clock

Thị Trường

11:35 14-11-2017

Người Việt tiêu hoang, ít tiền vẫn mua điện thoại xịn trả góp: Đừng ném đá, hàng Mỹ mua kiểu Mỹ thôi!

Hễ mua điện thoại trên 10 triệu đồng là hơn 50% khách hàng người Việt phải cần tới dịch vụ trả góp. Mới nghe, điều này có thể giống như bằng chứng về thói chi tiêu hoang, nhưng sự thật không phải thế.

Mới đây, số liệu thống kê của các ông lớn bán lẻ di động tại Việt Nam là Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS cho thấy hơn nửa giao dịch mua điện thoại trên 10 triệu đồng đều thực hiện bằng phương thức trả góp.

Ở phân khúc điện thoại được coi là cao cấp này, các hệ thống bán lẻ ghi nhận từ 40% đến 60% khách hàng chấp nhận ký các hợp đồng trả góp để có thể mua máy với số tiền phải trả ngay thời điểm nhận hàng rất nhỏ, phần còn lại được ủy quyền cho các tổ chức tài chính liên kết với đơn vị bán lẻ.

Với nhiều người, đây được xem là bằng chứng cho thấy người Việt có thói chi tiêu hoang, không có sẵn tiền những vẫn chạy theo xu hướng để sở hữu những chiếc điện thoại thời thượng đắt tiền. Nhưng sự thật không hẳn như thế.

Thực tế, văn hóa mua hàng trả góp được nhiều người gọi vui dưới cái tên "sống kiểu Mỹ". Ở xứ sở cờ hoa, không phải chỉ khi bạn sắm sửa những thứ đắt tiền như nhà cửa, ô tô thì mới có dịch vụ trả góp, mà với bất cứ sản phẩm nào có nhu cầu tiêu dùng thì đều được sử dụng dịch vụ này. Thậm chí, đi du lịch còn được trả góp, thì điện thoại có gì khó hiểu.

Nhà phân tích Carolina Milanesi của Kantar WorldPanel ComTech viết trên Cnet rằng thay vì săn hàng sale, người Mỹ sẵn sàng chuẩn bị các phương án tài chính để mua được những sản phẩm điện thoại mới nhất, dù giá của chúng thường vượt quá khả năng chi trả của một nửa số khách hàng. Mua hàng trả góp đã trở nên quen thuộc trong văn hóa tiêu dùng của người Mỹ từ năm 2013, áp dụng với mọi mặt hàng, dù là nhỏ nhất.

Chuyên gia này dẫn chứng số liệu: Cứ sau mỗi mùa các ông lớn điện thoại thế giới như Nokia, Samsung, Google, hay Apple ra sản phẩm mới, 47% lượng điện thoại bán ra ở Mỹ được sang tay dưới hình thức trả góp, khoảng 36% được mua dưới các hợp đồng với các công ty viễn thông, và chỉ gần 20% được mua tất toán. Thậm chí, với các fan hâm mộ của Táo cắn dở, tỷ lệ còn lên mức 51% - 37% - 12%.

Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, ở các nước phát triển, hàng hóa tiêu dùng phần lớn được mua theo hình thức trả góp, trong đó yêu cầu đối với người chủ hợp đồng chỉ là có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. "Mua bán trả góp là một hình thức thương mại hiện đại, chứ không giống như người Việt vẫn mặc định lâu nay là mắc nợ, thiếu tiền mới phải góp".

Từ góc nhìn tài chính có thể thấy, việc mua bán trả góp mang lại lợi ích cho cả 3 bên, bên mua, bán và trung gian tài chính. Người mua được sở hữu ngay món đồ mà mình cần, được chấp nhận chi trả theo chu kỳ với số tiền trả nằm trong giới hạn ngân sách; người bán bán được hàng, giảm tồn kho, quay vòng vốn; trung gian tài chính nhnaj được phí dịch vụ.

 

"Đây là kết quả của một loại dịch vụ thiết thực, đánh trúng tâm lý và nhu cầu, không cần các điều kiện về thị trường hoàn hảo để hình thành. Lẽ tất nhiên đừng bên nào mong được được lợi ích hoàn toàn mà không bỏ ra chi phí, nhất là chi phí để có được thông tin cân xứng: bên mua biết rõ chất lượng sản phẩm, bên bán hiểu rõ khả năng tài chính và đạo đức khách hàng".

 

theo Nhịp sống kinh tế