố vấn cho chúng tôi.

ABA Cooltrans đang trong giai đoạn củng cố hơn nữa nền tảng về tài chính, quản trị, hạ tầng để sẵn sàng cạnh tranh ngang ngửa với các đối tác ngoại cùng ngành. Quy mô thị trường của chuỗi cung ứng lạnh trong nước vẫn còn khiêm tốn nhưng khá tiềm năng, gần đây, một số nhà đầu tư châu Á đã xuất hiện nên chúng tôi phải tích lũy đủ nội lực cho một thị trường lớn hơn.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

 

 

HẢI ÂU - NGUYÊN BẢO/ DNSG