Giáo Dục
07:49 10-09-2015NGƯT.GS.TS. ĐÀO VĂN LƯỢNG: Một Nhà Khoa Học, Một Nhà Giáo, Một Nhà Quản Lý Nhân Văn
Có lẽ, danh tiếng của Nhà giáo ưu tú, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Lượng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn (STU) không còn xa lạ trong giới trí thức, khoa học, văn học và ngành giáo dục Việt Nam. Ngoài những cống hiến trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và đảm nhiệm nhiều trọng trách trong quản lý, ông còn được biết đến là một nhà văn, nhà thơ đi tiên phong trong xây dựng văn hóa trường đại học. Phóng viên Doanh nghiệp và Thương hiệu VN đã tìm đến GS.TS Đào Văn Lượng trong giai đoạn mà STU đang gặp nhiều trắc trở. Giữa bộn bề công việc của một nhà khoa học, nhà giáo, nhà lãnh đạo ông vẫn dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện chí tình. Sau gần 2 giờ phỏng vấn, ra khỏi cánh cửa phòng Hiệu trưởng, nhưng hình ảnh về một nhà giáo tận tụy có 45 năm gắn bó với ngành giáo dục khiến chúng tôi thực sự xúc động và có nhiều suy ngẫm.
Nhà khoa học chân chính
Nhắc đến GS.TS Đào Văn Lượng, không thể phủ nhận những đóng góp thiết thực của ông trong lĩnh vực khoa học tại Việt Nam. Ông đã chủ trì và tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa như chủ trì nhiều đề tài cấp Bộ, cấp Thành phố Hồ Chí Minh như: “Nghiên cứu khả năng sử dụng tài nguyên thiên nhiên và phế thải công nghiệp ở TP HCM” (1989); “Nghiên cứu tổng hợp điện hóa Benzaldehit từ Toluen” (1990), “Nghiên cứu triển khai sản xuất lò đốt rác y tế” (2004)…Chủ trì đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu công nghệ chế tạo Silicagel dạng viên cầu”, đã đạt kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc (1995)”; “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng lão hóa polymer bằng kết hợp thực nghiệm và computer” (2002)…
Với GS.TS Đào Văn Lượng, làm khoa học không chỉ thỏa niềm đam mê nghiên cứu, phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy, mà còn là việc làm có ý nghĩa, thiết thực phục vụ thực tiễn. Khi đương nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường TP. Hồ Chí Minh, GS.TS. Đào Văn Lượng đã đưa lực lượng khoa học công nghệ tham gia vào Chương trình “Hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập” (2000-2005). Là Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin Thành phố, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển công nghệ thông tin và xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung (2000-2006).
Trong báo cáo khoa học của Viện Nghiên cứu Giáo dục TP.HCM tháng 8/2012 đã ghi nhận: “Hiệu trưởng STU - GS.TS. Đào Văn Lượng là một nhà lãnh đạo có uy tín cá nhân và uy tín chuyên môn trong giới học thuật tại Tp.HCM cũng như cả nước. Với uy tín của mình, GS. Lượng đã giúp đưa STU lên một vị thế mới trong các trường ngoài công lập hiện nay”.
Nhà giáo ưu tú
Trong suốt thời gian đứng trên bục giảng, trong vai trò của một người thầy ông lúc nào cũng coi học trò như những đứa con thân yêu của mình. Ông quan niệm: “Dạy tốt không chỉ đơn thuần là sự chuẩn bị chu đáo, sự nhiệt tình trong từng tiết dạy để truyền đạt những kiến thức uyên thâm của người thầy mà còn phải kích hoạt được sự tham gia của người học. Do đó dạy tốt – học tốt là sự kết hợp hài hòa, tác động bổ sung qua lại giữa hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò. Hai hoạt động này diễn ra song song, hài hòa, trong đó người thầy đóng vai trò một nhạc trưởng. Trước khi truyền tải kiến thức mới phải nhận biết, phải tìm hiểu đối tượng người học để chuẩn bị nội dung, phương pháp phù hợp. Không chỉ phải tìm hiểu kiến thức mà còn phải tìm hiểu về những đặc điểm tâm lý của các sinh viên để tạo ra sự giao lưu thân thiện. Sự giao lưu, đồng cảm sẽ là cầu nối tốt đẹp trong việc truyền tải kiến thức. Lúc đó, sự giảng dạy của thầy sẽ thuận lợi hơn, đồng thời trò cũng mạnh dạn hơn, sáng tạo hơn trong cách tiếp thu kiến thức”.
Trong những câu chuyện về cuộc sống, các giá trị văn hóa, giáo dục hay khoa học, lĩnh vực nào thầy cũng để lại nơi tôi một cái nhìn ngưỡng mộ về sự uyên bác và thâm thúy. Trong Chương trình 500 doanh nhân tiêu biểu của châu Á, đài truyền hình Kenjya TV Nhật bản đã phỏng vấn: Ông nói gì với thế hệ trẻ? Ông trả lời ngắn gọn: “Đam mê, học hỏi, tự tin và hợp tác là chìa khóa của thành công”. Nếu bạn làm một việc gì mà không đam mê thì khó có thể đạt kết quả cao; có đam mê mà bạn không chịu học hỏi thì sẽ không thể nào tìm được lời giải tối ưu; chịu học hỏi nhưng thiếu tự tin thì bạn sẽ không đủ dũng khí vượt qua các khó khăn để về tới đích; Tự tin là bản lĩnh của những người rất hiểu những điều mình đang làm; muốn tự tin phải nắm vững kiến thức và bắt bộ não phải luôn làm việc năng động trước mọi tình huống. Tuy vậy, mỗi người không thể tự làm được mọi việc, nên phải hợp tác với nhau. Khi khoa học - công nghê phát triển, mọi sản phẩm đều là sự tích lợp của nhiều ngành, nên phải có sự phối hợp nhiều chuyên gia mới tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao.
Ngoài ra, khẩu hiệu của Đại học Công nghệ Sài Gòn do GS. Đào Văn Lượng xây dựng: “STU - Sức trẻ, Trí tuệ, Ước vọng” cũng được đánh giá là một trong những slogan hay nhất, có tác dụng khích lệ truyền thống của các thế hệ thầy và trò STU.
Là một người thầy mẫu mực, thương yêu và tận tụy với sinh viên. Ông thường chia sẻ: “Mỗi con người chỉ có một trái tim/ Sống nhân ái sẽ được nhiều hơn mất”; chính vì vậy ông đã có được cái quý nhất cuộc đời là tình thương yêu của nhiều thế hệ học trò và các đồng nghiệp. Ông tâm sự: “Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời tôi”.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của GS.TS. Đào Văn Lượng đối với nền giáo dục nước nhà, năm 2012 ông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Nhà lãnh đạo mang tư duy đột phá
Qua hơn 18 năm xây dựng và phát triển, STU đã đào tạo trên 43.000 lượt sinh viên, cấp bằng tốt nghiệp cho gần 24.000 kỹ sư, cử nhân có chất lượng; khoảng 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm đúng ngành nghề đào tạo. Hiện nay có hơn 10.000 sinh viên đang theo học ở 10 ngành đào tạo và gần 600 sinh viên theo học chương trình đại học quốc tế TROY – STU tại trường. STU đã thực sự trở thành một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực có uy tín trong khu vực và cả nước, đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước, được Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng xã hội đánh giá là một điển hình thành công của chủ trương xã hội hóa giáo dục với cách làm bền vững.
Theo GS.TS. Đào Văn Lượng, thành quả trên được xây dựng dựa trên những yếu tố cốt lõi sau:
“Thứ nhất, là yếu tố đội ngũ giảng viên. STU đã quy tụ được một đội ngũ sư phạm hùng hậu và chất lượng với gần 300 cán bộ, giảng viên, trong đó trên 64% giảng viên có trình độ trên đại học, có 2 giáo sư, 5 phó giáo sư và 17 tiến sĩ. Được Viện Nghiên cứu Giáo dục đánh giá là một đơn vị có đội ngũ vững mạnh.
Thứ hai, phải nói đến là chương trình đào tạo. Từ năm 2009 nhà trường đã chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Việc chuyển từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ là cả một quá trình lâu dài, vượt qua nhiều thử thách, đi từng bước vững chắc theo phương châm “Tiệm cận dần đến một học chế tín chỉ thực sự”.
Thứ ba là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học, đây cũng là điểm nhấn quan trọng của STU, góp phần mang lại thành công trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. STU có cơ sở đào tạo khang trang vào bậc nhất trong các trường đại học ngoài công lập, với trên 30.000 m2 xây dựng, có đầy đủ phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành được trang bị các phương tiện, dụng cụ học tập phù hợp có thể đáp ứng cho 15.000 sinh viên học tập. Trường đã đầu tư xây dựng theo đúng chất lượng phục vụ cho một trường công nghệ, chia làm 3 khu vực với trên 80 giảng đường rộng rãi, thoáng mát, 65 phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, trung tâm máy tính, thư viện, hội trường…, có nhà ăn, KTX sinh viên với 500 chỗ cũng được xây dựng trong khuôn viên trường.
Thứ tư là nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Điển hình là chương trình hợp tác quốc tế với Đại học Troy Hoa Kỳ được đối tác đánh giá là chương trình thành công nhất trong hệ thống Troy University khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong vai trò của một nhà lãnh đạo, tư duy đột phá của GS. Lượng còn thể hiện rõ nét ở “Văn hóa STU” mà ông xây dựng: “Hãy trả lại thiên đường đại học cho chủ nhân thự sự của nó”. Theo ông, sinh viên mới thực sự là chủ nhân của trường đại học, họ cần có quyền lực và tiếng nói trong mọi hoạt động của nhà trường. Đó cũng là sự khẳng định rằng trường đại học phải là nơi tự do nhất cho các ý tưởng sáng tạo, và mọi ý tưởng sáng tạo phải được tạo đầy đủ điều kiện để thực hiện.
Chan chứa tính nhân văn
Trong suốt cuộc đời mình, GS.TS Đào Văn Lượng luôn sống nhân văn, luôn nghĩ và hành động nhân văn để có thể mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con người, cho đất nước. Chính vì những điều tưởng chừng đơn giản ấy mà ông đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng mọi người; ông đã nhận được rất nhiều tình thương yêu từ các thế hệ học trò và các đồng nghiệp. Với 92,2% phiếu tín nhiệm là hiệu trưởng xuất sắc của cán bộ, giảng viên STU như một bằng chứng nhận có giá trị nhất dành cho ông. Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy, sinh viên Việt Nam và ngành giáo dục nước nhà cần lắm những nhà giáo chân chính, những vị thuyền trưởng tài năng, đức độ và giàu tâm huyết như NGƯT, GS.TS. Đào Văn Lượng.
Ông tâm sự: “Trong tôi chỉ có 10% kiến thức công nghệ, 10% kiến thức quản lý và còn lại 80% kiến thức là nhân văn”. Đó là lý do mà ít ai ngờ rằng GS. Lượng còn là một nhà thơ với bút danh Văn Liêm. Là Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, ông đã xuất bản hai tập thơ “Nỗi nhớ mênh mang”, “Bờ bến bình yên” và rất nhiều bài thơ khác đã được đăng trên các báo. Ông xem thơ không chỉ là một thú vui trí tuệ để lấy lại cân bằng trong cuộc sống, mà còn là để giãi bày lòng mình, chia sẻ cùng bạn bè, đồng nghiệp. Thơ mang sức mạnh tiềm ẩn; Thơ có khả năng lách vào những chỗ sâu kín nhất của tâm hồn, làm khơi dậy những giá trị nhân bản và làm thui trột đi những ham muốn thấp hèn. Vì vậy, thơ không chỉ có giá trị thẩm mỹ, mà còn có giá trị giáo dục. Thơ góp phần làm đẹp cho đời”.
Để kết luận bài viết, chúng tôi xin được dẫn ra đây “Tôn chỉ Thơ” của Văn Liêm – GS.TS. Đào Văn Lượng:
"Trong bộn bề một ý thơ chợt đển
Làm dịu đi nỗi trăn trở đời thường
Một nhành non cho trời thêm xanh biếc
Một vần thơ cho ta sống đẹp hơn !"
Mỹ Dung